Trong khi người Kinh từ lâu đã giành được quyền tự chủ của làng mạc thì người Mường vẫn duy trì một chế độ phong kiến tương tự chế độ của người Thái. Mỗi mường do một tù trưởng cai quản. Tù trưởng là chủ đất và phân phối đất đai cho thần dân của mình. Tù trưởng này được gọi là quan lang, thổ lang hay thổ ty. Uy quyền pháp lý của người này xuất phát từ uy quyền tôn giáo: thuộc dòng dõi của người khẩn hoang đầu tiên, tù trưởng là người cả hành lễ cúng bái cho vị tổ tiên này, được xem như tổ tiên chung cho tất cả mọi người dân trong làng.


Để có được bình đẳng giữa người Kinh và người thiểu số, người thiểu số cần phải bắt kịp đà phát triển của người Kinh.


Các dân tộc miền núi sinh sống trên dãy Trường Sơn được ước tính là khoảng 600,00 người. Về phương diện thể chất, người ta thường gặp, ở bộ tộc này hay bộ tộc khác, típ người Nam Đảo (austronesien) [đồng nghĩa với Mã Lai - Đa Đảo / malayo-polynesien], đôi khi cả Mỹ-Ấn (ameridien) [các cư dân đầu tiên của Tân lục địa, cũng được gọi là Anh điêng], hiếm khi gặp típ người negrito [đại chủng da đen] hay australoit [đại chủng Australia].


Người Khmer làm thành một nhóm thiểu số 500,000 người tại Tây Ninh và Trà Vinh, trong vùng Hậu Giang và bán đảo Cà Mau. Toàn bộ châu thổ sông Mê Kông từng là vùng đất của người Khmer, nhưng người Khmer đã buộc phải dần nhường lại cho Việt Nam trong các thế kỷ 17-18. Tên gọi của nhiều thành phố gợi lại nguồn gốc của các thành phố này: Sóc Trăng từ tên gọi Srok Khleang, xứ kho lẫm; Trà Vinh từ Prah Trapeang, lưu vực thánh thiêng; Bạc Liêu từ Pô Loeuh, cây đa lớn; Cà Mau từ Tuk Khmau, nước đen; Mỹ Tho từ Mê Sâr, bà trắng; Sa Đéc từ Phsar Dek, chợ sắt.


Lạc Long Quân, sau khi lấy Âu Cơ, vẫn tiếp tục sống với mẹ và để vợ lo toan việc dạy dỗ toàn bộ con cái của hai người: như vậy, đây là một hệ thống theo mẫu hệ. Sau đó, việc vợ chồng phân chia số con cái là dấu hiệu cho thấy có sự chuyển tiếp sang hệ thống phụ hệ. Hệ thống phụ hệ này được củng cố từ thời các vua Hùng: ngôi vua được truyền từ cha cho con trai. Hùng Vương thứ 18 gả con gái cho Sơn Tinh, Thần núi. Việc Sơn Tinh đưa vợ lên núi Tản Viên là dấu chỉ về tục lệ vợ phải về ở với bố mẹ chồng, nhưng không cắt đứt mọi quan hệ với cha mẹ đẻ, bằng chứng là người vợ còn trở lại sống với gia đình cha mẹ đẻ trong một thời gian, như các trò chơi và nghi lễ cưới hỏi vẫn còn được duy trì ở một số làng trong vùng cho thấy.


Thuỷ Tinh bị đánh bại, phải rút lui. Nhưng hàng năm, vào cùng thời điểm, nghĩa là vào khoảng tháng 7 âm lịch, Thuỷ Tinh lại nổi cơn tức giận và cuộc chiến dữ dội lại diễn ra giữa hai vị thần, giữa con người và thiên nhiên (sông).

Theo truyền thống, Lạc Long Quân và Âu Cơ là tổ tiên của dân tộc Việt Nam, vố cũng thuộc nhóm Bách Việt. Từ Bách Việt xuất hiện lần đầu tiên trong Sử Ký của Tư Mã Thiên (thế kỷ 2-1 TCN): người Trung Quốc vốn gọi tất cả các dân ở phía nam Dương Tử là Bách Việt, những nhóm dân quang trọng nhất trong số này là Đông Việt (Chiết Giang), Mân Việt (Phúc Kiến), Nam Việt (Quảng Đông), Tây Âu (Quảng Tây) và Lạc Việt ở bắc Việt Nam hiện nay. Tư Mã Thiên ghi lại một cuộc chiến tranh giữa người Hán và Bách Việt vào đầu thế kỷ 4 TCN.

Lạc là từ phân định nhóm bộ tộc xưa nhất để chỉ dân tộc Việt Nam. Từ Giao Chỉ - thường được xem là tên đầu tiên được các tư liệu Trung Quốc dùng để gọi người Việt Nam - chỉ xuất hiện sau này, sớm nhất là vào năm 207 TCN, khi Triệu Đà thành lập quận đầu tiên của Giao Chỉ. Chúng ta cũng cần lưu ý là tên của vương quốc Việt Nam thứ hai, Âu Lạc, được hình thành từ hai chữ đầu tiên của tên gọi các tổ tiên trong truyền thuyết, Lạc và Âu; tên gọi này, như chúng ta sẽ thấy sau này, cũng tượng trưng cho sự thống nhất giữa người Tây Âu và người Lạc Việt dưới triều An Dương Vương. Đối với một số tác giả, Hùng Vương, trong thực tế, chính là Lạc Vương; Hùng có thể là chữ Lạc bị viết sai, vì hai tượng hình văn tự này na ná giống nhau.

Nhiều nét của nền văn minh nguyên thuỷ còn được gặp lại ngày nay nơi một số dân tộc khác ở Việt Nam. Người Mường có một truyền thuyết tương tự với truyền thuyết về Lạc Long Quân và Âu Cơ: theo truyền thuyết của người Mường thì chính là hai con chim đã đẻ ra một trăm trứng và một trăm người con đã nở ra từ một trăm trứng này; một nửa tới sống ở đồng bằng; nửa kia lên núi. Không một dân tộc nào khác ở Việt Nam có truyền thuyết tương tự, điều này cho thấy mối quan hệ họ hàng rất gần giữa người Việt và người Mường: người Mường gọi các tù trưởng của họ là quan lang, đây chính là tước hiệu của con trai các vua Hùng.


Và, vì trống đồng “cai trị” đất Man di bằng cách ban sự sống cho đất, những kẻ xâm lược người Trung Quốc, Mã Viện và Gia Cát Lượng, đã đem chôn trống trong lòng đất để khuất phục chính những người Man. Như vậy, họ khuất phục các thần linh của các xứ bị xâm chiếm, những con rồng của nguồn nước ngầm, loài giao được đồng hoá với người Man ở phía Nam.

Trống đồng được sử dụng trong một thời gian dài. Toàn thư kể là vào giữa thế kỉ 15, vua Lê Nhân Tông cho cử hành tại Lam Sơn một nghi lễ dâng kính tổ tiên. Sau khi tế sát bốn con trâu, tiếng trống đồng vang lên. Trong khi binh lính hò reo hưởng ứng thì các quan văn võ thực hiện các điệu múa quý tộc.


Các truyền thuyết khẳng định rằng dân tộc Việt ra đời từ sự kết hợp giữa một người nam thuộc dòng dõi Tiên với một người con gái của Rồng. Nhưng Tiên thì lại ở núi, trong khi đó Rồng vốn là thuộc họ cá sấu là một mãnh thú dưới nước.

Hai biểu tượng của tính nhị nguyên này, rồng và diệc, vốn có thể là những vật tổ của hai nhóm dân Lạc Việt và Âu Việt, thường xuất hiện bên nhau trên trống đồng và rìu của nền văn minh Đông Sơn.


Việt Nam, từ 111 TCN đến 939, thuộc đế chế Trung Hoa và bị Hán hoá dần dần. Trong thời kỳ Việt Nam bị Triệu Đà cai trị, ảnh hưởng của Trung Quốc gần như không đáng kể, vì đây là một thứ quyền tôn chủ lỏng lẻo. Bản thân Triệu Đà cũng chẳng nhận được gì nhiều từ phương Bắc. Như chúng ta đã biết, phía Bắc cấm đưa xuống phía Nam các nông cụ bằng kim loại, ngựa, bò và cừu. Việc cấm đoán này còn được tiếp tục duy trì vào thế kỷ đầu của thời kỳ nhà Hán chiếm đóng vốn còn duy trì các thể chế địa phương và chỉ đòi hỏi cống nạp định kỳ.

Vào buổi đầu Công nguyên, các làn sóng di dân và việc mở rộng nền cai trị của Trung Quốc đã dẫn đến nhu cầu phải đẩy mạnh việc khai thác kinh tế và chiêu mộ quan chức địa phương: các thái thú phổ biến việc sử dụng cày bằng sắt và Nho giáo. Chính sách này đã đụng chạm đến uy quyền của hàng quý tộc Âu Lạc, do đó dẫn đến cuộc khởi binh lớn của Hai Bà Trưng được toàn bộ người dân châu thổ, nạn nhân của sự bóc lột và đàn áp của người Trung Quốc, hưởng ứng.

Các cuộc cải tổ do Mã Viện thực hiện, sau khi dẹp xong cuộc nổi dậy, đã mở ra một giai đoạn mới trong lịch sử Việt Nam. Trung Quốc thiết lập nền cai trị thường trực, cho đào kênh, làm đường, mở cửa Giao Châu cho thương mại quốc tế; tất cả các công việc này làm kinh tế và văn hoá phát triển. Thành phần được hưởng lợi từ sự phát triển này là tầng lớp quý tộc mới, có nguồn gốc từ chế độ phong kiến Lạc hầu cũ, xen lẫn vào đám quan chức và các lệ nông người Hoa tới định cư từ trước và đã được Việt hoá dần dần.

Các thủ lĩnh sau này của Việt Nam độc lập xuất thân từ tầng lớp quý tộc này. Cuộc nổi dậy của Lý Bôn, việc ông tự xưng hoàng đế vào năm 544 và thiết lập nước Vạn Xuân, cho thấy ý thức dân tộc đã hình thành qua các cuộc đấu tranh chống lại người Trung Quốc và những người láng giềng phía Nam; ý thức này sẽ ngày càng mạnh mẽ trong các thế kỷ kế tiếp.


Nam Việt, sau khi bị chiếm đóng, được chia thành 7 quận: Nam Hải, Thương Ngô, Uất Lâm, Hợp Phố, Giao Chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam. Tổ chức của các quận nhằm đáp ứng các nhu cầu chiến lược và chính trị. Việc thành lập một nước Nam Việt độc lập đã có thể thực hiện được là do Triệu Đà đã có thể làm chủ một cách tuyệt đối vùng Ngũ Lĩnh. Người Hán cũng không gộp mỗi con đường này vào một quận phía nam, mà vào một quận gồm chủ yếu người Trung Quốc, bởi vậy các quận này sẽ được mở rộng xuống phía Nam. Biện pháp khôn khéo này khiến cho công việc khai thác của họ trở nên dễ dàng hơn rất nhiều, và trong khi ngăn chặn mọi mưu toan ly khai của các vùng đất của người Việt, cũng khiến cho công việc Hán hoá những người dân ở đây diễn ra nhanh hơn.

Bốn quận đầu gần tương đương với hai tỉnh Quảng Đông và Quảng Tây, ba quận cuối tương đương với nửa phía bắc của nước Việt Nam ngày nay. Quận Giao Chỉ phủ khắp đất Bắc Bộ và vượt quả cả ranh giới phía bắc, Cửu Chân là đất Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, và cuối cùng, quận Nhật Nam trải dài từ Hoành Sơn tới đèo Hải Vân. Toàn bộ gồm có 215,448 hộ, tức 1,372,290 dân.


An Nam trước đây, chỉ bị cọi là vùng đất bảo hộ và vẫn duy trì được các thể chế cùng tập tục của mình, nay đã trở thành một tỉnh thực thụ của Trung Quốc. Sở dĩ An Nam, sau khi được giải phóng, đã có thể chống trả trong nhiều thế kỷ quyền lực của Trung Quốc, trong khi tất cả các nước láng giềng, Dạ Lang, Điền, Nam Chiếu, đều dần dần sụp đổ, ấy là vì An Nam là quốc gia duy nhất trong số này đã chịu sự cai trị của Trung Quốc liên tục trong nhiều thế kỷ. Nền cai trị này đã phá bỏ các thể chế có tính cục bộ, các tập hợp có tính địa phương, và đưa vào các tư tưởng và hình thái xã hội Trung Quốc, do đó, đem lại cho An Nam sự cố kết và sức mạnh mà các nước láng giềng không hề có. Kẻ xâm lược, trong khi phá đổ các thể chế chính trị cũ của Đông KInh, đã vĩnh viễn đẩy đất nước này vào quỹ đạo của nền văn minh Trung Quốc, và qua đó bắt đầu đem lại cho đất nước này cái khung vững chắc giúp nó đóng vai trò hàng đầu trong lịch sử của miền Đông Đông Dương từ thế kỉ X.


Giáo huấn của Khổng Tử vốn không nhằm đưa ra điều gì mới mẻ, mà tự xem mình là kho tàng tinh thần của thời Cổ đại, được gói ghém chủ yếu trong bộ Tứ Thư gồm Luận Ngữ, Trung Dung, Đại Học, và Mạnh Tử và sẽ được mọi thế hệ nhà nho học hỏi.

Nho giáo không quá bận tâm tới lĩnh vực siêu nhiên: “Cái mình biết, biết là mình biết; cái mình không biết, biết mình không biết, đó chính là biết vậy.” Triết lý này xuất hiện trước tiên như một nền đạo đức công dân và xã hội, một học thuyết về cai trị và hành động. Lý tưởng Nho giáo là bậc Hiền nhân quân tử. “Đạo học lớn cốt để phát huy đức sáng, đức tốt đẹp con người, đổi mới khiến lòng dân bỏ cũ theo mới, bỏ ác theo thiện, khiến mọi người đạt đến mức độ đạo đức hoàn thiện nhất.

Mọi người, từ Thiên tử đến người thấp hèn nhất, đều phải “tu thân”, nghĩa là phát triển các đức tính nhân, nghĩa nơi mình và giúp đồng loại tu thân. Việc hoàn thiện hoá bản thân đặt nền tảng trên sự hiểu biết về bản chất sự vật và về chính mình. Hiền nhân biết sống theo lý trí sẽ có thể nhờ đó mà tề gia và trị quốc. Thành công của một ông vua chứng thực người đã nhận được “thiên mệnh”, bởi vì, do cái Đức của người, do hiệu lực của Lễ và “Chính danh”, nhà vua tạo nên sự hài hoà giữa con người và vũ trụ, giữa Trời và Đất.

Thực vậy, lễ nghi nhằm đặt mỗi người ở trong vị trí của mình: vua phải hành xử như vua, cha hành xử như cha, con hành xử như con. Đây là điều sẽ dẫn đến chủ nghĩa quy phạm, sự vâng lời, phục tùng người trên và người có tuổi; như vậy, trật tự sẽ được duy trì.

Mạnh Tử đại diện cho khía cạnh duy tâm của học thuyết. Chính ông là tác giả của câu nói nổi tiếng: “Nhân chi sơ tính bản thiện”. Nhưng bản chất ấy chỉ thăng hoa trong một môi trường xã hội thuận lợi. Do đó, bổn phận của vua là lo cải thiện các điều kiện chung của cuộc sống, phổ biến giáo dục và học vấn. Nhà nước có đứng vững được, hoàn toàn là do có sự đồng thuận của nhân dân. Do đó, khi nhà vua lỗi bổn phận của mình, Trời sẽ rút lại mệnh của vua và nhân dân thể hiện quyền trỗi dậy.


Ngược lại với Nho giáo, Đạo giáo biểu lộ một thái độ huyền bí và phi chính phủ đối với việc tìm kiếm hạnh phúc cá nhân. Đạo giáo, bắt nguồn từ tình trạng của tín ngưỡng ma thuật nguyên thuỷ, có thể đã do Lão Tử, tác giả của bộ Đạo đức kinh nổi tiếng, thiết lập.

Đạo, chính là bản thể vũ trụ nguyên thuỷ, là Một từ đó sinh ra hai nguyên lý tiêu cực và tích cực, tính nữ và tính nam. Sự luân phiên không dứt của hai nguyên lý này chi phối thế giới và mọi thực thể vốn biến đổi và trở về với Đạo. Nếp cuốn vũ trụ diễn ra như vậy. Và Đạo thì bất động, tuy nhiên chẳng có gì lại không do Đạo mà ra. Cũng vậy, việc tu luyện khổ hạnh, suy niệm giữa thiên nhiên, bất động, nói tóm lại, vô vi, cộng thêm cả một phương pháp thở, chay tịnh hay tịnh giới, sẽ dẫn hiền nhân tới một thứ xuất thần trong đó hiền nhân tự giải thoát mình khỏi hiện tại và quá khứ để hoà mình vào vũ trụ.

Bởi vậy cốt lõi của học thuyết là sự không can thiệp của con người và do đó của nhà nước. Phải theo Thiên nhiên và để Thiên nhiên hoạt động: “Ta chẳng làm gì cả, và người dân tự cải hoá” (“Ngã vô vi nhi dân tự hoá”); tránh các quy định của chính quyền: “Pháp luật càng nhiều điều cấm, càng sinh nhiều trộm cướp”. Việc học hành không cần thiết, bởi cách biết duy nhất là trực giác, sự thông hiệp với thế giới.


Sau bảy năm đi đây đi đó và tìm kiếm, ngài nhận ra rằng lối tu khổ hạnh không đem lại hiệu quả, và dưới cây bồ đề, ở Gaya, ngài ngộ tính Phật; ngài thành Phật, hiểu được quy luật của sự đau khổ phổ quát. Nỗi đau khổ này gắn liền với cuộc sống và còn bị nhân lên gấp bội bởi sự luân hồi. Làm sao thoát khỏi? Tự vẫn chỉ dẫn đến hậu quả là làm người ta gắn chặt hơn nữa vào chuỗi các nguyên nhân. Vậy cần phải đi tới chỗ dập tắt lòng ham muốn vốn là động cơ đích thực của thế gian, bởi “kẻ diệt được các khao khát sinh tồn khốn khổ này sẽ thấy các đớn đau rơi rụng khỏi họ như những giọt nước từ cánh hoa sen.” Con đường dẫn đến Niết bàn (Nirvana) có tám chi (Bát Chính Đạo) là chính kiến, chính tư duy, chính ngữ, chính nghiệp, chính mạng, chính tinh tấn, chính niệm và chính định.

Vào khoảng đầu Công nguyên, Phật giáo nguyên thuỷ đã tự tách ra thành hai tông phái lớn, Hinayana hay Tiểu thừa và Mahayana hay Đại thừa. Nếu cả hai dòng cùng rao truyền giáo lý của Đức Phật, thì dòng thứ nhất có tính thực chứng và bất khả tri hơn, chú trọng vào việc tìm kiếm sự giải thoát cá nhân, trong khi đó, dòng thứ hai lại mong muốn giải thoát mọi sinh linh để các sinh linh trở thành những Buddha trong thế gian này và trong các thế giới khác, “đông đảo như cát sông Hằng.”


Nếu nhà vua có chấp nhận được phong làm “An Nam quốc vương”, thì đối với thần dân của mình và đối với tất cả các nước khác ngoài Trung Quốc, nhà vua vẫn xưng mình là hoàng đế, vị hoàng đế trong vương quốc của mình mà ngài sẽ gọi là Đại Cồ Việt (968), Đại Việt (1054), Việt Nam (1804), Đại Nam (1828) chứ không phải An Nam. Cũng vậy, việc triều cống theo định kỳ, một biểu hiện khác nữa của tính chất chư hầu, cũng không hề diễn tả, như người ta viết, “sự đồng nhất quyền lợi mạnh mẽ giữa các nhà lãnh đạo phong kiến của Việt Nam và của Trung Quốc”. Việc triều cống này cũng là một nghi thức có tính xã hội - chính trị, một “cuộc chơi” đặt nền tảng trên các nghĩa vụ cho, nhận và trao lại: bởi vì khi nhận vàng, ngà voi, hương trầm, quế, ngọc trai và các phẩm vật quý giá khác của chư hầu gửi đến, hoàng đế cũng buộc phải đáp lại bằng những tặng phẩm còn xa hoa hơn nữa.

Bởi vì nhà vua nắm quyền hành trong tay không phải từ hoàng đế, mà là từ “thiên mệnh”, nghĩa là, rốt cuộc, từ sự đồng thuận của dân, nên nhà vua Việt Nam khẳng định một cách mạnh mẽ sự độc lập của mình và đất nước của nhà vua cũng tự khẳng định mình là một Quốc gia, “phương Nam”, cũng “văn hiến”, nhưng khác với Trung Quốc, “phương Bắc”.


Vào đầu triều nhà Lý, Chămpa trải dài từ Hoành Sơn đến Bình Thuận ngày nay. Từ năm 1000, Chămpa đặt kinh đô ở Vijaya, phía bắc Bình Định. Hai châu phía nam Đại Việt, là Hoan và Diễn, luôn bị các tên cướp biển người Chăm tới quậy phá mặc dù Chămpa nhìn nhận quyền bá chủ của Thăng Long và vào năm 1011 đã triều cống một con sư tử. Năm 1044, Thái Tông quyết định tổ chức một cuộc hành quân trừng phạt. Đạo quân đổ bộ lên vùng ngoại ô Huế và đánh bại quân Chăm ngay ở trận đầu tiên: vua Sạ Đẩu tử trận; ba mươi con voi và năm nghìn người bị bắt. Thái Tông tiến quân tới tận Vijaya và tấn công kinh đô này: hoàng hậu Mị Ê và nhiều nữ nhạc công rơi vào tay nhà vua. Trên đường trở về kinh, khi đoàn thuyền ngược sông Đáy tới Lý Nhân, nhà vua cho đòi hoàng hậu Mị Ê sang thuyền mình. Mị Ê, để bảo vệ danh dự, đã lấy chăn quấn quanh người và gieo mình xuống dòng sông.


Trần Thái Tông khi lên ngôi mới khoảng tám tuổi. Mặc dù Lý Huệ Tông đã xuất gia ở chùa, nhưng người ta vẫn sợ nhà Lý lật ngược thế cờ. Được đặt làm Thái sư, Trần Thủ Độ ra sức củng cố cơ nghiệp chẳng chút e dè đắn đo.

Một hôm, Thủ Độ quan sát nhà vua thoái vị nhổ cỏ trong sân chùa và nói: “Khi nhổ cỏ, phải nhổ tận rễ cái.” Huệ Tông đứng dậy phủi tay và nói: “Ta đã hiểu ý ông muốn nói gì.” Ít ngày sau, Huệ Tông được triệu vào triều. Ông đã hiểu được ý nghĩa của việc mời này: thay vì chết trong tay kẻ thù, ông treo cổ chết tại phòng mình.

Lễ tế tiên tổ nhà Lý năm 1232 tạo cho Thủ Độ cơ hội để khử nốt các tôn thất nhà Lý. Khi những người này bước vào miếu thờ, thì nền nhà sụp xuống vì ở dưới người ta đào hầm sẵn. Tất cả đều bị chôn sống. Lệnh bắt mọi người trong nước mang họ Lý đều phải đổi là họ Nguyễn cả, để các thế hệ sau chẳng còn nhắc đến họ Lý nữa, đồng thời người dân cũng mất hẳn mọi hy vọng ở sự trở lại của họ Lý.


Sự độc ác của Trần Thủ Độ “vượt mọi giới hạn của luật tự nhiên”, tuy nhiên, ông lại cũng là người kiến tạo đích thực của sự nghiệp lớn lao của nhà Trần. Chính ông đã bình định được đất nước bị không biết bao nhiêu rối ren từ khi nhà Lý suy thoái gây nên tàn phá và dựng lại một chính quyền và một quân đội có đủ sức mạnh và kết cố giúp Đại Việt đẩy lui được các cuộc xâm lược của Mông Cổ.


Sử gia Ngô Sĩ Liên cho rằng sở dĩ có sự liên tục trong đường lối cai trị của nhà Trần là do nhà Trần đã tạo lệ vua truyền ngôi cho người kế vị khi mình còn sống: nhờ đó, người mới lên ngôi sẽ được giúp làm quen với công việc cai trị; nhưng các quyết định quan trọng nhất vẫn nằm trong tay “nhà vua đã rút lui”, (Thái thượng hoàng); ngoài ra còn có thể tránh được mọi lý do tạo sự rối ren khi một nhà vua băng hà.


Giáo thuyết của thiền vẫn biến dạng dần dần dưới ảnh hưởng của Đạo giáo và Phật giáo Tây tạng (Lạt Ma giáo). Chúng ta đã thấy là ngay từ thời Lý, ma thuật và pháp thuật đã bắt đầu xâm nhập các nghi lễ thực hành Phật giáo. Từ khi lên nắm chính quyền, người Mông Cổ dựa trên Phật giáo và Đạo giáo để chống lại chủ nghĩa chính thống của các nhà nho. Phật giáo Tây Tạng, được người Tây Tạng du nhập vào triều đình Trung Quốc, đã truyền sang Đại Việt và phá hoại tính tinh truyền của đạo. Bởi vậy, các nhà nho với ảnh hưởng càng ngày càng lớn đã không ngừng tấn công dữ dội chống lại Phật giáo bị coi như phản xã hội và phản dân sự, chống lại sự giàu có của các chùa chiền.

Trong Đại Việt sử ký, Lê Văn Hưu phê phán người sáng lập triều đại Lý vì trước cả khi lập Thái miếu, đã xây dựng tám chùa ở Cổ Pháp, trùng tu các chùa ở tỉnh, cấp chứng tăng sĩ cho cả nghìn người: “Tốn của tốn tài là dường nào!”

Cuối thế kỉ 14, Phật giáo đang trên đà tan rã phải nhường bước cho Nho giáo. Nho giáo sẽ sớm chế ngự một cách đoan quyết tư tưởng và phong tục cho tới lúc phương Tây ồ ạt xuất hiện vào thế kỉ 19.


Nếu đạo Phật, như tất cả các đạo khác, có thể góp phần vào việc duy trì trật tự hiện hành, thì tôn giáo này lại chỉ có một ảnh hưởng hạn chế đối với tổ chức chính trị và xã hội, bởi vì đạo Phật nghiêng về tụng niệm nhiều hơn là hành động. Nho giáo, ngược lại, đã cung cấp một chất keo vững chắc cho vương quyền, cho sự cố kết của dân tộc, và đảm nhận công việc đào tạo nhân sự liên tục cho nhà nước. Ưu thế của triết thuyết này đối với triết thuyết kia sẽ nổ ra một khi giáo dục phát triển làm chùa chiền mất đi đặc quyền về văn hoá. Thực vậy, chính trị tập trung, nhiệm vụ và thể chế trở nên đa dạng, dân số gia tăng, tất cả đòi hỏi phải củng cố không ngừng nền hành chính và dẫn đến nhu cầu gia tăng số công chức. Việc tuyển mộ quan chức qua hệ thống thi cử sẽ thích hợp hơn là qua việc tiến cử hay giới thiệu của các nhà sư. Hệ thống thi cử phát triển tạo thuận lợi cho sự mở rộng giáo dục Nho giáo và bộ máy bàn giấy của các nho sĩ.

Nhà Trần đã mở 7 khoa thi văn trong vòng 75 năm (trong khi chỉ có 7 khoa thi trong vòng 216 năm dưới nhà Lý). Các khoa thi này giúp tuyển mộ không chỉ các quan chức nhà nước mà cả các tu sĩ Phật giáo và Đạo giáo (các kỳ thi gọi là “tam giáo”). Nhiều ngôi trường mới được mở tại kinh đô: Quốc học viện vào 1253 để dạy Tứ Thư và Ngũ Kinh và các trường tư như trường Chu Văn An.

Chỉ tới 1304, dưới thời vua Anh Tông mới có chương trình cho các khoa thi. Chương trình này gồm 4 bài thi thí sinh phải đậu từng bài mới có thể thi tiếp: 1. Viết một bản văn vốn phải học thuộc lòng (ám tả); 2. Bình giải Tứ Thư, làm một bài thơ và một bài phú (kinh nghĩa, thơ, phú); 3. Soạn một bài chiếu, chế, biểu; 4. Luận về một vấn đề được đưa ra (văn sách) để đánh giá khả năng của thí sinh.

Nhờ các biện pháp này, nền giáo dục thế tục không ngừng tạo nên sự tiến bộ và đồng thời mở rộng ảnh hưởng của Nho giáo. Vua và đại thần đều thấm nhuần văn hoá Trung Quốc.


Tuồng và chèo cũng ra đời vào thời Trần. Tuồng do một người Trung Quốc tên là Lý Nguyên Cát đem vào. Người này bị bắt làm tù binh trong chiến tranh với Mông Cổ. Đây là một diễn viên chuyên nghiệp đã cùng với gánh hát đi theo quân đội để giải khuây cho binh sĩ. Người này dạy người Việt Nam tuồng cổ điển Trung Quốc. Tuồng được giới quý tộc ưa thích đến độ họ yêu cầu người này thành lập một nhóm người Việt và tổ chức các buổi trình diễn trong cung của họ, nơi dân chúng có thể vào xem. Lúc đầu, đều là tuồng Trung Quốc, kế đó, tuồng được dịch ra để người dân có thể hiểu được. Ảnh hưởng Trung Quốc khá lớn trong cách diễn, chủ đề và lời thoại.

Chèo có tính chất bình dân hơn. Theo giả thuyết ban đầu, nguồn gốc của chèo là các bài ca tang tế. Trong các đám tang nhà vua, dân chúng chen chúc nhau ở các ngã ba đường đến độ khó tạo được một lối đi cho đám tang. Bởi vậy, người ta nghĩ ra cách cho lính đi theo đám tang hát để báo trước cho đám đông biết mà tránh đường. Các bài ca này được con hát bắt chước khi tới các nhà có đám tang. Họ hát các bài ca này, kèm theo điệu bộ, có trống, có kèn phụ hoạ. Rồi các bài ca này biến thành các bài “hát cửa đình.” Khi làng có lễ, con hát kéo tới, vẽ mặt, rồi hát và múa trước đình để lễ thần linh. Và cuối cùng, chèo ra đời từ các cuộc trình diễn này.

Theo một giả thuyết khác, chèo có xuất xứ từ tuồng. Nếu chèo không có nguồn gốc thực sự dân gian thì chắc chắn cũng phải do các nho sĩ sống trong dân sáng tác ra. Có cảm hứng từ tuồng, nhưng đề tài lại được lấy từ lịch sử và đời sống Việt Nam, từ thần thoại và truyện kể. Do đó, trong chèo có các câu tục ngữ, cách ngôn và bài hát dân gian chen vào. Dù sao, chèo cũng chỉ thực sự có tính sân khấu vào nửa sau thế kỷ 18.


Vấn đề hai châu Ô và Rí đã gây nên các cuộc chiến tranh triền miên giữa hai nước láng giềng. Và giữa thế kỉ 14, Đại Việt suy thoái khiến Chămpa gia tăng các vụ xâm nhập vào các tỉnh phía nam và vùng biển Việt Nam, đặc biệt là trên con đường Vân Đồn vốn đã phát triển về mặt thương mại và là nơi tàu bè từ Trung Quốc, Java và bán đảo Mã Lai tới bỏ neo. Vua Chế Bồng Nga nổi tiếng của Chămpa, lên ngôi năm 1360, tìm cách lấy lại tất cả các tỉnh đã mất. Cuộc phiêu lưu của Chế Bồng Nga tuy có dẫn đến chiến thắng nhưng chiến thắng lại không kéo dài được lâu, bởi lẽ sự dũng mãnh của một anh hùng không thể thắng nổi môi trường kinh tế và trước hết sự gia tăng dân số của Đại Việt.

Chế Bồng Nga, từ 1361 trở đi, đã tổ chức gần như hằng năm các cuộc xâm nhập thành công vào Đại Việt. Sự suy thoái của nhà Trần đã tới độ Chế Bồng Nga có thể ngược sông Hồng vào năm 1371, tiến vào kinh đô đốt các cung điện và cướp các kho báu sau khi đẩy lui các đội quân được phái tới để chặn đường. Năm 1377, đích thân vua nhà Trần cầm đầu một đạo quân chinh phạt Vijaya, nhưng đạo quân này bị đánh tan và nhà vua tử trận. Chỉ đến năm 1389, trong một cuộc tấn công mới vào châu thổ, Chế Bồng Nga đã bị phản và bị bắn chết. Chămpa mất hẳn các tỉnh phía bắc đèo Hải Vân.

Tuy nhiên, con đường xuống dốc của họ Trần không gì kìm lại được.


Cấp bách nhất là vấn đề tài chính. Suốt ba mươi năm chinh chiến chống Chămpa với những cuộc chiến tranh diễn ra hầu như hàng năm đã làm Kho bạc trống rỗng. Cùng với tình hình bất ổn, việc tích luỹ đã có những tỷ lệ đáng lo ngại. Chính hoàng tộc cũng đã tìm cách chôn dấu của cải của mình trong núi Thiên Kiện vào đúng lúc mối đe doạ của người Chăm lên cao nhất, lức là vào năm 1379. Ngân sách thiếu hụt làm nền hành chính không tiến triển được. Thương mại gặp cản trở vì tiền tệ hiếm hoi. Bởi vậy, vào năm 1396, Hồ Quý Ly cho phát hành tiền giấy Thông Bảo hội sao, có hình vẽ khác nhau tuỳ theo giá trị: tờ 10 đồng vẽ rong, 30 đồng vẽ sóng, 1 tiền vẽ mây, 2 tiền vẽ rùa, 3 tiền vẽ lân, 5 tiền vẽ phượng, 1 quan vẽ rồng. Tỷ giá cưỡng chế được thiết lập. Một khi các tờ bạc đã có dấu chứng nhận chính thức, dân chúng được lệnh tới kho bạc nhà nước đổi tiền bằng kim loại lấy tiền giấy theo tỉ lệ 1 quan tiền kim loại lấy 1 quan hai tiền giấy. Việc đổi tiền có tính bắt buộc vì có lệnh cấm sử dụng và cất giữ tiền bằng kim loại. Kẻ vi phạm sẽ phải chịu cùng hình phạt dành cho kẻ làm tiền giả, nghĩa là tử hình và tịch thu tài sản sung quỹ nhà nước. Hành động này nhằm hai mục đích: tạo phương tiện chi trả và gom kim loại để đúc súng.


Các chính sử có những khuyết điểm của tất cả các bộ sử chính thống. Các bộ sử này chỉ quan tâm tới các sự kiện, những hành động anh hùng của các ông hoàng và triều đình, thậm chí đến cả những chi tiết nhỏ nhất; ngược lại, chẳng màng gì tới đời sống của nhân dân, và chỉ đưa ra một hình ảnh rời rạc nếu không nói là chẳng cho biết gì về biến chuyển kinh tế và xã hội cũng như phong tục tập quán và tín ngưỡng của quần chúng. Mặt khác, óc thiên vị, hay sự vâng phục nhà cầm quyền nhiều khi dẫn các nhà viết sử tới chỗ thổi phồng tầm quan trọng của một triều đại hay làm sai lệch ý nghĩa và tầm vóc của triều đại đi trước, đôi khi bị xem như “tiếm quyền.” Chẳng hạn thái độ của nhà Nguyễn với nhà Tây Sơn vốn chỉ được phục hồi hơn một thế kỉ sau khi sụp đổ và vào thời suy thoái của chính những kẻ đã chiến thắng.

Vì những lỗ hổng và những nguy hiểm mà việc giải thích có thể gặp, cần phải bổ sung các biên niên chính sử này bằng việc nghiên cứu các công trình của nhà viết sử không chính thức, tức các dã sử.

Một nguồn tư liệu quan trọng chưa được khai thác nhiều, đó là các loại bi ký. Các loại văn bia tại các đền chùa, miếu hay trên mộ, những tấm bia do nhà vua cho dựng lên để ca ngợi chiến công của vua hay những danh lam thắng cảnh đã đi qua.


Một mai một cuốc một cần câu
Thơ thẩn dù ai vui thú nào
Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ
Người khôn người tìm đến chốn lao xao
Thu ăn măng trúc đông ăn giá
Xuân tắm hồ sen hạ tắm ao
Rượu đến gốc cây ta sẽ nhấp
Nhìn xem phú quý tựa chiêm bao.


Thuế khoá xứ Thuận Hoá, pháp lệnh rất phiền, nhân viên thu thuế rất nhiều, nên dân cùng nhà nghèo thường khổ về nộp gấp bội, mà trong thì ty lại, ngoài thì quan bản đường, bớt xén không thể kiểm soát được.

Ghi nhận này áp dụng đối với Thuận Quảng. Còn Gia Định vốn là vùng đất mới được đặt dưới một chế độ hành chính nhẹ nhàng hơn và họ Nguyễn dành cho tư nhân quyền phát huy óc sáng tạo; chính óc sáng tạo của tư nhân, khi châu thổ sông Mê Kông mở rộng, đã biến diện tích khổng lồ gồm bùn và cây đước thành vựa thóc của Việt Nam.


Một bức thư cầu hoà được gửi tới Bắc Kinh. Như Lê Lợi trước đây, Quang Trung giữ thái độ mềm dẻo của một nước nhỏ trước một nước láng giềng mạnh thế cần phải giữ thể diện. Nhớ lại kinh nghiệm của nhà Minh và đàng khác phải đối phó với các cuộc nổi dậy của các hội kín đang âm mưu chống lại mình ngay tại Trung Quốc, Càn Long nhìn nhận Quang Trung là vua An Nam và mời ngài tới triều đình của mình. Quang Trung đã cử một người giống hệt mình tới triều đình Càn Long năm sau đó (1790). Người này được tiếp đón một cách long trọng tại nơi ở của hoàng đế ở Je-hol Nhiệt Hà. Về phần Lê Chiêu Thống, ông này qua đời tại Bắc Kinh năm 1793. Tro của ông được đưa về Việt Nam năm 1804 và chôn ở Thanh Hoá, quê hương của tổ tiên ông.


Nhưng nhà Tây Sơn, một khi nắm được chính quyền, lại đã quên một phần những khát vọng này và thiết lập một triều đại mới không có gì khác với các triều trước, ngoại trừ việc cổ vũ dùng chữ Nôm. Đất nước không những đã không có hoà bình, không được thống nhất mà các cuộc nội chiến vẫn không chấm dứt, ở miền Bắc cũng như ở miền Nam, và lớp người trẻ vẫn tiếp tục là nạn nhân của chiến cuộc.

Cơ cấu xã hội không có gì thay đổi. Tầng lớp thống trị cũ tuy một phần đã bị thay thế bởi những con người mới, nhưng quần chúng thì vẫn thấy thân phận của mình chẳng khá lên được. Quang Trung đã không thể loại trừ nạn tham nhũng và sách nhiễu từ hàng quan lại, bởi lẽ ngài không có thời gian để xây dựng nền móng vững chắc cho chế độ của ngài. Các cuộc kiểm tra năm 1790 tạo cơ hội cho vô số vụ lạm dụng. Nguyễn Thiếp phản ánh tình cảm của người dân Nghệ An khi ông viết cho Quang Trung: “Nhà nước có dư sức mạnh quân sự, nhưng sự chở che của nhà nước lại không phổ biến khắp nơi. Lời ca thán đầy đường…”

Các thương gia từng ủng hộ tài chính cho phong trào, vào buổi đầu, đã có thể loại bỏ sự cạnh tranh của người Hoa tại Hội An và Chợ Lớn, nhưng tình trạng chiến tranh kéo dài, việc Nguyễn Ánh lấy lại miền Nam đã cản trở không ít việc buôn bán và sự phát triển thành giai cấp của họ. Thất vọng, các thương gia này xa dần nhà Tây Sơn, trong khi tầng lớp nho sĩ, lo sợ trước nguy cơ mất hết đặc ân khi chữ Nôm thay thế chữ Hán, vì không hiểu biết ý nghĩa cũng như tầm vóc của việc làm này, bắt đầu chống đối ngầm, như dưới thời Hồ Quý Ly vậy. Vả lại, nhiều người, cho dù được Quang Trung mời mọc, vẫn từ chối phục vụ triều đại mới; một số khác thì chỉ theo ngoài mặt, còn vẫn lòng trung thành với nhà Lê và nhà Nguyễn. Do đó, Tây Sơn mất dần sự ủng hộ của các tầng lớp xã hội quan trọng nhất, triều đại chỉ còn được duy trì bằng uy lực quân sự của Quang Trung. Ngoài những nguyên nhân bên trong này, còn phải kể đến tâm trạng của dân chúng Bắc Hà vẫn xem nhà Lê là triều đại hợp pháp và mối đe doạ của Nguyễn Ánh đang đè nặng ở miền Nam, tại đây, Nguyễn Ánh đã chiếm lại Gia Định từ năm 1788.


Dầu vậy, Chân Lạp vẫn không có được sự bình yên. Người Xiêm và người Việt do các ông hoàng Khmer thuộc bên này, bên kia trong cuộc đụng độ, mời tới, tạo nên các vụ lộn xộn. Người em của Ông Chân là Ông Đôn cầm đầu cuộc kháng chiến với sự giúp đỡ của Xiêm, và tiến hành cuộc chiến tranh du kích chống quân đội Việt Nam. Sau khi Minh Mạng mất, Thiệu Trị bỏ Trấn Tây Thành và rút quân về (1841). Việc chiếm cứ ngắn ngủi vùng đất Chân Lạp này, khá tốn kém về người và của, đã không thành công. Nhưng Thiệu Trị đã ra một quyết định khôn ngoan. Tuy nhiên, để có được hoà bình, Ông Đôn phải tự nhận là chư hầu của hai nước láng giềng và vào năm 1847, được cả hai tấn phong tại kinh đô của mình.


Bị chặn đứng ở Chân Lạp, Xiêm bèn quay sang Mường Lào. Nhưng sự can thiệp tàn bạo của họ đã đẩy các hầu quốc trong trung vực sông Mê Kông ngả về phía Việt Nam.

Xiêm lợi dụng cuộc nổi dậy của Tây Sơn để chiếm Viêng Chăn vào năm 1778. Nhà vua đã phải nhìn nhận vương quyền của Bangkok, P’ra Keo, tượng Phật bằng ngọc lục bảo, vật hộ mệnh của vương quốc, đã bị đem về kinh đô Xiêm, tại đây, tượng này được dân chúng sốt sắng thờ kính.


Tính tự trị của làng khiến cho việc áp dụng luật không thực hiện được. Không như các thời kì trước, từ nay, chính các hương chức, chứ không phải các quan chức, điều khiển việc chia ruộng quân điền và họ điều khiển làm sao để có lợi cho họ nhất. Người nông dân bình thường, người dân, không có tiếng nói ở các cuộc họp. Thường thì họ không biết đến các biện pháp do Huế ban hành; nếu co nhận thấy bất công, họ cũng đành chấp nhận, vì sợ bị trả thù và thấy trước những phí tổn và nguy hiểm của việc thưa kiện lên quan trên. Như vậy, quyền lực không bị kiểm soát của nhiều phe nhóm các hương chức sau bức màn che, trong thực tế, đã biến các luật lệ tốt đẹp nhất thành vô hiệu, nhất là khi các luật lệ này lại không tiên liệu biện pháp kiểm soát việc phân chia đất. Ngay cả khi các phần đất được chia có diện tích bằng nhau — thường thì không phải lúc nào cũng bằng nhau — các hương chức cũng vẫn dành cho mình những thửa ruộng tốt nhất, có thể làm hai mùa trong một năm, trong khi người nghèo phải bằng lòng với những thửa ruộng nằm ở những vùng trũng hay trên đất cát.


Làm chủ cả một vùng, Từ Hải đã có sự suy nghĩ đầy vẻ khinh bỉ khi tướng triều đình khuyến khích ông đầu hàng:

Áo xiêm ràng buộc lấy nhau
Vào luồn ra cúi công hầu mà chi?
Sao bằng riêng một biên thuỳ,
Sức này đã dễ làm gì được nhau?
Chọc trời quấy nước mặc dầu,
Dọc ngang nào biết trên đầu có ai?


Thế thái nhân tình gớm chết thay,
Lạt nồng trông chiếc túi vơi đầy.
Hễ không điều lợi, khôn thành dại,
Đã có đồng tiền, dở cũng hay.


Nhưng triều đình Huế, thờ ơ với diễn tiến của các biến cố thế giới, mặc dù chiến tranh Nha phiến đã nổ ra như hồi còi báo động, do coi thường những tên “man di” và hồ nghi với các kĩ thuật của họ, vẫn tiếp tục duy trì đất nước trong sự cô lập được tô vẽ một cách lộng lẫy.

Ấy là vì giới quan lại, được nuôi dưỡng từ nhiều thế kỉ nay trong tư tưởng Khồng giáo, đã không thể hình dung ra được một nền văn minh nào ngoài văn minh của thế giới Trung Quốc và, do đó, nhắm mắt trước thế giới bên ngoài và trước những tiến bộ to lớn mà thế giới này đã thực hiện được trong lĩnh vực khoa học. Dĩ nhiên, nền giáo dục cũ không thua sút bất cứ nền giáo dục nào trong việc đào tạo con người: nó luôn tạo được những con người có một nền tảng văn hoá tinh tế, những quan toà thanh liêm và những nhà cai trị khéo léo, được thúc đẩy bởi lòng yêu quý đối với nền quân chủ, với dân tộc và chấp nhận hy sinh trong danh dự còn hơn để ngoại bang đô hộ. Nhưng với sự tập trung quyền bính ngày càng cao và sự phát triển của chủ nghĩa quan chức, nền học vấn đã biến dạng và chỉ còn là phương tiện để bước vào quan lộ. Việc tổ chức các khoa thi chỉ là cách thức đảm bảo nhất để nhà nước tuyển mộ quan chức của mình vì qua đó, nhà nước có được một đội ngũ nhân sự được thừa nhận về tính chính thống và lòng trung thành được nhìn nhận.

Thế nhưng hệ thống này lại tỏ ra tai hại chừng nào nó vẫn không mở ra một cánh cửa nào trước cuộc sống thực tiễn. Các bài thi chính giải vẫn là giải thích kinh điển, làm thơ và văn xuôi, soạn chiếu chỉ hay sắc lệnh. Các khoa học vật lý hay tự nhiên không hề có chỗ đứng trong chương trình học và thi này. Và nếu trường thi có đưa ra một đề tài lịch sử, thì vẫn là một tiểu luận về các triều đại xa xưa của thời Thượng cổ bên Trung Quốc được xem như thời hoàng kim của nhân loại. Hầu như tất cả nỗ lực của học viên chỉ nhắm học thuộc lòng Tứ Thư, Ngũ Kinh và các bài giải thích chính thức của trường phái Chu Hy. Cái chủ nghĩa hình thức này cuối cùng đẩy đầu óc người ta vào một khuôn đúc và giết chết mọi ý nghĩ độc lập, kìm giữ Việt Nam cũng như Trung Quốc trong một thứ chủ nghĩa bất động khô cứng.


Nhưng hai phần quan trọng nhất về mặt kinh tế của vùng đất này là các châu thổ sông Hồng và sông Mê Kông lại chỉ được nối với nhau bằng một dải bờ biển hẹp ở Trung Kỳ, rộng chưa tới 80km, bất cứ kẻ địch nào cũng có thể nhanh chóng cắt ngang dải đất này.


Thực ra Việt Nam Quốc Dân Đảng chưa nhận lại được tất cả các thành phần muốn hiến mình cho tổ chức. Nguyễn Thái Học hiểu rằng đảng của ông đã gần như hoàn toàn rơi vào tay mật thám vì đa số các thành viên đều biết nhau và tố giác lẫn nhau. Ông nhận ra tính ưu việt của cấu trúc cộng sản với hệ thống phân cách khép kín và quy tắc giữ bí mật nghiêm ngặt mọi người đều tuân thủ.