Trong một truyện khác, người ta thấy một anh hùng giang hồ than thở là kiếm pháp trên đời ông đã thuộc cả, nhưng vẫn chưa đến chỗ tối cao là quên được những kiếm pháp đã học ấy! Thì ra cái biết thực của võ học không ở những cách khoa chân và múa tay của những chiêu lẻ mà ở nguyên lý của chúng. Khi thấy cái nguyên lý ấy rồi, nghĩa là đã thu những tạp chiêu ấy về một mối, thì người ta không cần nhớ đến chúng nữa. Một chiêu còn nhớ là một chiêu chưa thấu triệt, sự thống nhất chưa trọn vẹn, và cái biết còn dở dang. Cái biết thực của võ học cũng như trong đạo là một sự lãng quên những ảo ảnh của ngoại thể để tới cái chân nguyên của tất cả. Nhưng người và tự nhiên khi ấy mới thực sự tương đồng, trí năng và năng tính là một. Cá nhân thực hiện được sự thống nhất của mình. Những xôn xao của ngoại giới không thể làm hắn phân tâm nữa và cái tĩnh thuần nhất của lòng hắn không còn gì giao động nổi. Ngay võ công luyện được hắn cũng quên đi. Ấy là khi võ công đã thấm vào người hắn đến chỗ có thể tuỳ nghi tự ý phát động mà không cần sự can thiệp của ý chí.
Cái trí, cái xảo, cái tài hoa ấy tuy nhiên có một cái gì điêu bạc. Những con người ấy quá nhạy cảm và giàu tưởng tượng. Óc của họ không ngừng làm việc, bầy mưu và thiết kế. Làm sao trong sự giao động thường xuyên họ có thể có cái tĩnh cần thiết để tới cái chân nguyên của võ học mà chỉ thông đạt những tâm hồn chất phác và đơn thuần nghĩa là gần tự nhiên hơn?
Cái tĩnh ấy lẽ dĩ nhiên chỉ có thể có với một nội lực siêu phàm. Sức mạnh thực không cần phô trương. Ít khi Kim Dung dùng những tính từ mĩ lệ để mô tả cách biểu diễn của một võ công. Ông không tìm trong võ công cái ngoạn mục của những động tác. Trông không còn gì tầm thường hơn là những cuộc đấu nội lực? Nhưng ấy cũng là những cuộc đấu khẩn trương nhất và tất cả nghệ thuật giờ là làm ta tham dự vào sự khẩn trương ấy. Hết làm vui mắt, võ học trở nên một yếu tố gây xúc động nghĩa là để nói tới tâm hồn. Xu hướng của nó là ngày càng tiết kiệm những động tác. Nhưng sự kín đáo ấy đã thành ra một dấu hiệu của sức mạnh thực. Hãy nhìn thế võ ấy chẳng hạn: xem thật là đơn sơ, nhưng thủ có, công có, và hàm chứa không biết bao nhiêu cách biến hoá, xem nhẹ nhàng, nhưng cực kì độc lạt, xem chậm chạp nhưng uy mãnh vô cùng.
Nhưng bị võ công nguyền rủa như môn võ ác độc nhất vẫn là “Hoá công đại pháp” chuyên môn dùng để phá nội lực của con người. Hình như chạm đến nội lực là chạm đến một cái gì thiêng liêng. Võ học chính tông trong Kim Dung tuy nhiên cũng giống như đạo. Ở chỗ tối cao của nó thì người ta trở nên “tĩnh” như Thái Sơn. Ấy là cái tĩnh của người đã đạt tới cái chân nguyên của tự nhiên và lòng mình. Người và tự nhiên khi ấy là một. Những xôn xao của ngoại giới không còn làm gì được người ta nữa.
Uy lực của người anh hùng từ giờ không ở cái sảo của võ công và khí giới nữa cũng như cái gì đe doạ chàng trên giang hồ không còn là những nguy hiểm của thế giới bên ngoài mà ở ngay chỗ sâu xa nhất trong người chàng. Nguy hiểm ngoại tại người ta có thể lấy trí năng để giải hoá. Nhưng đấu nội lực thì ai cũng biết là chỉ có một mất và một còn. Cả con người mình khi ấy phải ngưng tụ để chống trả. Suy tính gì được nữa? Sểnh một cái, tâm hồn giao động, thế là bị phân tâm và nội lực ly tán. Khi ấy thì không chết người ta cũng bị trọng thương. Và kẻ thắng trận trước hết là kẻ giữ được cái tĩnh của lòng mình trước những xôn xao của ngoại giới. Nhưng ý nghĩa của võ học cũng thay đổi hẳn. Võ học trở nên một kỷ luật của nội tâm và nội lực cũng giống cái mà, theo ngôn ngữ khác, người ta gọi là đức tin.
Nội lực đã thâm hậu thì võ công nào người ta cũng học được. Luyện những võ công tinh xảo quá mà thiếu nội lực thì trái lại người ta có thể bị tẩu hoả nhập ma, và dù có luyện được, cũng không thể nào phát huy được hết uy lực của nó. Người giàu nội lực thời dùng một thế võ tầm thường cũng có thể đạt tới một uy lực siêu phàm và khắc chế những võ công tinh xảo. Nhưng đặt nội lực trên cái tinh xảo của võ công, phải chăng một lần nữa Kim Dung lại đặt tự nhiên trên sức chế hoá và công phu của con người? Cũng có lẽ. Nhất là khi người ta nhớ rằng trong truyện ông, đạt tới tuyệt đỉnh của võ học không phải là một Hoàng Dược Sư chẳng hạn, muốn lấy trí năng của mình để đoạt quyền tạo hoá, mà, những nhân vật độc ác như Âu Dương Phong, ngay thẳng như Hồng Thất Công, thật thà như Quách Tĩnh, ngây thơ như Châu Bá Thông, sống toàn theo năng tính nghĩa là con người tự nhiên của họ. Trở về tự nhiên, trở về nguồn, khi ấy, cũng là trở về cái phần nguyên thuỷ của mình.
Tĩnh ca ca, sau khi ta chết, huynh phải đáp ứng ta 3 điều. Thứ nhất là ta đồng ý cho huynh đau khổ vì ta 1 lần, nhưng không cho phép huynh đau khổ vì ta mãi mãi. Hai là ta cho phép huynh cưới thê tử khác, nhưng nàng phải là Hoa Tranh, bởi nàng ấy thật lòng yêu huynh. Ba là ta cho phép huynh đến mộ ta, nhưng không thể đưa Hoa Tranh tới, vì ta là kẻ cố chấp.
Chung quy một kiếp tình sầu, ngày vui ngang tấc, ngàn sầu biệt ly.