Có dòng máu rất pha trộn, người An Nam không lập nên được một quốc gia có tổ chức và thống nhất chặt chẽ thông qua ngôn ngữ, tín ngưỡng dân tộc, sự tự hào về chủng tộc, tình cảm về một quá khứ với đầy rẫy nét vẻ của một chủ nghĩa yêu nước có thể so sánh với tình yêu nước của người Pháp ở một thời xưa cũ. Sự trung quân bị nhầm lẫn với tình yêu đất tổ và không gì huỷ diệt được nó.


Theo một quy luật quen thuộc, cái tôi An Nam sẽ nổi lên chống đối. Sức mạnh này sẽ khai phóng ý niệm về Tổ quốc, sẽ khiến nó trỗi dậy với tất cả sức mạnh và sự trong sáng của nó, như các quốc gia nhiệt thành nhất của châu Âu hiện nay, sức mạnh này khởi từ tác nhân bên ngoài, tức sự hiện diện của chúng ta, kéo theo những hệ quả không chủ ý nhưng cốt tử, thấm nhuần vào các ý tưởng và nên văn minh của chúng ta một cảm giác phiền nhiễu ngày càng rõ ràng hơn mà nguyên nhân đến từ giới cai trị, thậm chí là từ sự thù hận họ kích động nên. “Kẻ thù của chúng ta là chủ nhân của chúng ta,” tinh thần này sẽ được lặp lại, dù là bằng tiếng Hoa, tiếng An Nam, hay thứ tiếng Pháp dù xấu hay tốt.


Chúng ta vẫn sẽ làm vì nước Pháp, trong chừng mực sao đó để có thể “cắm rễ” vững chắc ngôn ngữ của chúng ta vào xứ này. An Nam đã có ngôn ngữ riêng của nó, trừu tượng với sáu thanh sắc của các âm đơn. Đây là một phương ngữ trong sáng và rõ ràng, với kho từ vựng thông thường phong phú, chuẩn và chính xác. Nhưng từ hơn 2000 năm nay, tiếng nói phổ thông này được duy trì ở hình thức phương ngữ bậc thấp, không có sự phát triển hay tiến hoá khả dĩ nào, còn ngôn ngữ Trung Hoa, nhờ có văn minh của Đại đế quốc dẫn dắt, lại được hằng định là ngôn ngữ trí tuệ, của người có học và ngôn ngữ hành chính. Phổ biến là, tất cả người An Nam có học đều sử dụng 2 ngôn ngữ: khi nói chuyện, họ dùng tiếng bản địa, có cú pháp đơn giản như ngôn ngữ của người Pháp, còn khi viết lại dùng chữ Hoa với cấu trúc luôn đảo ngược so với tiếng Pháp.


Chữ Quốc ngữ hay chữ Việt viết với chữ cái Latinh đã được các giáo sĩ truyền giáo sáng tạo ra để dùng như 1 công cụ truyền đạo. Vào cuối thế kỉ 19, ngay từ khi bắt đầu cai trị các vùng mới chiếm đóng, nhà cầm quyền Pháp tại Việt Nam muốn dùng thứ chữ này thay thế chữ nôm, làm phương tiện giao lưu với dân bản xứ. Thời đó, mọi người đều công nhận thứ chữ này là 1 công cụ thuận lợi để dạy tiếng Việt cho các viên chức cai trị Pháp. Nhưng việc phổ biến chữ quốc ngữ cho toàn xứ, xem chữ quốc ngữ là chữ chính thức trong mọi công văn hành chính, đã không được sự đồng thuận nhất trí của giới thẩm quyền Pháp. Cuộc tranh luận xảy ra rất sôi nổi. Vì quyền lợi lâu dài của nước Pháp, nên phổ biến chữ Quốc ngữ hay nên “Pháp hoá” người Việt?


Nếu tất cả người Việt, nhất là giới bình dân vốn là đại đa số, nói tiếng Pháp (dù là thứ tiếng Pháp “biến thể,” thô sơ, “tiếng bồi”), suy nghĩ như người Pháp, thì một khi được trả chủ quyền, Việt Nam vẫn sẽ gắn bó với “mẫu quốc” như với đất nước mình, mua hàng của Pháp và quyền lợi của nước Pháp tại đất Việt sẽ được bảo tồn.


Từ lâu chúng ta tin rằng nhân loại cơ bản giống nhau; và rõ ràng 1 điều là nếu có sự khác biệt thì đó không phải là điều quan yếu; và mọi con người dường như đều có khả năng tự hoàn thiện.

Khái niệm thuần tuý triết học này không phải không nguy hiểm khi được đưa vào ứng dụng. Vì nó đồng nhất chúng ta với những dân tộc có nền văn minh, phong tục, tôn giáo, tư duy khác biệt sâu xa, khiến chúng ta đánh giá sai tính cách thực sự của họ, áp dụng luật pháp, thiết chế, tôn giáo hoặc đạo đức của chúng ta cho họ, và khiến trong nhiều trường hợp lại gây nguy hại đến thanh danh nước Pháp trong các sự vụ thuộc địa.


Phải thừa nhận rằng chúng ta mất hơn 1 thế kỷ để khám phá ra 1 sự thật là học thuyết bình đẳng đã ngăn trở nỗi hoài nghi về việc mỗi dân tộc, cũng như mỗi con người, đều có 1 tâm hồn riêng, mang bản sắc quốc gia cũng như đặc thù cá nhân.


Cơ lực của họ không đáng kể, một vật nặng phải mất 2 người An Nam, đôi khi nhiều hơn, nâng lên 1 cách khó khăn, trong khi chỉ cần 1 người Âu là đã có thể dễ dàng mang đi. Điều làm chủng tộc An Nam khác với chủng tộc Hán Hoa là sự lực lưỡng. Sự kém về mặt thể chất ở người An Nam, không nghi ngờ gì, là kết quả do tác động kéo dài của kiểu khí hậu Đông Dương. Càng xuống vùng nắng nóng, tác động này càng rõ rệt hơn. Người Bắc Kỳ không lực lưỡng bằng người miền Nam Trung Hoa, nhưng luôn cao lớn và mạnh mẽ hơn người dân ở Hạ Đàng trong.


Bên cạnh đó, tuy có dáng vẻ yếu đuối nhưng người An Nam lại có 1 sức đề kháng đáng kể. Dưới khí hậu nóng bức, anh ta miệt mài lao nhọc và làm bằng chứng cho phẩm chất bền bị tuyệt vời. Có thể ở cả ngày ngoài ruộng, cúi mặt cấy lúa, lội bùn lên đến đầu gối, tiếp xúc với nền đất ẩm nóng hừng hực bốc lên và phả khủng khiếp vào người; hay cũng tương tự vậy ở trên thuyền tam bản, đầy nắng, gập người chèo thuyền hàng giờ liền. Có bao nhiêu người Âu có thể làm công việc khó nhọc của những người culi xe, chạy hàng giờ với tộc độ 12km/h không mệt mỏi, chỉ có vài phút nghỉ ngơi để uống 1 tách trà hoặc ăn 1 bát cơm.

Để xác định nguồn gốc của những ưu điểm thể chất này, cần phải tính 1 chút đến sự phát triển của hệ thần kinh ở người An Nam, về việc họ thiếu vắng cảm giác, và do đó, dửng dưng với đau đớn và lao lực.


Dưới bầu khí hậu như thiêu đốt làm kích thích các dây thần kinh đến cùng kiệt, kích hoạt lưu thông máu và đốt cháy động vật, người An Nam trưởng thành sớm và già nhanh hơn những cư dân vùng ôn đới. Họ trông già sớm và hiếm khi sống thọ.


Loại đầu ngắn và đặc biệt là đầu ngắn da sạm, về mặt tinh thần, ứng với người “hoà bình, cần cù, tiết kiệm, thông minh, cẩn thận, không bỏ qua cơ hội, giỏi bắt chước, bảo thủ, nhưng không có sáng kiến. Gắn bó với quê cha đất tổ, tầm nhìn ngắn, nhu cầu đơn điệu, đầu óc thường ngày dễ nổi loạn. Dễ bị dẫn dắt, dễ yêu thương cả người cai trị mình,” thiếu ý chí nghị lực, được phú cho đầu óc dễ chăn dắt, tinh thần bầy đàn.

Trên thực tế, gần như đó là các nét tâm lý nổi trội của người da vàng. Tuy nhiên, vẫn nên chỉ ra thêm sự thiếu vắng khả năng mẫn cảm của họ khiến họ vô cảm, không cảm thông với nỗi đau, cứng rắn đến khắc nghiệt nhưng đôi khi cũng nhẫn tâm đến độc ác. Điềm tĩnh, ít bị kích động, học có thể lạnh lùng làm những điều tàn bạo tồi tệ nhất.


Tôn giáo thích hợp nhất với sự tĩnh mịch của họ chắc chắn là Phật giáo. Họ là Phật tử theo lẽ tự nhiên bởi chính nếp suy nghĩ của họ, không cần phải cố gắng gì. Và thậm chí Phật giáo còn không được họ tiếp thu nếu tôn giáo này không chấp nhận trải qua, trong vô thức, những điều chỉnh ngầm sao cho phù hợp với thói quen tư duy, những tín ngưỡng ban sơ của họ.


Vùng cao này ngày nay vẫn cực kì nguy hiểm; cư dân vùng đồng bằng vẫn từ chối vào đó, nói rằng đó là “vùng nước độc.” Hình thành nên từ những thung lũng hẹp và sâu, những lòng chảo rộng và bằng phẳng, từ một khối núi hỗn độn nơi nguồn nước tốt thưởng rất khó kiếm, bao phủ bởi những khu rừng rậm mà bùn tro lá cây bị chôn vùi dưới lòng đất trong nhiều thế kỷ sinh ra dưới tác động của ẩm thấp và sức nóng bốc lên của những phát xạ độc hại, con người sống bên cạnh những con thú hoang dã, đây là 1 môi trường sống đặc biệt không lành mạnh, bất lợi cho sự phát triển của 1 chủng tộc.


Người Giao Chỉ còn được miêu tả là “phù phiếm và kiêu căng.” Đây là hậu quả tự nhiên của tinh thần xã hội. Không thích sống riêng rẽ, quen ở giữa những thân hữu, con người dễ trở nên phù phiếm, chỉ muốn tham gia lúc thuận lợi, rất dễ để tâm đến ý kiến thuận mình. Cảm giác này đặc biệt được phát triển ở những người nguyên thuỷ, ở các “dân tộc non trẻ” — vốn hay thích đồ trang sức, những vật rực rỡ có bề ngoài nổi bật.


Hầu như không vượt qua các giai đoạn tiến hoá xã hội đầu tiên, các kỹ năng của họ vẫn chưa định hình, bản sắc ban cho gần như trơn láng và dễ bị sai sử, hệt như “tờ giấy trắng,” không có tinh lực thực sự và đồng nhất, không có khả năng chống lại các lực lượng có tổ chức, nhưng lại được phú cho các kỹ năng đồng hoá đáng kể, những người Giao Chỉ biết rằng họ ở vào thế thuận lợi nhất để tiếp nhận dấu ấn văn minh của một dân tộc vượt trội.


Nếu sự di cư của đàn ông đến An Nam được chính quyền đế quốc khuyến khích, thì việc di cư của phụ nữ bị cấm theo phong tục, và cho đến nay (đầu thế kỷ 20) vẫn là như vậy. Do đó, chỉ có người đàn ông Thiên triều giao phối với phụ nữ An Nam để sinh ra nhiều thế hệ lai.


Người An Nam, được ban cho các kỹ năng đồng hoá mạnh mẽ, nhưng mặt khác, như chúng ta đã nói, lại sớm đắm chìm trong nền văn minh Trung Hoa, và điều này tình cờ đã trả lời chúng ta về khuynh hướng bí ẩn của tâm hồn họ. Do đó, rồi cũng đến một ngày không còn phân biệt được gì giữa kẻ bị đồng hoá với những người đồng hoá. Hai yếu tố hợp nhất thành một dân tộc mới, mạnh mẽ hơn, tổ chức tốt hơn, văn minh hơn so với nhóm khởi nguồn của nó, và cũng là nhóm mang khao khát thoát ách của chủ nhân mà nó thụ nhận nền văn minh.


Những điều kiện khí hậu này khiến Nam kỳ trở thành nơi không tốt cho sức khoẻ. Đất lúc nào cũng rất ẩm ướt, thường bị ngập lụt, phủ kín là những đám cây cối um tùm, sinh sôi dưới tác động của cái nóng, những lam chướng độc hại thúc đẩy sự sinh sôi của tất cả các loại bệnh tật: kiết lỵ, tiêu chảy, sốt rét, tả, đậu mùa…


Trong suốt mùa nóng khi mà lượng nước vô cùng dồi dào, vùng châu thổ này biến thành 1 đầm lầy thực sự; và nếu, vào mùa khô, ở những tháng 12, 1, 2, dù không có những cơn bão lớn thì bầu trời vẫn phủ khắp những đám mây xám để rồi trút xuống 1 màn nước mỏng: mưa phùn.

Tóm lại, chúng ta có thể nhận định được khí hậu của Đông Dương: nóng nực và ẩm thấp quá mức.


Vào thời điểm sương mù tháng 3 làm ẩm sâu mặt đất, làm bùng phát đợt sốt rét vào mùa xuân; chẳng mấy chốc những cơn mưa lớn ập đến; đất ngập nước, nước ngọt phân bố khắp các cánh đồng; đồng bằng không khác gì ao hồ; do đó, càng nhiều đầm lầy, càng nhiều chướng khí, những ca sốt cũng càng nhiều hơn.


Cây lúa hấp thụ độ ẩm của đất, khô nhanh đến mức nứt theo mọi hướng, không còn gì là của đầm lầy nữa.


Người Á châu thường có tính khí cáu kỉnh, mệt mỏi do nóng nực; thiêu đốt bên trong quá mức nên không để lại chút sức lực dư thừa nào để dùng cho bên ngoài. Khí hậu quá nóng làm cho huyết dịch tuần hoàn quá nhanh, làm bài tiết nhiều chất thải hơn khiến cho cơ thể không được sạch sẽ trong khi gắng sức và lao động. Bằng sự kích thích tuần hoàn máu và làm tất cả lỗ chân lông mở ra, các dây thần kinh và da quá mẫn cảm. Bởi vậy, con người ta trở nên nhạy cảm hơn, và cùng với đó, cảm giác, trí tưởng tượng của họ cũng dễ bị kích động hơn. Cuối cùng, cái nóng vượt ngưỡng kết thúc bằng mệt mỏi cùng sự kiệt lực.

Tình trạng ẩm thấp kéo dài còn gây bít lỗ chân lông trên da, làm chậm tuần hoàn cho khí sắc kém, giảm hoạt lực của hệ thống vận mạch, loại bỏ toàn bộ năng lượng cơ thể, làm suy giảm cảm giác và hoạt động tinh thần, nói một cách ngắn gọn, mở đường cho đặc điểm chậm chạp và ù lì thường thấy nơi tính khí lãnh đạm.


Thiếu tinh tế về khẩu vị sinh ra 1 phẩm chất hiếm thấy ở người Âu chúng ta: sự tiết độ. Người An Nam, ít bị đòi hỏi bởi những thèm muốn tự nhiên, rất tiết độ. Họ hầu như chỉ ăn cơm, cá khô và rau củ; chỉ uống nước hoặc trà; hiếm khi uống rượu.


Bản chất của đất đai, cùng với tác động khí hậu, cản trở sự đa dạng văn hoá. Ngoài ra, nói chung, người An Nam hầu như chỉ trồng lúa, sản phẩm dinh dưỡng cơ bản của họ cùng vô vàn loài cá có ở khắp mọi nơi ở Đông Dương.

Có thể sự cải thiện trong chế độ ăn sẽ mang lại những cải thiện tương ứng về chủng tộc. Có thể sẽ tốt hơn nếu tạo cho người An Nam thói quen ăn thịt. Nếu họ không ăn, có nghĩa là họ không có, hoặc có rất ít. Họ chỉ có thịt lơn, vả lại họ cũng không ăn nó thường xuyên.


Ngay cả những người giàu có, kể ra cũng chỉ là thiểu số ở An Nam, họ cũng không quan tâm đến sự thoải mái. Nếu nhà được xây gạch và lợp ngói, đồ đạc trong nhà, mặc dù sang trọng quý giá, nhưng vẫn rất bần tiện, càng không thoải mái càng tốt.


Sự thờ ơ như vậy dành cho chính con người họ tất nhiên dẫn đến môi trường sống bẩn thỉu. Chúng ta đã có được cảnh tượng khá kinh tởm về nhà ở, hình ảnh bề ngoài cá nhân còn khó chấp nhận hơn. Họ không thay hoặc gần như không bao giờ cởi quần áo ra, ngay cả vào ban đêm; quần áo được mặc đến khi hoàn toàn sờn rách. Người dân ở đây thường mặc vải nâu, nâu đỏ đậm, nhuộm bằng củ nâu, rất bền và không sợ ố bẩn hoặc bám bụi đất. Đối với người An Nam thì nên giặt quần áo càng ít càng tốt, nếp này tạo thành 1 sự tiện lợi đáng giá. Như vậy, khi những bộ đồ bỏ đi thì chỉ còn là miếng giẻ rách hôi thối. Vào những ngày lễ, người dân hài lòng diện những bộ đồ lễ hội, rực rỡ và được cất giữ cẩn thận; còn những đồ kể trên, bẩn thỉu và rách rưới, họ mặc hàng ngày.


Nếu cảm xúc của người An Nam, bị cùn nhụt kéo dài bởi khí hậu khắc nghiệt, làm họ quá tiết độ nên khó lòng tìm kiếm sự sung túc và khiến họ trở nên lười biếng, bỏ bẵng đi những phẩm cách ẩn giấu của họ, thì trái lại, nó tạo ra ở họ một năng lực ấn tượng: sức chịu đựng.


Thoạt đầu, dường như rất khó để dung hoà biểu hiện hèn nhát rành rành và lòng can đảm bẩm sinh này. Ở người An Nam, can đảm có tính thụ động: họ biết chịu đựng nỗi đau, chịu đựng cái chết mà không hề run sợ, nhưng chỉ khi điều đó dường như là không thể tránh khỏi đối với họ và sau khi học đã cố gắng hết sức để thoát khỏi nó.

Thực ra, người An Nam sống rất an phận, và với sức cam chịu phi thường họ chịu đựng những trận đòn tàn khốc nhất của số phận. Không có gì có thể làm xáo trộn sự bình tĩnh không hề lay chuyển của họ: kể cả có trút lên họ những nhục hình, hoặc những sự cố bất ngờ không may.


Sự điềm tĩnh là 1 phẩm chất không cần phải bàn cãi; đó là bình tĩnh, nhanh trí khi đối mặt với nguy hiểm, làm chủ được bản thân, những cơn giận và những ham muốn; nói tóm lại, đó là biểu hiện cao nhất của phẩm giá con người.

Nhưng đó lại là mặt trái của sự việc. Cũng con người đó, than nhiên trước sự bất hạnh của chính mình, sẽ thờ ơ trước bất hạnh của người khác. Người An Nam không xót thương thấu hiểu; hơn thế nữa, anh ta tàn nhẫn.


Ảnh hưởng của khí hậu khắc nghiệt không chỉ lưu dấu vết nơi cảm xúc; nó có tác động trở lại, hoặc trực tiếp hoặc gián tiếp, đến ý chí và trí tuệ. Sự suy nhược đáng kể của cơ thể bởi tác động của sức nóng và độ ẩm hoặc do thiếu thức ăn, biểu lộ qua tình trạng đờ đẫn không cưỡng được, qua sự ngại ngần thực hiện bất kỳ nỗ lực nhọc nhằn nào, bất kể là về thể chất hay trí tuệ.


Theo quan điểm nhân chủng học, cư dân ở các tỉnh thành khác nhau của Trung Hoa thể hiện rất khác nhau về mặt phẩm chất tinh thần. Ở miền Nam họ ngang bướng, độc lập hơn so với miền Bắc; họ có nhiều sáng kiến hơn, sẵn sàng giao dịch và dễ chấp nhận di cư. Một nghị lực nhất định, một sự năng động rất lơn, thậm chí táo bạo, đặc trưng hoá và phân biệt họ với những người Hoa miền Bắc, vốn điềm tĩnh hơn, bình thản hơn, nhưng có lẽ cũng văn minh hơn.


Thực tế, tất cả đều bắt nguồn từ những khuynh hướng cơ bản mà chúng ta đã chỉ ra là phổ biến đối với Đại chủng Á: sự nhạy cảm và trí tuệ ở mức trung bình, thụ động. Chịu nhiều ảnh hưởng khác nhau, nên học đã phát triển khác nhau.


Người Trung Hoa biết rõ thuật in ấn và thuốc súng trước người châu Âu; nhưng không bao giờ những phát minh này ở họ có được sự phát triển như chúng ta đem đến cho chúng.


Quay về quá khứ, thay vì chuẩn bị cho tương lai, họ tìm kiếm sự hoàn hảo trong chi tiết, trong sự hữu hạn vật chất. Ngành kỹ nghệ của họ đứng yên một chỗ, cũng như nền giáo dục đạo đức thô thiển của họ.


Những phẩm chất thiết yếu này gần như hoàn toàn thiếu vắng ở dân tộc Trung Hoa. Sự nhạy cảm ít phát triển, năng lực cùn nhụt — nếu không muốn nói là thiếu vắng — đó là những gì nâng đỡ trí tuệ Trung Hoa. Vì lẽ này, tức sự kém cỏi của những trụ cột, dân tộc này không bao giờ có thể đạt đến những thăng hoa cao cả; bất chấp 1 văn hoá lâu dài và tỉ mỉ, sự thật là họ thích ứng kém, họ không hề có đột phá nào để đáp ứng những nhu cầu của chính họ.


Trải qua 4000 năm lâu dài như vậy, không còn nghi ngờ gì nữa, vắng bóng trào lưu trí tuệ, hoá đá tư tưởng và tâm hồn trường cửu — hỡi ôi, sống như thế nào đây?


Không có dân tộc nào có thế ánh với người dân Java và Sumatra về độ tàn ác. Giết 1 người đối với họ chỉ là chuyện vặt vãnh và không làm họ phải bị trừng phạt.


Ngay cả khi buồn phiền, thiếu kiên nhẫn, bị hạ nhục, lo lắng, thậm chí đam mê, người đứng đầu Java vẫn không để vị khách của mình nhìn thấu điều đó; ông sẽ đợi cho đến lúc chỉ còn 1 mình để trở về với những nỗi đau hay niềm vui riêng của ông.


Trong mối liên hệ này, cần lưu ý rằng, một cách tổng quát, tất cả tình cảm của người An Nam đều mang dấu ấn của sự vị kỷ thuần tuý nhất. Không có 1 chút nhiệt tình hào phóng hay lòng nhân từ rộng lượng nào; trái tim thì đanh cứng, cằn cỗi, khô khốc. Tình yêu cao thượng trở thành nhục dục tầm thường; tình cảm con cái dành cho cha mẹ chỉ là đạo hiếu.

Tóm lại, không thể khởi được những ý tưởng quá trừu tượng, trí óc của họ chỉ có thể hoạt động trước những sự vật có thực, người An Nam không có khả năng cảm nhận những tình cảm quá phức tạp.


Khí hậu, đất đai màu mỡ, thể chất chủng tộc đã tạo điều kiện để xứ này áp dụng và duy trì 1 quy tắc như vậy. Người An Nam, nhẫn nại và thụ động, bằng lòng với sự thiếu thốn, nhưng hiếm khi ở trong trạng thái bần cùng; ngược lại, họ không bao giờ tránh khỏi hàng vạn nỗi khổ nhân sinh khác. Bệnh tật chủ yếu gây ra cho họ những tai ách nghiêm trọng, và đặc biệt vào lúc đó họ thể hiện tính ích kỷ thầm kín của mình.


Không thể nói thẳng thừng rằng người An Nam lười biếng; trái lại, họ rất siêng năng; rất ít người An Nam ăn không ngồi rồi; có điều, họ lao động 1 cách uể oải, đặc biệt là khi họ làm không phải do bị nhu cầu thúc bách hoặc không vì lợi riêng. Các kiều dân, thương nhân, kỹ nghệ gia, nói chung tất cả ai phải thuê họ làm việc, dưới bất kỳ hình thức nào, đều quen thuộc với những điểm bất tiện của lực lượng lao động này.


Người An Nam không kiên định. Họ bắt đầu vô cùng hăng hái 1 công việc hợp ý họ, họ khởi đầu tốt trong bất kỳ nghề nào; nhưng sau 1 vài tháng, nhiều nhất là vài năm, họ mệt mỏi, chán ghét, bỏ bê công việc và thường bỏ ngang nghề của mình, dù sau này vẫn phải làm tiếp khi nghèo đói. Người An Nam không có sự kiên trì, họ không thích quy tắc: họ thích hành sự tuỳ hứng, không nhất quán, không suy nghĩ thấu đáo.

Người thợ An Nam làm việc chỉ đủ sống, những nhu cầu của họ phải nói là rất ít. Khi họ vừa rủng rỉnh đủ để sống trong 1 thời gian, họ sẽ ngừng làm việc. Đừng thử trả công hậu hĩnh cho 1 thợ thủ công bản xứ để giữ anh ta lại; nếu anh ta dễ dàng kiếm được, trong 1 tuần, số tiền cần cho lượng thức ăn trong 1 tháng, vào ngày thứ 8, sau khi được trả tiền, người thợ của bạn sẽ không xuất hiện cho đến khi anh ta tiêu hết đồng cuối cùng.

Ta dễ dàng hiểu ra rằng không nên yêu cầu những người như vậy lúc nào cũng đưa ra nhiều sáng kiến. Thế nên, chúng ta sẽ hiếm khi thấy họ có ý định doanh thương hoặc kỹ nghệ, vì để thành công, điều này đòi hỏi chất lượng trí tuệ, tổ chức và kinh tế cao. Không còn nghi ngờ gì nữa, đây là 1 trong những lý do chính tại sao các ngành thuộc lĩnh vực nhiều tính người này, ở Đông Dương, gần như hoàn toàn nằm trong tay người ngoại quốc: người Âu, người Hoa hoặc những người Á châu khác.

Người An Nam chỉ mong làm những nghề nghiệp đã được vẽ đường sẵn, ít gây ra cho họ những sự cố bất ngờ nhất, ít đòi hỏi những nỗ lực sáng tạo nhất. Đó là sự quan liêu trong tâm hồn. Tham vọng quyền lực và tình yêu đời thường khiến họ trở thành 1 quan chức bẩm sinh.


Tính không lo xa của người An Nam không chỉ bắt nguồn từ những nguyên nhân tâm lý; có lẽ phần nào nó cũng đến từ những đặc thù nhất định của tổ chức xã hội.

Thực tế, thiết chế gia đình ngăn cản sự phân tán của con cái; về nguyên tắc, chúng phải luôn ở lại trong gia đình ngay cả khi đã trưởng thành, và trên thực tế thường vẫn ở dưới quyền của người đứng đầu gia đình. Do đó, các bậc cha mẹ thường được đảm bảo sẽ có được sự giúp đỡ của con cháu khi về già.


Một khí chất lờ đờ, một tính cách yếu đuối và hời hợt không cho phép con người thẳng thắn chống lại những ảnh hưởng ngoại lai. Người An Nam nhẫn nhịn chịu đựng, không hề có bất kỳ ý định phản kháng nào. Do đó, họ vô cùng e sợ quyền lực. Thậm chí còn quá sức quỵ luỵ trước người nắm quyền thấp nhất: dập đầu xuống đất liên tục, chắp tay van xin, sau đó, khoanh tay trước ngực, mọi biểu hiện nơi phong thái đó gợi nên sự tầm thường.


Người An Nam có tâm hồn trẻ con, nên hiếm khi trông chờ họ có sự cải thiện hợp lý. Dùng đến lý lẽ để yêu cầu họ tự sửa chữa hoàn toàn vô ích. Chúng tôi đã cố gắng, có lẽ trong vô thức, giúp họ thấm nhuần lòng tự tôn; nhưng chúng tôi chỉ thành công trong việc khiến họ trở nên ngạo mạn và thiếu tôn trọng sự quan tâm của chúng tôi.


Cũng như khi họ đã chấp nhận sự chuyên chế của nhà vua và sự chuyên quyền của các quan lại bằng thái độ cam chịu đáng ngưỡng mộ, họ đã tự ràng buộc mình không một chút khó khăn vào các yêu cầu lễ nghi quy định rất nghiêm ngặt những chi tiết nhỏ nhặt nhất trong cuộc sống của họ, cũng như thế học để cho bản thân bị cuốn theo những khuynh hướng tự nhiên, không hề cố gắng chống lại dù chỉ với một kháng cự yếu nhất, không có được chút nỗ lực ý chí nào để phản kháng và đi ngược lại dòng chảy của dục vọng.


Nhưng dục vọng chế ngự người An Nam, cái thoả mãn hoàn toàn, trọn vẹn nhất những khuynh hướng biếng nhác, ù lì, lờ mờ, mơ mộng hão huyền… đó là thuốc phiện. Thuốc phiện, đó là sự thư thái hoàn toàn, là sự thư giãn làm giảm bớt những cơn mệt mỏi kéo dài, đó là trạng thái mà tất cả cảm giác đều biến mất, là sự huỷ diệt cơ thể 1 cách ngọt ngào. Đó còn là giấc mơ vui vẻ và yên bình, là sự tách rời vớ tất cả mọi thử trên thế giới này, là hạnh phúc trọn vẹn, là sự hờ hững đến tột cùng. Đó là sự từ bỏ mọi ý chí, mọi nhân phẩm, mọi nghị lực; đó là hiện thực của lý tưởng tiêu cực của người Á châu: không còn cảm giác, không còn đấu tranh, không còn ý muốn… chỉ còn mơ mộng.


Để giảm bớt những chán chường và mệt mỏi trong việc chống lại những chướng ngại có thể xảy ra, thuyết định mệnh, đối với An Nam, là một lý do đơn giản cho sự trơ lỳ của họ. Nói đúng ra, nó đã không trở thành 1 học thuyết rõ ràng như của những người Hồi giáo; nhưng chỉ với chút tình cảm mơ hồ, thì không có gì thực tế hơn.


Lặp đi lặp lại, làm các dây thần kinh vốn bị kích thích cao độ và trở nên kiệt quệ, chỉ còn truyền đi được những cảm giác yếu ớt, tạo nên những hình ảnh nhạt nhoà lưỡng lự. Ý chí, cũng dần mất đi, chỉ có thể tác động yếu ớt cố gợi các hình ảnh, gộp chúng lại, để hình thành những phán đoán.


Sự suy giảm trí nhớ khá thường gặp ở những người sống 1 thời gian ở những xứ nóng; nhiều người châu Âu ở Đông Dương đã có những trải nghiệm khó khăn đó.


Có 1 mối quan hệ rõ ràng giữa sự phát triển não bộ và sự chậm trưởng thành về giới tính; nơi nào có khả năng sinh sản phi thường, nơi đó có sự lười nhác của trí óc. Có lẽ, do sự hoang phí tình dục quá mức này, một phần, làm cho trình độ trí tuệ của họ trở nên thấp kém.


Chúng ta không thể suy nghĩ mà không có hình ảnh. Làm thế nào người An Nam có thể rút ra những ý tưởng cụ thể và đa dạng từ những hình ảnh hiếm hoi và không nhất quán?


Ảnh hưởng của chữ Hán đối với nền văn minh của các dân tộc đã áp dụng chúng:

Những ký tự được cho là biểu ý này thể hiện rõ sự thiếu ý tưởng phong phú, linh hoạt, sống động, với tương quan vô tận, chúng biểu thị đối tượng bất động, không thay đổi; chúng hạn chế, chết cứng. Tâm trí không thể rộng mở, cũng không lọc ra những nghĩa cụ thể. Chúng chỉ tái hiện những cảm giác, chỉ khơi gợi những ý tưởng cụ thể và quá phân định để khai mở sự tự do. Học trò ngoài việc vận dụng quá mức trí nhớ còn có thói quen bắt suy nghĩ của mình đi theo những khuôn mẫu hạn hẹp và cố định. Họ làm nô lệ cho từ ngữ của họ.


Truyền thuyết thuật rằng vào lúc khởi thuỷ, những phân tranh giữa các bộ lạc hoặc các tiểu vương quốc đã thúc đẩy tạo nên quốc gia Giao Chỉ. Chính sự phân tranh giữa tộc trưởng của 2 tộc Ba Thục và Văn Lang, mà kết quả là Văn Lang thất bại, đưa đến sự hợp nhất của 2 nhóm dưới tên chung là Âu Lạc, và như vậy làm cho An Nam bước đầu thống nhất.


Các vị vua đã không còn thực sự tự mình cai trị vương quốc nữa, dưới trào nhà Lê về sau này đã hình thành 1 thiết chế mới. Đó là Vua không còn cai trị nữa mà chỉ ngồi trên ngai; thế sự tập trung trong tay của 1 nhân vật đứng đầu triều đình, Chúa.


Đế quốc Trung tâm, trên thực tế, ngược lại với An Nam, hưởng được 1 sự yên bình tương đối. Đã tách rời với phần còn lại của châu Á bởi các biên giới tự nhiên, hơn nữa họ còn tạo được các loại biên giới mới, 1 vành đai “các quốc gia đệm” ngăn chặn các cuộc xâm lược và xâm nhập vào trung tâm đất nước. Khi đó, An Nam, phải triều cống cho Trung Hoa khi không còn trực tiếp bị cai trị, chính xác cấu thành nên 1 trong những quốc gia đệm này.


Ở khu vực trung tâm, những con dốc đứng, bao phủ bởi rừng rậm, khiến cho thế nước trút thành thác và đổ nhanh theo hướng ra biển, nhưng lại hiếm khi ra được vì dòng nước bị những cồn cát chặn lại và làm hình thành nên vô số đầm phá rộng mênh mông.

Như vậy, xứ sở được cấu thành từ sự xuất hiện của 2 đồng bằng rộng lớn, ẩm thấp và màu mỡ, nối kết nhau bằng 1 “hành lang” dài, hẹp và hiểm trở.


Hai dân tộc gặp nhau trên dải đất hẹp mà thuỷ triều biển đánh vào dưới chân dãy núi Đông Dương, tất nhiên sẽ tham gia cuộc chiến, nếu 1 trong 2 cảm thấy, tại 1 thời điểm nhất định, cần phải mở rộng; và, ngay vì lý do chật hẹp của vùng lãnh thổ tranh chấp, cuộc chiến chỉ có thể kết thúc bằng sự huỷ diệt dứt khoát của quốc gia yếu hơn, chứ không phải bởi 1 thoả thuận hay phân chia hoà bình. Người An Nam chiếm thế thượng phong, hoàn toàn chiến thắng đến nỗi giờ chỉ còn lại 1 ít phế tích của vương quốc Champa.


Lịch sử của dân tộc An Nam về bản chất là sự thể hiện bản sắc dân tộc. Chúng ta luôn tìm thấy cùng 1 sự thụ động, 1 ý chí bùng nổ và thiếu ổn định, nhưng cũng có cùng sức chịu đựng, và đôi khi thêm vào đó cái chủ nghĩa anh hùng. Các cuộc nổi dậy chống lại sự thống trị của ngoại bang, chỉ với lý do ách sách nhiễu và khắc nghiệt của các tổng trấn Trung Hoa, là biểu hiện của sự tức giận bột phát và bạo động, không phải khởi từ ý chí lạnh lùng và nỗ lực tỉ mỉ, kiên trì. Quá nhiều mưu toan thất bại để có được 1 thành công!


Là 1 dân tộc nông nghiệp, họ dành thời gian cho đất đai; sống trong nghèo nàn, làm ra bao nhiêu, 1 cách khó nhọc, đều được tiêu thụ toàn bộ; họ cũng không quan tâm đến các vấn đề của nhà nước, miễn là nó cho phép họ kiếm sống, thờ cúng tổ tiên, yên bình tổ chức các lễ hội tôn giáo.


Ngay cả trong lĩnh vực nông nghiệp, ở An Nam cũng như ở Trung Hoa, nghề quốc gia vẫn còn như ở thời kỳ cách đây hàng ngàn năm. Người dân chưa bao giờ có ý nghĩ thay đổi cây trồng — cơ bản vẫn chỉ là lúa gạo — để có được thực phẩm phong phú và tốt hơn cho sức khoẻ.


Người An Nam chỉ làm việc nghiêm túc vì nhu cầu của họ mà nhu cầu này lại không có nhiều.


Thực tế, hầu như chỉ có các khu vực đô thị lớn — Quảng Châu, Thượng Hải, Bắc Kinh h— hội tụ các nhà kỹ nghệ và thương mại, sản phẩm tự nhiên của sự cạnh tranh lớn, cuộc đấu tranh khắc nghiệt để tồn tại. Ở đất nước mênh mông mà họ sinh sống, trái lại, người An Nam giữ sự thoải mái; mỗi gia đình sở hữu 1 cánh đồng và kiếm đủ sống. Ngoài ra có rất ít hoặc không có thành phố nào ở An Nam, vì chúng ta không thể gọi đó là các thành phố — Sài Gòn, Hà Nội, Hải Phòng hoặc Chợ Lớn — vốn chỉ có tầm quan trọng đối với sự hiện diện của người châu Âu hoặc Trung Hoa.


Người An Nam sống, giống như người được gọi là hiền nhân, trong 1 sự tầm thường vui vẻ.


Ở đây 1 lần nữa chúng ta tìm thấy nhược điểm không thể chữa được mà trí tuệ Á châu mắc phải. Sự nghèo nàn của ngôn ngữ biểu thị sự bần cùng của tư tưởng; ít ý, ít lời; và 1 lần nữa những từ hiếm này chỉ tạo thành những mô tả rất không hoàn hảo về các đối tượng mà chúng áp cho; nghĩa của chúng vẫn còn mơ hồ và thiếu chính xác.


Tiếng Hoa và An Nam không có bảng chữ cái: 1 phát minh như vậy tất nhiên phải cần đến tư duy phân tích. Thực tế, nó đòi hỏi 1 lượng đáng kể năng lực nhận xét để phân biệt, trong việc phát ra giọng nói, các nguyên âm và phụ âm, nghĩa là âm thanh và tiếng ồn. Người da vàng không có khả năng làm như vậy.

Chữ viết của họ, giống như ngôn ngữ của họ, vẫn còn ở mức tổng hợp; dấu hiệu thể hiện cùng lúc cả âm tiết và ý tưởng; chữ tượng hình trộn lẫn âm thanh và hình ảnh, như nó trộn lẫn ý nghĩ với biểu tượng cụ thể của nó.


Nhưng văn chương Trung Hoa, cái đã định hình tinh thần An Nam, đã bị tiêm nhiễm và đóng khung nó ở dạng bất biến, nó là gì? Chính xác là gì?

Nó rộng lớn, không nghi ngờ gì; số lượng các tác phẩm của nó là phi thường; nhưng giá trị thì mỏng manh, giống như tâm trí không rộng lớn. Khéo léo loại bỏ thiên tài; kỹ năng, kỹ xảo, sự xảo trá của các con chữ làm chết cảm hứng.

Tất cả mọi thứ đều xoay quanh thư pháp, chơi chữ và điêu luyện. “Bất cứ khi nào 1 anh thư lấp đầy khuông với những đuôi vần và cho 1 nghĩa với các từ ‘lien,’ ‘pien,’ ‘tien,’ nó kế thúc câu thơ, hoàng đế và triều đình choáng người phấn khích. Họ thét lên vì sung sướng. Đảo chữ, thơ chữ đầu, thơ nối kết, thơ đối và thơ “nghịch đảo” được đặc biệt coi trọng; các ngón nghề kỹ xảo của những kẻ điên rồ phù phiếm mà châu Âu đã tống khứ khỏi văn chương như trò trẻ, ngây ngô và không xứng với những người nghiêm túc.


Đối với người An Nam cũng như đối với mẫu hình của họ, không có bút pháp đẹp nào mà không kèm với mơ hồ. Do đó, những ẩn dụ chiếm 1 vị trí quan trọng, và người ta không thể ảo tưởng nắm hết mọi điều trong các chữ nghĩa này, vì đôi khi chúng hoà lẫn 1 cách tự nhiên trong đó.


Hầu hết các nỗ lực nghệ thuật của người An Nam vẫn còn thấp kém, rất ít trường hợp hoàn toàn thoát khỏi các hình thức sơ khai. Sự hoàn hảo của giác quan, sự nhạy cảm cực độ là những phẩm chất cần thiết cho mọi nghệ sĩ; đó chính xác là những điều thiếu ở người Á nói chung. Thiếu thăng hoa cảm xúc và kém tưởng tượng sáng tạo có thể thấy trong tất cả biểu hiện nghệ thuật An Nam hoặc Trung Hoa.


Hoạ sĩ cũng không biết làm thế nào để phối màu theo các sắc độ khác nhau để tạo khối lập thể, sự tương quan giữa màu sắc, các thiết kế bố cục khác nhau; họ bỏ qua nghệ thuật phối hợp màu sắc hài hoà tinh tế; họ thích những tông màu nhạt và rực rỡ, những sự đối lập dữ dội.


Đó là công việc kiên nhẫn và tỉ mỉ nhưng khuyết đi ý thức phê phán, thiếu đi trí tưởng tượng sáng tạo và tinh thần khoa học. Đối với họ, trí nhớ là tất cả trí thông minh; khoa học chỉ là uyên bác, triết học chỉ là thể thức.


Có Nho sĩ và quan chức thậm chí còn không biết Thiên triều ở đâu. Họ tính có 18 vương quốc trên khắp mặt đất, và phần còn lại là sào huyệt của cường đạo và hải tặc. Bấy giờ, 18 vương quốc này là 18 tỉnh của Đế quốc, mà họ có biết ít nhiều lịch sử nhưng không quan tâm đến vị trí tương ứng. Đối với lịch sử của đất nước họ, thuần là truyền thống; không có chứng tích văn bản.

Đối với pháp luật học, có 12 tập luật của Trung Hoa, người ta không biết bình luận về nó; người dân không được phép tiếp cận và các quan lại hiếm khi đọc chúng.


Hầu như không thể dịch các tác phẩm triết học hoặc khoa học của chúng ta sang tiếng An Nam hoặc tiếng Trung Hoa; 1 ý tưởng trừu tượng như vậy, 1 từ mới và chưa biết, sẽ buộc phải dùng đến lối nói vòng vo và các cụm từ làm cho văn phong trở nên nặng nề, làm tổn hại đến sự tường minh và có thể đến cả nội hàm chung của văn bản.


Các ý tưởng thâm nhập khó khăn vào đại chúng. Nếu, nói 1 cách tổng quát, người An Nam biết đọc và viết, ít nữa, họ chỉ biết những từ thiết yếu cho nghề nghiệp hoặc nhu cầu của mình: phần còn lại dửng dưng hoặc không thể tiếp cận được. Cũng hầu như không có văn học viết; ít sách vở, không báo chí; phát triển trí tuệ gần bằng không, tiến bộ là bất khả thi, tất cả đứng yên bất di bất dịch.

Bỏ bê việc cố gắng khắc phục tình trạng này, người Trung Hoa và An Nam làm nó trầm trọng hơn. Có thể tin rằng họ thích nhân lên những trở ngại, gây ra những bó buộc mới cho sự phát triển tinh thần.


Chúng tôi đã ghi nhận ở người An Nam cái sở thích với chức việc công. Nghề này thoả mãn tình yêu quyền lực, phỉnh nịnh thiên hướng của họ, đưa đến sự trơ ỳ và phù hợp với sự thiếu sáng tạo của họ. Vì vậy, hầu hết những người An Nam thông minh hoặc giàu có đều khao khát quan trường.


Với chúng ta, đức tin tôn giáo thường là 1 nhân tố không cưỡng lại được; nét đặc trưng của các tôn giáo phương Tây, cần thiết cho tất cả niềm tin tự phụ về việc nắm giữ sự thật và cái đúng tuyệt đối, là không khoan nhượng. Đặc điểm của đức tin An Nam, trái lại, là sự bao dung rộng nhất, sự thờ ơ dễ dãi nhất.


Người ta cho lửa, nước, đất, 1 linh hồn có khả năng yêu thương cũng như giận ghét. Hợp lý hơn, những động vật có sự sống và vận động được coi là những thực thể có lý trí.

Từ thuyết vật linh này đến niềm tin duy linh, chỉ có 1 bước nhưng khoảng cách là rất lớn từ giai đoạn tiến hoá tinh thần này đến tôn giáo có tổ chức của chúng ta.


Niềm tin của người An Nam ngày nay vẫn còn gần như trẻ con. Ngoại trừ ý tưởng về thiên đàng, Trời, xuất hiện mơ hồ trong ý thức và ngôn ngữ của người An Nam như 1 thực thể ít nhiều mang tính cá nhân, thống trị thế giới và phán xét hành động của con người, thế giới siêu nhiên bị thu hẹp lại thành Thần, những thần linh tốt, những kẻ bảo vệ làng mạc, là chủ thể thờ phượng công cộng và Ma. Từ Ma trong tiếng An Nam chỉ xác chết con người và linh hồn leo lắt sau khi chết được cho là vẫn còn trong lăng mộ, hoặc lang thang khắp nơi trong cõi trần, khi xác chết không được chôn cất; nó còn chỉ những linh hồn xấu xa. Những linh hồn bị bỏ rơi cũng được phú cho những quyền lực siêu nhiên mà chúng thường sử dụng để làm phiền nhiễu người sống, cho đến khi chúng được an ủi, bằng cách chôn cất xác chết hoặc bằng các lễ vật thường lệ.


Các nghi thức quy định chôn cất thi thể và hoả táng chỉ được phép trong trường hợp cái chết xảy ra ở những vùng rất xa và con cái tuyệt nhiên không có phương cách nào đem quan tài trở về.

Trong tất cả trường hợp khác, hoả táng hoặc ném xác cha mẹ xuống nước là 1 tội bị phạt 100 trượng.


Như vậy 1 tục lệ thờ phụng thực sự được thiết lập, 1 tôn giáo chân chính mà những giáo điều đã tồn tại qua thời gian, những nghi lễ vẫn được người dân An Nam thực hành 1 cách trung thành.

Khi cúng tế bàn thờ, chủ gia đình, mặc quần áo đẹp nhất, trước mặt các thành viên của gia đình, tĩnh tâm sâu lắng, rót 3 chén rượu và thì thầm với chính mình.


Trong nghiên cứu tín ngưỡng, tôn giáo của dân tộc An Nam, chúng tôi đã thấy gia đình là 1 nhóm cô lập, tự trị, độc lập với các nhóm khác, có những vị thần riêng, có các hoạt động thờ cúng đặc biệt, có lăng mộ, nhà thờ, bàn thờ của riêng nó.


Gia đình An Nam là 1 bang hội tôn giáo; như vậy, nó hoàn toàn khép kín; để tham gia vào đó phải qua 1 lễ nhập môn thực sự. Cô dâu, 1 người ngoài đối với sự thờ phụng của người chồng tương lai, không phải là 1 phần của gia đình anh ta cho đến sau khi có sự thừa nhận của hôn nhân; tương tự, sau khi kết thúc buổi lễ, cô không còn được tính là thành viên trong gia đình cũ của mình nữa và không thể đòi hỏi thừa kế của cha mẹ cũ.


Người cha, trong gia đình, là chủ sở hữu duy nhất; miễn là ông còn sống, gia sản vẫn chưa phân chia. Một mình ông ta có thể chia tài sản của mình cho con cháu. Ông ta là chủ nhân tuyệt đối của những người dưới quyền. Ông ta có thể bán vợ, con trai, thuê người hầu. Người cha còn nắm quyền sống chết đối với con cái. Ngày nay, trong mọi trường hợp, ông còn giữ lại quyền trừng phạt vượt ngoài mọi phán xử xã hội khác. Gia đình là 1 xã hội hoàn toàn khép kín, trong đó chính quyền dân sự không thể can thiệp. Người cha, hay ông nội, một mình có quyền giải quyết tranh chấp, một mình phán xử chuyện gia đình.


Sau đó, bộ tộc trở thành vương quốc, rồi đế chế, quan niệm về quyền sở hữu thích nghi với tổ chức chính trị mới. Hoàng đế trở thành chủ sở hữu đất đai của quốc gia; các thần dân chỉ là những người lĩnh canh phải trả 1 loại phí thuê: thuế tài sản. Nhưng có thể nói, người dân được thuê đất vĩnh viễn; người ta chỉ có thể lấy lại quyền này trong những trường hợp đặc biệt nghiêm trọng.


Đạo đức An Nam không khởi từ nội tâm, không xuất phát từ ý thức; “Nghĩ hay hành động theo bản ngã là 1 tội ác”; luật đạo đức, đó là nghi lễ, tập tục, tôn giáo; đức hạnh, đó là sự hoàn thành chu đáo các nghi lễ, tiêu chí tốt đẹp tuyệt đối, đó là quá khứ.


Được quen thấy ở cha mình là 1 người chủ đôi khi đáng sợ, có quyền áp đặt sống chết lên nó, 1 quan toà khiếp đảm, 1 tư tế đáng kính, 1 tổ tiên sẽ trở thành thần, đối với cha mẹ mình đứa trẻ chỉ có thể nhận thấy 1 cảm giác hoà lẫn giữa sợ hãi, giữ ý, tôn trọng. Thay vì nghe theo mệnh lệnh tự nhiên của con tim, cảm xúc này sẽ bị áp đặt bởi truyền thống, bởi lý lẽ; nó sẽ không còn là 1 sự trìu mến tự nhiên lẽ ra phải được tự do triển nở, mà là 1 nghĩa vụ tôn giáo, bức thiết, tất yếu. Ở An Nam không có tình hiếu thảo, chỉ có đạo hiếu.


Ngay khi còn thiếu niên, nó không biết nụ hôn của mẹ, trưởng thành, nó sẽ bỏ qua những tình cảm cao hơn xuất phát từ tình hiếu thảo: tình yêu đồng bào, tình yêu tổ quốc, tình nhân loại. Sự cởi mở của nó bị tổn hại, sự thăng tiến của nó bị nhốt trong những giới hạn xác định là gia đình. Không có gì tồn tại, cũng không thể tồn tại ngoài vòng hạn chế này.


Tội ác chống lại cha mẹ hiếm đến nỗi có thể xem như không hề tồn tại ở 2 quốc gia này. Lòng tôn kính của con cái đối với cha mẹ là như vậy, 1 đứa con trai, cho dù nó bao nhiêu tuổi, sẽ không bao giờ dám ngồi trước cha mình khi không được cha trực tiếp cho phép; trong mọi nơi mọi lúc, nó phải cúi đầu trước ông, không bao giờ để mặt trời có thể chiếu bóng mình lên mặt cha.


Đạo hiếu là nguyên tắc cơ bản của loài người. Bởi vì nếu bạn cư xử đúng mực với mọi người trong gia đình rồi bạn mới có thể giáo huấn bổn phận anh em trong một nước.

Đạo hiếu cũng là nguồn gốc của sự kính trọng người cao niên, đối với những người lớn tuổi hơn mình, hoặc có phẩm giá cao hơn; đó là lý do vì sao sự lễ độ Trung Hua này sẽ là tuyệt vời nếu nó không phải 1 lớp sơn đạo đức giả tạo thay vì là biểu hiện chân thành của 1 tình cảm sâu sắc và chân thật.


Thiên đàng là ở đây, bên dưới, đó là trên trái đất, con người đức hạnh, cần cù hoàn thành mọi nghĩa vụ với bản thân, cha mẹ, bạn bè và những người khác, sẽ gặt hái thành quả lao động, học tập, kiên trì và đức độ. Chính trong niềm hạnh phúc và tình cảm của mình, sự tận tâm của bạn bè, sự tôn trọng của đồng bào và sự hài lòng với lương tâm chính mình, họ sẽ tìm thấy phần thưởng. Chính cũng ở trong thế giới này mà con người sẽ phải chịu sự trừng phạt khi thiếu hiểu biết, thô lỗ, mắc tật xấu và gây lỗi lầm.


Đạo đức cư trú, không phải trong tình cảm, nhưng trong những thực hành đơn giản, các nghĩa vụ không gì khác hơn là những lề thói đơn thuần, việc dạy đạo đức chủ yếu mang tính hình thức. Hiểu biết về khuôn phép, sở hữu những châm ngôn đã trở thành toàn bộ đạo đức. Đạo đức được học như người ta học vật lý hoặc địa lý, chuyên tâm huy động ghi nhớ chứ không phải nhận thức.


Luật dân sự, tư pháp, quyền con người không tồn tại ở An Nam, hoặc ít nhất nó chưa bao giờ được xây dựng; nó chỉ đơn giản nằm trong tập tục; nó chưa bao giờ là nội dung với các điều khoản rõ ràng. Và đây không chỉ là 1 sơ suất; đó là hậu quả tự nhiên của 1 nguyên tắc đã được thể hiện: về mặt đạo đức, cá nhân không tồn tại; về mặt pháp lý, không có công dân An Nam. Đơn vị đạo đức là gia đình; đơn vị hành chính cũng sẽ là gia đình hoặc những gì chúng ta có thể xem là phần mở rộng của nó: làng xã. Nhà nước không biết đến cá nhân, nên nó không phải quan tâm các quy tắc chi phối các quan hệ cá nhân. Bộ luật im lặng trong việc liên quan đến tình trạng của con người và tài sản, hợp đồng, nghĩa vụ.


Nhưng trong tất cả những điều này, không bao giờ có quan điểm hướng vào cá nhân; không bao giờ coi luật pháp là tài sản bất khả xâm phạm của cá nhân con người; con người chỉ tồn tại như 1 thành viên của gia đình hoặc của xã hội: một gia đình lớn. Công lý An Nam giống như đạo đức: thực dụng; mục đích là để đảm bảo trật tự công và lợi ích chung, thậm chí gây bất lợi cho lợi ích cá nhân.


Nguyên lý triết học Trung Hoa là không ngừng tu sửa bản thân và tu chỉnh tha thân. Tu sửa hoặc hoàn thiện bản thân là tuyệt đối cần thiết để đi đến cải biến những người khác. Người càng nổi trội, thứ bậc càng cao, nhiệm vụ tự hoàn thiện càng lớn; vậy, Khổng phu tử coi việc trị nhân là sứ mệnh cao nhất và quan trọng nhất có thể được trao cho bậc chí thánh, như 1 thiên mệnh thực sự.

Trong thiên hạ chỉ có bậc chí thánh, bằng khả năng nhận biết thấu đáo và hiểu đầy đủ các quy luật nguyên thuỷ của chúng sinh, mới xứng đáng sở hữu quyền lực chủ tể và chỉ huy con người; người mà, bởi khả năng của mình có 1 tâm hồn vĩ đại, cao thượng, nhã nhặn và dịu dàng, có khả năng sở hữu quyền lực ban bố ân huệ tràn đầy; người mà, bởi khả năng của mình luôn trung thực, đơn giản, nghiêm trang, chính trực và công bằng, có khả năng thu phục sự kính trọng và tôn sùng; người mà, bởi khả năng của mình được khoác lên hào quang trí tuệ, và tài năng mang lại từ 1 sự học tập cần mẫn, và sự thông minh đưa đến 1 sự truy cứu chính xác về những điều ẩn giấu nhất, những nguyên tắc tinh thế nhất, có khả năng phân biệt chính xác giả chân, thiện ác.


Ông còn là người phán xử chung thẩm; và hành động ấy mở rộng — chí ít về mặt nguyên tắc — cho tất cả các vấn đề, cho tất cả mọi người. Tất cả những người bị oan ức, được dẫn đến phiên toà phúc thẩm trước nhà vua, chỉ cần đánh vào chiếc trống treo bên ngoài bờ thành hoàng cung. Nhưng khốn cho kẻ ngổ ngáo nào đã đánh nhầm vào trống; hình phạt thấp nhất có thể phải chịu là tối thiểu 100 hèo. Thực tế, vài trò toà án phúc thẩm trước vương pháp gần như là không; giống như nhiều thiết chế khác ở An Nam, việc đó là ảo tưởng.