Ngày 27/4/1975, Quốc hội Sài Gòn nhóm họp. Chỉ còn 136 nghị sĩ trên tổng số 219 của lưỡng viện có mặt, phần đông trong số họ đã di tản ra nước ngoài.
Cho dù ở tù hay cải tạo thì đều là thân phận của những người mất tự do. Nhưng được chuyển từ Đề lao Gia Định hay Chí Hoà ra trại “cải tạo” vẫn là những gì mà những “người tù” thèm khát. Ít ra, hai ba năm đầu, bộ đội họ quản lý tôi cũng dễ dãi hơn công an. Tôi đi lại thong thả khắp trại và đêm đêm cửa phòng tôi không bị khoá chặt.
Những năm sau 1975, cứ mỗi khi có một thành phần nào đó trong xã hội trở thành đối tượng của Chính quyền, lại có một thành phần khác, gọi là quần chúng, được đưa đứng ra lên án.
Trung Quốc, Liên Xô rõ ràng đã không làm hết sức mình cho Việt Nam trên “tinh thần quốc tế vô sản”, nhưng Việt Nam không thể nào độc lập khi không chỉ lệ thuộc “hai ông anh lớn” về vũ khí để đánh nhau với người Pháp ở Điện Biên Phủ mà còn lệ thuộc cả phương tiện đàm phán trong hội nghị Geneva. Theo ông Việt Phương, lúc đó đoàn đàm phán không có điều kiện để trao đổi với Đảng và Chính phủ. Tất cả mọi thông tin liên lạc đều phải nhờ qua Trung Quốc. Từng cuộc họp một, Phạm Văn Đồng báo cáo về cho Hồ Chí Minh đều phải sử dụng điện đài và mật mã của Đoàn Trung Quốc. Trong thời gian nghỉ, Chu Ân Lai lại bay về gặp Võ Nguyên Giáp và Hồ Chí Minh. Mọi tính toán của Đoàn và chỉ đạo ở nhà đều ở trong tay Trung Quốc.
Ý thức hệ đã từng tạo ra sự gần gũi giữa Hà Nội với Bắc Kinh. Nhưng mối quan hệ quá tin cậy lẫn nhau đôi khi lại rất dễ gây nghi kỵ. Trung Quốc, Liên Xô khi xử lý vấn đề Việt Nam, và ngay cả Việt Nam trong mối quan hệ với người Khmer cũng phải ưu tiên lợi ích quốc gia. Trong khi đó, những nhà lãnh đạo cả đảng “đàn em” lại chờ đợi các “ông anh” bảo bọc trong tinh thần vô sản. Chính ý thức hệ đã làm cho những người cộng sản ở nước nhỏ tự huyễn hoặc về sứ mệnh “tiền đồn” đi đến chỗ bị hụt hẫng khi bị đem ra mặc cả cho quyền lợi của các siêu cường khác. “Chổi ngắn không quét xa.”
Anh Ba đánh giá, muốn đánh Mỹ thì trước tiên phải có ba cái không sợ: không sợ Mỹ, không sợ Liên Xô, không sợ Trung Quốc.
Khi ta chủ trương giải phóng miền Nam, hai ông bạn lớn đã làm anh rất đau đầu. Liên Xô sợ mình đánh sẽ nổ ra chiến tranh thế giới thứ III; Trung Quốc muốn mình trường kỳ mai phục “chờ Trung Quốc mạnh sẽ đẩy Mỹ xuống Biển Đông.” Anh không để mất lòng ai nhưng lúc nào cũng phải giữ cho đúng tính chất độc lập, tự chủ của dân tộc Việt Nam.
Trên thực tế, mỗi khi miền Bắc điều chỉnh đường lối “cách mạng miền Nam” đều phải sang bàn với Trung Quốc. Theo ông Hoàng Tùng: “Không bàn thì họ không viện trợ.” Ông Nguyễn Nhật Hồng xác nhận: “Trung Quốc giao ngoại tệ viện trợ theo phương thức rải đều từng tháng, từng quý. Nhu cầu viện trợ được B29 lên kế hoạch trình ông Phạm Hùng và Lê Thanh Nghị duyệt. Tuy nhiên, kế hoạch thường bị Trung Quốc thay đổi theo ý định của họ.” Trong những năm chiến tranh, ngoài vũ khí, trang bị kỹ thuật, Trung Quốc còn viện trợ rất lớn về tiền mặt.
Sự hào phóng đó của Trung Quốc không làm cho ông Lê Duẩn lơ là cảnh giác, có lẽ đó là phản xạ của một người đã sống nhiều năm bị truy lùng gắt gao. Mỗi lần Quân uỷ bàn chủ trương đều họp trong Bộ Tổng Tham mưu, những uỷ viên Bộ Chính Trị có mối liên hệ mà ông Lê Duẩn cho rằng là “quá thân với Trung Quốc,” hoặc có giai đoạn là “quá thân với Liên Xô,” đều được biết rất ít đến các kế hoạch chiến tranh.
Lần Việt Nam xin đạn pháo để chuẩn bị giải phóng miền Nam, Trung Quốc nói không có, nhưng Việt Nam đã dự trữ từ lâu đủ đạn để đánh. Khi xin 2,000 chiếc xe vận tải Giải phóng thì Trung Quốc ra điều kiện “phải cho 500 lái xe Trung Quốc theo.” Anh nói: “Một thằng tôi cũng không cho, nếu không có xe thì chúng tôi vác bộ, thồ bằng xe đạp.” Các anh khác bảo: “Anh làm gì mà căng thế?” Anh nói: “Trung Quốc nói làm đường cho Lào sau đó họ lập làng Trung Quốc trên đất Lào. Bây giờ họ muốn thăm dò ta về đường Trường Sơn thì nay mai họ sẽ chiếm Trường Sơn. Về chiến lược, ai đứng chân trên đỉnh Trường Sơn người đó sẽ khống chế cả Đông Dương, cho nên mình phải tính.”
Năm 1972, khi Trung Quốc tiếp Nixon, Lê Duẩn nói, chúng ta đã bị bán rẻ cho Mỹ để người Trung Quốc thay Đài Loan ngồi vào chiếc ghế ở Hội đồng bảo an Liên Hiệp Quốc. Năm 1954, Liên Xô có lợi ích khi hoà hoãn với Mỹ còn Trung Quốc thì muốn Việt Nam bị chia cắt để vĩnh viễn ở thế chư hầu.
Khi Nixon thương lượng với Trung Quốc, nó ra điều kiện nếu Trung Quốc để cho Mỹ ném bom B52 ra miền Bắc thì Mỹ sẽ nhường hòn đảo Hoàng Sa cho Trung Quốc. Trước kia Trung Quốc có hứa nếu Mỹ đánh miền Bắc thì Trung Quốc sẽ can thiệp, nhưng sau chuyến đi của Nixon, Trung Quốc tuyên bố “mi không đụng đến ta, ta không đụng đến mi.” Do đó, Mỹ cho máy bay bắn phá liên tục mười hai ngày đêm ở Hà Nội, Hải Phòng, đánh các đê điều ở miền Bắc, với ý đồ đưa miền Bắc vào thời kỳ đồ đá. Mỹ dùng B52, dùng F111A, hai loại máy bay hiện đại nhất. Sau đó, Chu Ân Lai sang gặp anh ở Hồ Tây. Ông đi dưới bậc thang lên đưa tay, anh không bắt. Anh nói: “Các đồng chí đã bán đứng chúng tôi. Các đồng chí lấy xương máu của dân tộc Việt Nam để trả giá với Mỹ. Chúng tôi biết nhưng chúng tôi không sợ, chúng tôi sẽ đánh đến cùng và nhất định chúng tôi sẽ thắng.”
Không chỉ phản ứng trong hội đàm, khi đưa tiễn Chu Ân Lai, thay vì đi cùng thầy trò Chu ra tận chân cầu thang máy bay, Lê Duẩn đã dừng lại ngay cửa nhà ga sân bay Gia Lâm. Các quan chức Việt Nam tất nhiên cũng phải đứng lại. Chu Ân Lai và người phiên dịch, Lương Phong, gần như phải lủi thủi bước lên máy bay đi về. Lương Phong cho rằng hành động đó của ông Lê Duẩn là rất phản cảm.
Tháng 9/1975, trong chuyến đi đầu tiên tới Bắc Kinh, sau khi giành thắng lợi ở miền Nam, Bí thư thứ nhất Lê Duẩn tới Trung Nam Hải. Ông Duẩn đã đến tận giường bệnh của Mao Trạch Đông để nói lời cám ơn với Mao Trạch Đông: “Nước chúng tôi chưa có bao giờ vui như hôm nay. Nếu chúng tôi không có Trung Quốc là hậu phương lớn bao la, không có đường lối của Mao chủ tịch, không có sự viện trợ của các đồng chí chu cấp, chúng tôi không thể thành công được.” Với nụ cười khó nhọc trên gương mặt người mang bệnh, Mao Trạch Đông hơi vẫy tay, tỏ ra hiền hoà thân thiết… Người đã dùng những câu nói không được mạch lạc lắm để nói với Lê Duẩn: “Nhân dân Việt Nam thắng lợi rồi, Nam Bắc đã thống nhất rồi, tôi rất phấn khởi, rất phấn khởi.”
Chắc hẳn là Lê Duẩn đã không chỉ xử sự theo phép tắc ngoại giao khi đến tận giường bệnh của Mao Trạch Đông để xác nhận: “Không có viện trợ của Trung Quốc, chúng tôi không thể thành công.” Không mấy người Việt Nam là không biết đến súng AK, nón cối, lương khô, gạo sấy, thịt hộp… được cung cấp từ Trung Quốc. Bộ đội miền Bắc thời chiến tranh có thể nói là đã được Trung Quốc trang bị đến từng “cái kim, sợi chỉ.” Nhưng ngoài chuyện ân nghĩa với đồng minh, ông Lê Duẩn còn phải chịu trách nhiệm trước quốc gia mà ông lãnh đạo. Trong chuyến đi Trung Quốc ấy, ngày 24/9/1975, khi gặp Đặng Tiểu Bình, ông Lê Duẩn đã yêu cầu Phó thủ tướng Đặng Tiểu Bình đàm phán vấn đề Hoàng Sa nhưng đã bị Đặng Tiểu Bình từ chối. Bộ máy tuyên truyền của Bắc Kinh đã làm cho người dân Trung Quốc nghĩ rằng Hoàng Sa đã thuộc về Trung Quốc.
… vận động người Hoa bỏ chữ “kiều” trong tên gọi các cộng đồng ngoại kiều khác để trở thành một dân tộc trong cộng đồng Việt Nam. Họ đã phải “bình đẳng” chịu “cải tạo” trong chiến dịch cải tạo công thương nghiệp tiến hành ở miền Bắc cuối thập niên 1950 và bắt đầu chịu áp lực nhiều hơn kể từ sau ngày Bắc-Nam thống nhất.
Từ cuối năm 1976, người Hoa ở Hải Phòng, Quảng Ninh, đã không được làm những nghề “có thể làm gián điệp” như thợ cắt tóc, thợ điện gia dụng, không được quan hệ với người nước ngoài… Ông Trịnh Văn Trọng có vợ, nhà thơ Dư Thị Hoàn, là người Hoa ở Hải Phòng. Ông Trọng kể khi chiến dịch “nạn Kiều” bắt đầu, người Hoa ở Quảng Ninh, Hải Phòng, ra đường thì bị kêu là “thằng Hán gian,” về nhà thì gặp cán bộ phường tới phân tích: “Tình hình Việt Nam - Trung Quốc rất căng, nếu ở lại không biết điều gì sẽ xảy ra. Đảng và Nhà nước tạo điều kiện cho người Hoa trở về Tổ Quốc.”
Vì “trách nhiệm và niềm kiêu hãnh” cá nhân, tháng 12/1975, Sihanouk cùng bà hoàng Monique, mẹ vợ và hai mươi hai người con, cháu của ông đã trở lại Phnom Penh. Kết cục là trong hơn ba năm sống với Khmer Đỏ, Sihanouk đã trở thành một tù nhân; năm người con và mười ba người cháu của ông đã bị Angkar đưa đến các công xã để rồi không bao giờ nhe nhắc đến tên họ nữa.
“Xin hỏi K nó quấy rối biên giới ta, tàn sát cướp phá rất dã man, sao ta đối phó rất lôi thôi, chúng tôi khó hiểu.” Anh Lê Duẩn trả lời: “Các đồng chí hỏi đúng vào một tình hình cả nước đang quan tâm. Chúng tôi đau đầu lắm, không ngủ được. Không phải vấn đề Khmer Đỏ, vấn đề Pol Pot mà là vấn đề ai ở đằng sau Khmer Đỏ, đằng sau Pol Pot. Ta đã đưa đại quân đâu, bọn nó làm sao chống ta nổi, nhưng ta đánh nó, Trung Quốc đánh ta thôi. Nếu ta không chiếm K, Trung Quốc cũng không chiếm ta.”
Cuba nhiều lần thiết tha mời anh Ba Lê Duẩn sang thăm. Fidel cứ giục mãi, nhiều đồng chí nhắc, anh Ba mắng: “Các chú muốn dân đói à?” Rồi, anh Ba nói với Bộ Ngoại Giao: “Đúng là Fidel sang ta mấy lần, nhưng ta mới thắng Mỹ, sang Cuba không tuyên bố chống Mỹ thì Cuba không chịu, tuyên bố chống Mỹ thì, các chú thấy, sang cạnh nhà nó chửi nó, nó cấm vận mình suốt đời thì mình chết. Vì lợi ích quốc gia, tôi chưa thể đi được.” Rồi anh Ba cử Lê Đức Thọ đi, anh dặn: “Nên nói với đồng chí Fidel, tôi rất muốn sang, nhưng sức khoẻ có vấn đề, bác sĩ không cho đi máy bay xa, đồng chí Fidel thông cảm.”
Trên đường từ Đông Âu trở về, Đại tướng Võ Nguyên Giáp ghé qua Bắc Kinh, nhưng người đối đẳng với ông là Bộ trưởng Bộ Quốc Phòng Diệp Kiếm Anh đã không ra sân bay đón. Tướng Giáp gần như đã bị làm nhục trong suốt chuyến đi này. Một tuần sau, khi Thủ tướng Phạm Văn Đồng dừng chân ở Bắc Kinh, Phó Thủ tướng Trung Quốc Lý Tiên Niệm chính thức cáo buộc Hà Nội “lật lọng với công hàm 1958.” Sau những sự cố ngoại giao đó, Việt Nam càng cảnh giác cao với Bắc Kinh. Ngày 2/5/1978 Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ra Quyết định đổi một đồng tiền chung cho hai miền. Đồng tiền phát hành tại miền Nam từ 22/9/1975 là tiền thuộc lô “Hàng 65” được Trung Quốc giúp in. Tuy nhiên, sau khi in, bản kẽm bị “bạn” giữ lại, Việt Nam xin mấy lần không được. Năm 1978, nhằm tránh Trung Quốc sử dụng bản kẽm mà họ đang giữ để in tiền tung ra phá hoại, Chính quyền cho đổi “Hàng 65” bằng một loại tiền mới được in từ Tiệp Khắc.
Chính quyền tưởng rằng sau lớp học sẽ có được một tầng lớp trí thức của chế độ cũ yêu mến và phụng sự chủ nghĩa xã hội. Tuy nhiên, nếu như Marxism đã từng được các trí thức miền Nam quan tâm như là một môn khoa học thì giờ đây họ lại nghe những giảng sư miền Bắc nói về Marx hết sức giáo điều. Chưa kể, những người đứng lớp còn rao rảng với tư thế của người chiến thắng, tự tôn, tự đắc. Trước giới trí thức Sài Gòn, chính quyền đã thất bại ngay trong lần trình diễn đầu tiên.
Chưa kết thúc lớp học, Tiến sỹ Nguyễn Văn Trung, một giáo sư triết học nổi tiếng của Sài Gòn, một người được coi là “hằn học với Giáo hội”, đã coi cộng sản cũng là “một giáo hội.” Ông cho rằng hình thức “kiểm điểm” mà cộng sản áp dụng trong sinh hoạt chính là một thứ “xưng tội man rợ.” Về đường lối, ông cho rằng: “Có thể những điều Lenin nói đã đúng vào năm 1916, nhưng sau bảy mươi năm mà ta áp dụng là không lý trí.” Còn Giáo sư Châu Tâm Luân thì khi nghe các giảng sư miền Bắc say sưa nói về con đường “tiến lên xã hội chủ nghĩa bỏ qua giai đoạn phát triển chủ nghĩa tư bản” đã mỉa mai: “Sao không tìm hiểu xem sau chủ nghĩa cộng sản là gì để nhân tiện bỏ qua, mình bỏ qua luôn hai, ba bước.”
Theo ông Luân: “Những năm ấy, tôi chê ông Võ Văn Kiệt nhát, ‘xé rào’ là vá víu; phải ‘phá vỡ’ để áp dụng kinh tế thị trường chứ không thể phá những đoạn rào. Ông Mai Chí Thọ nghe, nhắc: ‘Phải giữ chính quyền trước hết, chính sách sai thì còn sửa được chứ mất chính quyền là mất hết.’ Về sau tôi mới thấy ông Mai Chí Thọ đã nói rất thật lòng, họ đã từng ngủ rừng hàng chục năm để có chính quyền, làm sao họ để mất cái mà họ vừa giành được đó.”
Trước 1975, mặc dù chính quyền bị coi là bù nhìn, nhưng trí thức vẫn được trọng dụng, họ có quyền thực sự trong chuyên môn. Sau giải phóng, chính quyền được nói là của mình nhưng trí thức như chỉ được dùng như bù nhìn, trong khi đa phần họ là những người khảng khái.
Ông Võ Văn Kiệt nhớ lại: “Tôi tiếc đứt ruột khi để những anh em trí thức ấy ra đi, nhưng biết là nếu họ ở lại thì cơ chế hiện thời cũng chưa cho phép mình sử dụng họ.” Trước khi vượt biên, ông Dương Kích Nhưỡng, một công trình sư cầu cống, thuỷ điện, nói với ông Kiệt: “Ước mơ của các anh rất đẹp, nhưng các anh làm như thế này là không được. Đi đâu cũng chỉ nghe tới nghị quyết, làm cái gì cũng chỉ theo tinh thần nghị quyết này, chủ trương kia thay vì theo pháp luật. Trị nước mà bằng nghị quyết và chỉ thị chung chung thì không được.”
Có những người ca ngợi sự kiên cường của tôi khi còn ở trong Chí Hoà muốn tôi mãi mãi là người hùng trong mắt họ. Con những người ở phía khác thì cũng nhìn tôi khinh miệt như nhìn một kẻ chiêu hồi. Khi nghe Đỗ Trung Quân nói “em mắc nợ anh, anh nên đi,” tôi chưa hình dung hết. Càng về sau, tôi càng hiểu vì sao phần lớn những người tù như tôi phải tìm lối thoát bằng cách vượt biên.
Anh Trường Chinh muốn giữ tên Sài Gòn, một cái tên đã được biết đến suốt gần 300 năm. Tuy nhiên, trong suốt hàng chục năm, Hồ Chí Minh đã được cả hệ thống chính trị suy tôn làm “Cha già dân tộc,” nên khi có người muốn lấy tên ông đặt cho Sài Gòn thì không ai dám đứng ra ngăn cản.
Một loạt đường phố ở Sài Gòn cũng đã được Tuyên huấn Thành uỷ cho đổi tên. Tên của các liệt sỹ cách mạng được dùng để thay cho tên của những vua chúa, danh nhân thời “đế quốc phong kiến.”
Xét thấy đồng chí Thu còn non kém về quan điểm lập trường và thiếu ý thức tổ chức kỷ luật trong việc xây dựng gia đình.
Ngay từ 30/4/1975 không rõ từ đâu, chính sách sắp xếp, sử dụng cán bộ ở Sài Gòn và các tỉnh phía Nam được đúc kết bằng công thức “nhất trụ, nhì khu, tam tù, tứ kết” - có nghĩa là: những cán bộ bám trụ tại chỗ được coi trọng, tin cậy, bố trí vào những chức vụ quan trọng; ưu tiên thứ hai là cán bộ đã chiến đấu ở “khu”, còn gọi là R, mật danh chỉ Trung ương Cục, khu bộ, xứ bộ; ưu tiên thứ bà được dành cho cán bộ đã từng bị đi tù được tha theo hiệp định Paris, hoặc mới được cứu ra; ưu tiên cuối cùng mới dành cho những cán bộ miền Nam tập kết ra Bắc từ năm 1954 nay trở lại.
Anh Ba hỏi: “Các đồng chí ra thăm miền Bắc thấy gì?” Họ thật lòng nói, đi thăm chợ Đồng Xuân mà không thấy hàng hoá gì cả, miền Bắc nghèo quá. Anh Ba nói: “Các đồng chí không hiểu. Cái giàu có, vĩ đại của miền Bắc là ở chỗ gia đình nào cũng có bàn thờ, con họ vào Nam là đi vào chỗ chết, thế mà họ vẫn đi, trong khi ở lại thì được đi Liên Xô, Trung Quốc. Ở trong R, các đồng chí có được dạy, ta đánh được Mỹ là nhờ truyền thống 4000 năm của Việt Nam không? Các đồng chí người ở đâu? Việt Nam! Nếu nhận là người Việt Nam, không năm đời, thì mười đời cũng là gốc Bắc. Ra đây là tìm về nòi giống, cội nguồn.”
Sáng mùng Một Tết Bính Thìn, bà Nguyễn Thị Thập bên Hội Phụ nữ mời tiệc, ông Lê Duẩn tới, mâm cỗ đã “bày la liệt” nhưng ông không ngồi vào bàn. Khi các nữ lãnh đạo hội mời, ông nói: “Ăn Tết làm gì, con cái miền Bắc chết ở Trường Sơn chưa ai nói tới đã nói là dân miền Bắc vào đây vơ vét hàng hoá.” Theo ông Đậu Ngọc Xuân thì trước đó khi nghe bên công an báo cáo “miền Bắc vào đây vơ vét từ cái quạt máy, xe đạp,” ông Lê Duẩn tức lắm nhưng ngay khi đó ông không nói gì.
Bà Bảy Huệ, phu nhân ông Nguyễn Văn Linh, đỡ lời: “Thưa anh Ba, đấy chỉ là số ít. Chúng em không bao giờ nói thế.” Ông Lê Duẩn tiếp: “Các chị không nói nhưng nghe ai nói phải vả vào mặt họ chứ. Có những việc trong này tôi đã phải giấu đồng bào miền Bắc, ví dụ như chuyện các chị để cho bộ đội chết đói ở Trường Sơn. Xương máu con người ta, người ta không tiếc, giờ mua cái quạt thì các chị kêu ca.” Nghe ông Lê Duẩn nói đến đó, “các chị em Nam Bộ khóc như mưa.”
Rất nhiều nhà lãnh đạo Việt Nam vẫn cho rằng bộ Tư Bản của Marx là giáo khoa kinh tế học. Những người thực sự có được họ về Marx một cách bài bản ở Đại học Phương Đông như Trần Phú, Nguyễn Thị Minh Khai, Hà Huy Tập, Lê Hồng Phong… thì đều đã bị người Pháp tử hình trước ngày “cướp chính quyền.” Tác giả chính của các chính sách kinh tế áp dụng ở Việt Nam hơn hai thập niên, ông Lê Duẩn, chỉ học hết lớp bốn rồi đi làm nhân viên hoả xa. Nhiều nhà lãnh đạo của Đảng Cộng Sản Việt Nam chỉ học qua Karl Marx qua các bạn tù. Nhiều người phải sau khi nắm quyền mới học với sự giúp đỡ của chính những người giúp việc. Nhưng cho dù có học thì, theo ông Đậu Ngọc Xuân: “Bộ Tư Bản mênh mông, gần như không lãnh đạo nào đọc hết, nên nếu lấy ‘Tư Bản’ ra mà doạ thì một anh giúp việc có thể điều khiển được một uỷ viên Bộ Chính Trị.” Ông Đậu Ngọc Xuân kể: “Mấy anh giúp việc ông Trường Chinh (trong thập niên 1960) là rất hay trích dẫn Marx-Lenin. Cái câu ‘sản xuất nhỏ hàng ngày, hàng giờ đẻ ra chủ nghĩa tư bản’ làm cụ Trường Chinh rất sợ.” Không chỉ bởi niềm tin giáo điều, tuân thủ Marx còn là vấn dề kỷ luật.
Những lần đi Liên Xô, anh Ba thấy cách quản lý kinh tế của Liên Xô rất dễ làm mất đi sự sáng tạo của quần chúng. Nhưng lúc đó Liên Xô thường nghe ngóng xem Việt Nam có đi chệch đường không. Tháng 11/1957, Hội nghị các Đảng Cộng Sản và Công nhân thế giới họp lần thứ nhất và ký tuyên bố chung: “Kinh nghiệm của ĐCS Liên Xô trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản có ý nghĩa nguyên tắc với toàn bộ phong trào cộng sản quốc tế.”
Cho dù từng sống ở Liên Xô trong thập niên 1930, thời kỳ huy hoàng nhất của chế độ cộng sản, Hiến pháp năm 1946 - bản hiến pháp được coi là của Hồ Chí Minh - đã không hề có bóng dáng của nhà nước Xô Viết. Thật khó để biết đâu là sách lược, đâu là quan điểm chính trị của ông. Sau những nỗ lực tìm kiếm sự công nhận của phương Tây bất thành, năm 1948, cho dù vẫn bị Stalin khước từ, Hồ Chí Minh chính thức xác nhận mình là một người cộng sản. Nhưng chiến thắng của Mao Trạch Đông ở Trung Quốc vào tháng 10/1949 mới là sự kiện ảnh hưởng mang tính bước ngoặt đối với những lựa chọn sau đó của Hồ Chí Minh.
Năm 1946, Mao và Stalin đã gọi Bác sang, nhất định bắt phải làm. Mao Trạch Đông nói thẳng: nếu các đồng chí không cải cách ruộng đất, chúng tôi không viện trợ nữa.
Năm ấy, ông Lê Duẩn bốn mươi mốt còn tuổi thực của bà Nga là hai mươi ba, có lẽ khi lấy nhau, họ cũng không ngờ ông Lê Duẩn rồi sẽ trở thành một nhà lãnh đạo quyền lực nhất, và cuộc hôn nhân sẽ mang lại cho bà Nga nhiều rắc rối nhất. Bà Nguyễn Thuỵ Nga thừa nhận trong cuộc hơn nhân hơn ba thập niên của bà, chỉ có ba năm là thực sự hạnh phúc. Ông Lê Duẩn đã chọn vợ vì “đức thuỷ chung mà ông chứng kiến bà Nga dành cho người khác” và bà thì thừa nhận là đã chọn ông qua “đạo đức và tình cảm lớn lao mà ông đã dành cho đồng chí, đồng bào.”
Gạo mậu dịch khi ấy được gọi là “gạo tổ”, thứ gạo mà trước khi nấu phải đãi sạn và gạo mục, trước khi đãi phải nhặt thóc và bông cỏ. Thế nhưng vì giá bán rẻ hơn rất nhiều so với thị trường, nên những nhà không ăn tới vẫn cho người ra xếp hàng mua hết tiêu chuẩn về cho heo, cho gà ăn, hoặc bán lại. Bà Ba Thi giải thích: “Nhà nước mua lúa của nông dân với giá rẻ mạt nên người nông dân bán cho tròn bổn phận chứ không hề băn khoăn chọn lựa thứ luá tốt phơi khô, rê sạch. Người ta không nói ra nhưng vẫn thấy nhà nước thật lạ, nông dân làm một nắng hai sương mới ra hột lúa, củ khoai mà thu mua như giựt.”
Chấn chỉnh việc chuẩn bị văn kiện đại hội xong, đầu tháng 8/1986, Trường Chinh đi Liên Xô. Đây là một chuyến đi bất thường, nhưng là lệ thường. Các nước “xã hội chủ nghĩa anh em” mỗi khi thay đổi đường lối hay người lãnh đạo đều phải đến “ông anh cả” Moscow trình diện.
Theo lệ xưa nay, mỗi khi ĐCSVN đại hội thì đường lối phải được ĐCS Liên Xô và Trung Quốc đồng tình. Nếu họ không đồng tình thì đường lối sẽ không thực hiện được. Lúc bấy giờ, quan hệ với Trung Quốc còn gay gắt nên chỉ phải đi Liên Xô.
Theo quy trình này, nhân sự của nhiệm kỳ mới, về lý là do đại hội bầu, nhưng danh sách đưa ra để đại hội bầu với một số lượng sít sao lại cho BCH TƯ khoá cũ, tức là những người sắp rời nhiệm sở, đề nghị. Nếu có ai đó được đại hội đề nghị mà BCH TƯ không tán thành thì chính họ sẽ được Tiểu Ban Nhân sự yêu cầu “tự nguyện rút.”
Bo bo còn phải độn mì.
Mi lên vũ trụ làm gì hở Tuân.
Chúng ta đã dùng búa tạ diệt ruồi, sử dụng binh chủng hợp thành như đánh Pháp, đánh Mỹ, để đánh với một đội quân du kích.
Những người tập kế từ miền Bắc Việt Nam đưa về trình độ rất giới hạn. Người được chọn “cầm cờ” là Pen Sovan cũng chỉ vốn là trưởng phòng tiếng Khmer ở Đài Tiếng nói Việt Nam.
Trên thực tế chẳng mấy khi họp, mọi quyết định lớn đều do phía ta làm rồi truyền đạt cho Pen Sovan, Pen Sovan, Pen Sovan nêu ra với Trung Ương như là ý kiến của Ban Thường Vụ. Cái đầu thực sự là ĐCS VN, cụ thể là Lê Đức Thọ. Làm giúp chỉ là cách nói thôi, trên thực tế là làm thay. Từ thực tế này, tâm lý coi thường của cán bộ Việt Nam là không tránh khỏi.
Ông Ngô Điền là đại sứ kiêm cố vấn cho Bộ Ngoại giao Campuchia. Bộ trưởng là Hun Sen, năm ấy 27 tuổi. Ngô Điền là người hướng dẫn cho Hun Sen từ cách cầm từng cái ly, cái nĩa. Khi đã được đưa lên làm chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, năm 1985, giữa công khai, Hun Sen vẫn giới thiệu ông Ngô Điền với mọi người: “Đây là người thầy vĩ đại của tôi.”
Thoắt cái nhảy lên địa vị mới, nắm trong tay nhiều quyền lực, họ sống như trong giấc mộng… Quên mất mình vốn chỉ là những bình vôi vô danh, được đưa đặt dưới gốc cây đa, do có hương đèn cúng vái mà thành thần… Rất nhanh chóng, họ trở thành những người lạm dụng chức quyền, sống buông thả theo tiền, theo gái. Điển hình trong số đó là Pen Sovan. Theo ông Ngô Điền: “Pen Sovan thường lên mặt lãnh tụ thông thạo, đôi lần còn giảng lại cho tôi… Và chả mấy chốc, đã bộc lộ tham vọng làm một lãnh tụ độc tài.”
Không ai phủ nhận Khmer Đỏ là một chế độ diệt chủng, và cho dù lên án Việt Nam “xâm lược”, chính Sihanouk cũng phải thừa nhận Việt Nam đã cứu nhân dân Campuchia thoát khỏi bàn tay Pol Pot. Trong hơn mười năm ở lại Campuchia, những người lính Việt Nam đã làm nhiều việc để ngăn cản Pol Pot quay trở lại. Họ hy sinh rất nhiều xương máu. Nhưng đồng thời họ cũng đã can thiệp vào không ít quyết định của Chính quyền Campuchia. Chính “tinh thần quốc tế vô sản” này đã dẫn đến khá nhiều sai lầm, trong đó có “sai lầm Seam Riep.”
Việc bắt bớ, truy bức, tra tấn đã làm cho nhiều người dân và cán bộ bị chết oan, bị vùi dập. Chua xót biết bao khi nghe dư luận cán bộ bạn đặt câu hỏi: cán bộ Việt Nam sao lại ác như vậy. Một không khí hoang mang, lo sợ và oán giận Việt Nam bao trùm Seam Reap rồi nhanh chóng lan ra khắp đất nước.
Nguồn gốc của những sai lầm kiểu như vụ Seam Riep đều có căn cứ từ “tư tưởng dân tộc nước lớn”. Ông Điền nói: “Biểu hiện rõ nhất của tư tưởng nước lớn là việc ta mặc nhiên tự cho mình cái vai trò làm lại cuộc cách mạng Campuchia, sắp xếp từ đầu đến chân bộ máy Campuchia.” Ông Lê Đức Thọ có thể vẫn ung dung trong buồn tắm trong khi một vị “nguyên thủ” Campuchia ngồi đợi bên ngoài. Còn Tổng Bí thư Lê Duẩn thì đối xử với tổng bí thư của “bạn” không hề theo nghi lễ.
Sau khi ký Hiệp định Paris, Kissinger đã đến Việt Nam. Có nhiều giai thoại nói rằng khi đó, Kissinger cảnh báo: từ nay, mối đe doạ của Việt Nam sẽ đến từ phương Bắc. Tuy nhiên, khi trả lời phỏng vấn tác giả cuốn sách này, Cựu Ngoại trưởng Henry Kissinger đã cười và giải thích: “Khi tới Hà Nội, Lê Đức Thọ dẫn tôi đến bảo tàng lịch sử, ở đó chưa nói gì về chiến tranh với người Mỹ trong khi mô tả khá chi tiết những lần xung đột với Trung Hoa. Anh nghĩ, Hà Nội còn cần tôi nói với họ điều mà họ đã thuộc làu qua lịch sử!”
Theo tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc giai đoạn 1974-1987, ngay từ khi mới xảy ra vấn đề người Hoa, ông đã rất “vất vả với những trò trẻ con của Trung Quốc.” Tướng Vĩnh kể: “Trung Quốc bố trí hai chiếc ô tô con luôn luôn chầu chực ở hai cửa của sứ quán ta, cán bộ mình đi đâu nó theo đấy, ngay đại sứ đi nó cũng đi theo. Có lần tôi ngồi xe có cắm cờ Việt Nam từ sứ quán ta đi ra, đi được một đoạn, mặc dù đồng chí Quảng đang lái rất nghiêm chỉnh, đúng luật, thế mà cánh sát Trung Quốc lại thổi còi bắt dừng xe, rồi bắt lái xe xuất trình giấy tờ. Giấy tờ đủ cả! Rồi họ cũng phải cho đi tiếp vì không biết làm cách nào, không tìm ra cái gì để bắt bẻ nữa. Chủ yếu là họ làm chậm hành trình để tôi sai hẹn với đối tác hoặc với đại sứ nước nào đó.” Nhân viên sân bay Bắc Kinh cũng từng bắt tướng Vĩnh đi vào cửa kiểm tra hành lý, cho dù ông được quyền “miễn trừ ngoại giao.”
Tướng Vĩnh doạ “họp báo tố cáo Bắc Kinh vi phạm công ước quốc tế” và doạ sẽ áp dụng biện pháp tương tự với đại sứ Trung Quốc tại Hà Nội theo “nguyên tắc đối đẳng” họ mới để ông đi theo cửa không kiểm tra hành lý.
Tháng 2/1979, khi Đặng Tiểu Bình đánh Việt Nam, Liên Xô đang có 56 sư đoàn ở vùng biên giới với Trung Quốc nhưng đã không có một động thái quân sự nào. Trước “thông điệp” này, Đặng Tiểu Bình quyết định “đi đêm” ngay với Moscow, và mặc dù nhận ra sự yếu kém của quân đội, Đặng quyết định không cần vội vã chi tiền hiện đại hoá quân sự. Tuy nhiên, Đặng vẫn duy trì chiến tranh quy mô nhỏ trên vùng biên giới, một mặt giữ chân thường xuyên hơn 800 nghìn quân Việt Nam, mặt khác, biên giới trở thành chiến trường thật để quân đội Trung Quốc có nơi huấn luyện. Trong thập niên 80, gần hết lực lượng bộ binh Trung Quốc ở trên cả nước đã được luân chuyển đến tác chiến ở vùng biên giới Việt Nam.
Cuộc chiến đã giữ chân đội quân bảo vệ biên giới phía Bắc Việt Nam lên tới ba quân đoàn, mười một sư đoàn, mười ba trung đoàn và bảy mươi tiểu đoàn độc lập, góp phần đưa lượng quân thường trực ở cả hai đầu đất nước lên tới 1,6 triệu người. Sau khi Gorbachev nhận chức tổng bí thứ, viện trợ của Liên Xô cho Việt Nam bắt đầu bị cắt giảm. Người lính trên biên giới phía Bắc vừa rất khổ về vật chất, vừa rất căng thẳng về tinh thần. Hà Nội nhận ra không thể tiếp tục duy trì tình trạng đó.