Nông Đức Mạnh gặp tôi nói: em biết thân phận em rồi, người dân tộc chỉ có thể làm đến thế.


Phóng viên báo Thanh Niên phỏng vấn: “Thưa, Chủ tịch có phải con của Bác Hồ?” Ông Nông Đức Mạnh lúng túng mấy giây rồi trả lời: “Người Việt Nam ta ai cũng là con cháu Bác Hồ cả”. Cho dù sau đó, ông Mạnh rất tức giận, nhưng đấy là câu trả lời thông minh nhất trong suốt cuộc đời làm chính trị của ông. Từ đó cho đến khi làm Tổng bí thư, ông Mạnh trở thành một người lúc nào cũng “mày râu nhẵn nhụi, áo quần bảnh bao” nhưng ăn nói nhạt nhẽo và có rất ít quyền lực. Ông xuất hiện trên truyền hình ở nhiều địa phương khác nhau với gần như chỉ có một câu nói: “Các đồng chí phải tìm ra thế mạnh của địa phương là nên trồng cây gì và nuôi con gì.”

Người lập hồ sơ để đưa ông Mạnh vào Trung ương, ông Nguyễn Đình Hương, nhận xét: “Tôi cảm thấy rất xấu hổ vì Đảng ta có một Tổng bí thư như vậy, Nông Đức Mạnh chỉ có trình độ ở tầm cán bộ cấp huyện.” Theo ông Phan Văn Khải: “Nhiều lần, đặc biệt là trước Đại hội Đảng lần X, mấy ông cựu cố vấn đề nghị ông nghỉ nhưng ông Mạnh không chịu. Nhân sự thay thế cũng chưa rõ ràng nên các ông ấy cũng không kiên quyết.”


Cuối năm 1997, trước khi rời khỏi chức vụ Tổng bí thư, ông Đỗ Mười đưa ra một danh sách bốn người ra thăm dò nhân sự thay thế mình, ông Lê Khả Phiêu được cao phiếu nhất, Nông Đức Mạnh chỉ được một phiếu, người về nhì là ông Nguyễn Văn An, dù ông An không nằm trong bốn người được ông Đỗ Mười đề cử. Sự xuất hiện quá sớm đã khiến ông An thêm thận trọng.

Ông Nguyễn Văn An thường tìm cớ vắng mặt trong các phiên họp mà Bộ Chính trị bàn bạc nhân sự có liên quan đến mình. Có mặt trong những phiên họp như vậy, nếu được giới thiệu mà từ chối thì không thật lòng, không từ chối thì dễ trở thành mục tiêu của các đợt tấn công chính trị. Ông An biết, sau một nhiệm kỳ trên cương vị trưởng Ban Tổ chức Trung ương, ơn huệ cũng lắm mà oán thán cũng nhiều.

Ông Nguyễn Văn An cho rằng: “Ông Kiệt quan tâm đến vấn đề cán bộ và nhận thức về tôi cũng chậm. Ông Kiệt là một người rất khéo dùng người cho những công trình lớn nhưng ông thường quan tâm đến chính sách, đường lối chứ ít quan tâm đến công tác cán bộ. Ông Kiệt không nâng đỡ những người thân quen, không co cụm trong lợi ích riêng. Có lúc tôi phải nói: anh phải lo nhân sự, chứ chỉ chăm lo đường lối thì lấy ai làm.” Theo ông Nguyễn Văn An: “Công tác nhân sự rất phức tạp, chuẩn bị sai thì hỏng, chuẩn bị đúng mà không đúng lúc cũng không thành. Đảng ta sai lầm về cán bộ rất nhiều. Ngay từ Đại hội VI, chọn ông Nguyễn Văn Linh đã không đúng. Ông ấy không phải là người đổi mới. Ông Linh chọn ông Đỗ Mười cũng không đúng. Ông Mười chọn Lê Khả Phiêu cũng không đúng. Đến khi chọn Nông Đức Mạnh thì sai.”

Về sau, ông Nguyễn Văn An nhận ra vấn đề của Đảng Cộng sản Việt Nam là “lỗi hệ thống.” Nếu như năm 2001, ông không tán thành tranh cử trong Đảng thì năm 2010, ông công khai đề nghị trên báo Vietnamnet: “Công nhận sở hữu tư nhân, bãi bỏ chế động công hữu về tư liệu sản xuất; bãi bỏ chế độ ‘đảng chủ,’ áp dụng tam quyền phân lập; thực hiện dân chủ theo nguyên tắc phải có tranh cử, phải công khai minh bạch.” Nhưng, hệ thống chính trị mà ông đã cả đời phục vụ nhanh chóng dập tắt sự lan toả của đề nghị này. Đại hội XI vẫn diễn ra theo đúng truyền thống: bộ máy cũ sản sinh ra chính nó.


Theo ông Phan Văn Khải: “Thủ tướng Võ Văn Kiệt và tôi muốn sửa Hiến pháp theo hướng trao quyền sở hữu ruộng đất cho nông dân nhưng không thành công, chúng tôi đành phải tìm ra khái niệm 5 quyền cho người sử dụng đất.” 5 quyền mà ông Phan Văn Khải đề cập trên đây được ghi trong Luật đất đai 1993 là một bước tiến so với những gì xác lập trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội mà Đại hội VII thông qua hồi tháng 6-1991. Phó thủ tướng Nguyễn Công Tạn, trưởng Ban Soạn thảo luật đất đai 1993, nói: “Tôi biết trong bụng một số ông muốn cho người dân quyền tư hữu đất đai, nhưng đã vào Bộ Chính Trị là không còn ông nào dám đưa ra chính kiến. Ông Kiệt, ông Khải muốn cho tư nhân sở hữu đất đai mà không dám nói. Tôi cũng muốn cho tư nhân sở hữu đất đai và tuy chỉ là Trung ương uỷ viên, tôi cũng không dám nói.”


Hiến pháp 1992 chỉ giao cho người sử dụng đất “3 quyền”. Thế nhưng, theo ông Tôn Gia Huyên: “Ông Đỗ Mười vẫn cho là mở quá đà. Có những vấn đề Quốc hội định biểu quyết, thậm chí biểu quyết rồi, ông Mười cũng chặn lại. Cứ giờ giải lao là ông Đỗ Mười lại chạy vào phòng Chủ tịch Đoàn có ý kiến.”


Khi Ban soạn thảo đưa ra “quyền thừa kế” ra “xin ý kiến Quốc Hội,” có 318/422 đại biểu biểu quyết đồng ý. Nhưng ngay sau đó, Chủ tịch Quốc hội Lê Quang Đạo cho rằng, đây là vấn đề quan trọng cần phải thận trọng, xin Quốc hội để lại chỉnh lý. Đại biểu Trần Thị Sử, Long An, nó: “Tôi có cảm giác ai đứng sau lưng giật dây Quốc Hội.” Câu hỏi của bà Sửu đã làm cho ông Lê Quang Đạo, lần đầu tiên, mất bình tĩnh. Ông gần như đập mạnh tay xuống bàn: “Ai! Ai đứng sau lưng giật dây Quốc hội! Đây là một vấn đề phức tạp phải cân nhắc chứ không phải ai cả!” Tối 6-4-1992, Đảng đoàn Quốc hội nhóm họp quyết định sẽ đưa “quyền thừa kế của người sử dụng đất” ra bàn lại. Nhiều đại biểu cho rằng “biểu quyết lại là vô nguyên tắc.”

Tất nhiên, ông Lê Quang Đạo đã phát biểu với tư cách một uỷ viên Trung ương. Cũng như chủ tịch, đa số đại biểu Quốc hội đều là đảng viên. Chiều 11-4-1992, khi biểu quyết lại, 302/411 đại biểu đã tán thành không ghi quyền thừa kế sử dụng đất vào điều 18 của Hiến pháp.

Sự thoả hiệp giữa những người muốn coi đất đai là hàng hoá và những người muốn coi đất đai là tư liệu sản xuất đặc trưng của CNXH đã làm biến dạng các chính sách đất đai thời kỳ hậu Hiến pháp.


Hoạ sĩ Phan Kế An gọi những sai lầm đối với văn học nghệ thuật là “Maoist.” Nhà viết kịch Lưu Quang Vũ chỉ trích tình trạng “một người suy nghĩ cho mọi người, một cái đầu tối cao suy nghĩ cho mọi cái đầu.” Ông Vũ nói: “Sự độc đoán về tư tưởng bóp chết sáng tạo, làm khô kiệt văn học và nghệ thuật.” Nhà văn Nguyên Ngọc cho rằng: “Chiến tranh quá dài đã khiến chúng ta nói quá nhiều, quá sâu về Đảng, về nhân dân, về kẻ thù và gần như trong một thời gian rất dài không nói gì với các cháu bé, về cha mẹ, về gia đình… Chiến tranh đã khiến cho cả giáo dục, cả văn học nghệ thuật, thậm chí cả những phạm trù khoa học như sử học, đạo đức học, tâm lý học đều nhất loạt bị đồng nhất với chính trị.” Nhà phê bình Nguyễn Đăng Mạnh ví văn nghệ sĩ như những “con chim bị trói.” Theo ông Mạnh: “Có thời lãnh đạo khinh bỉ sâu sắc văn nghệ sĩ. Mà con người bị coi thường, khinh bỉ thì tự nhiên thấy mình như cũng hèn kém, nhỏ lại.”


Không phải tự nhiên ông Nguyễn Văn Linh chọn báo chí, văn nghệ, thay vì chọn hệ thống tổ chức mà ông đứng đầu để gây ảnh hưởng chính trị cho mình. Ông Linh hiểu mình ở đâu trong bàn cờ Hà Nội. Khi mới được bầu làm Tổng bí thư, ông Nguyễn Văn Linh nói trước Ban Chấp hành Trung ương: “Trước đây, Tổng bí thư thường hơn các đồng chí khác trong Bộ chính trị một cái đầu; nay, chúng tôi chỉ hơn kém nhau sợi tóc.”

Ông Nguyễn Văn Linh mớii được bổ sung vào BCT tháng 6-1985 và được cử làm thường trực Ban bí thư từ tháng 7-1986. Cho đến khi ấy, ông Linh chỉ thực sự có 6 tháng kinh nghiệm xử lý công việc ở tầm quốc gia.


Sau khi thừa nhận những đóng góp của Tin Sáng, ông Võ Văn Kiệt giải thích: “Chúng ta đã xác định kinh tế còn năm thành phần, nhưng văn hoá chỉ có một là văn hoá dân tộc và xã hội chủ nghĩa. Đã đến lúc tất cả những tiếng nói đều phải là tiếng nói yêu nước yêu chủ nghĩa xã hội để chiến đấu và chiến thắng, không có tiếng nói khác được.”


Sau khi đánh giá lại chặng đường gần 20 năm của văn học Việt Nam là khá mờ nhạt, Nguyên Ngọc cho rằng sở dĩ có sự “chậm trễ, thô thiển” kéo dài là do: “Phê bình, lý luận đã dung tục hoá mối quan hệ giữa hiện thực và văn học, tuyệt đối hoá hiện thực, và kết quả là buộc văn học phải khiếp nhược trước hiện thực, người nghệ sĩ phải khiếp nhược trước đời sống. Như vậy thực chất là nó phủ nhận khả năng cải tạo trở lại hiện thực của con người, của văn học. Nó hạ thấp văn học xuống thành một sự sao chép hiện thực, coi giá trị văn học cao nhất là làm sao cố sao chép cho đúng nguyên hiện thực.” Cũng phê phán “chủ nghĩa hiện thực phải đạo,” nhưng Nguyên Ngọc đã vượt qua Nguyễn Minh Châu và Hoàng Ngọc Hiến khi chỉ ra căn nguyên của nền văn học xoay sở dưới trần “thượng tầng kiến trúc” của chủ nghĩa cộng sản.


Tờ Tạp chí Văn nghệ số 1 của Hội Văn nghệ Bình Trị Thiên cũng chỉ vì cái bìa vẽ một nhà ga không có người mà bị đình bản, Ban Bí thư Trung ương can thiệp. Ở một tỉnh Nam bộ, dựng lại hình ảnh Nguyễn Đình Chiểu chiến đấu đến cùng, nhưng không thắng, không cho diễn. Tỉnh uỷ đòi tả Nguyễn Đình Chiểu phải thắng, lúc nào cũng thắng. Vậy Nam Kì Khởi Nghĩa thì sao? Xô Viết Nghệ Tĩnh thì sao? Về quân đội, không được viết ta thua. Nhưng ai đã từng tham gia chiến đầu đều biết ta cũng thua nhiều lắm.


Nguyễn Đình Thi thừa nhận người trí thức có vấn đề khi ở trong chế độ cộng sản. Ông nói: “Bài học cho người trí thức cộng sản thật khó khăn. Ở Trung Quốc, sau 1949, những trí thức lớn không viết được gì: Mao Thuẫn, Ba Kim, Tào Ngu, Quách Mạt Nhược. Chỉ có một người viết được là Lão Xá. Ông là nhà văn có tài nhất Trung Quốc… Nhưng Lão Xá tự tử ở cầu Bắc Hải, nơi ông bảo ông vào nghề văn. Ở chủ nghĩa xã hội có những cái ghê gớm. Chúng ta nhìn lại, thấy mình còn may lắm.”

Ngày thứ ba, Tố Hữu đến. Ông cho rằng, ai không “sáng tác theo phương pháp hiện thực chủ nghĩa,” không “hiểu hiện thực theo quan điểm Marxist” là sai. Năm 1979, nền kinh tế Việt Nam đang ở mức khốn cùng nhưng Tố Hữu yêu cầu các nhà văn phải “nhận ra nhịp đi của lịch sử” để thấy: “Dân tộc ta đang ở khúc chóp đỉnh, chỏm nón của thời đại.” Tố Hữu đã nói về “những bế tắc của xã hội Pháp” bằng “một sự buồn và khinh bỉ.”

Ngay khi leo lên bục phát biểu, Tố Hữu đã nói: “Cái bục này đối với tôi cao quá, đối với anh Nguyên Ngọc thì còn cao hơn. Tôi vừa đi Cao Bằng nơi tôi gặp các nông dân. Đừng đứng ở đây mà phê phán hiện thực. Cuộc sống còn cao cả hơn cả hư cấu.” Theo Nguyên Ngọc, Tố Hữu giận nhất là câu “chủ nghĩa tập thể bầy đàn.” Ông dùng Khổng Tử để nhắc nhở Nguyên Ngọc: “Những người ảo tưởng tưởng mình là nhà chính trị, đồng thời là nhà thơ, nhà tư tưởng lớn là người điên. Ta không phải người điên, phải trang bị cho mình trí tuệ của thời đại, tức trí tuệ của Đảng, trí tuệ của nhân dân.”


Tại đây các sinh viên đã phê phán “giáo viên dạy lý luận chính trị mà dựa vào sách vở như là viện dẫn kinh thánh.” Nhiều sinh viên tuyên bố không thích học chính trị theo cách giảng dạy hiện nay. Một sinh viên năm thứ tư cho rằng: “Tôn trọng thầy không có nghĩa là không có quyền nhận xét thầy dạy dở. Đã đến lúc chất lượng bài giảng, phương pháp giảng dạy, kể cả chất lượng giáo viên chính trị cần phải được đánh giá lại.”


Đến nơi ở của các nhà lãnh đạo khác mới thấy cách đối xử của Erich Honecker với ông Nguyễn Văn Linh. Theo ông Lê Đăng Doanh: trong khi ông Linh chỉ được xếp một phòng đôi lớn hơn phòng các thành viên khác trong đoàn một chút thì chỗ ở của Ceausesscu là một khu vực gồm nhiều phòng. Ông Linh và tuỳ tùng phải đi qua một sảnh lớn nơi có một đội cận vệ 12 người bồng tiểu liên AK báng gập đứng chào. Ceaucesscu đã để ông Linh phải ngồi chờ rất lâu. Ông Linh nói: “Mày liên hệ thế nào mà giờ không thấy nó.” Tôi bảo: “Tính thằng này nó hình thức thế.” Một lúc sau thì Ceausesscu ra, chính ông ta lại là người tỏ ra hăng hái ủng hộ sáng kiến của ông Nguyễn Văn Linh nhất. Ceausesscu thậm chí còn đòi để Rumani đăng cai. Tuy nhiên, cả Ceausesscu và các nhà lãnh đạo cộng sản khác đều nói với ông Linh: “Vấn đề là ông kia, nếu ông ấy không đồng ý thì rất khó.” “Ông kia” đề cập ở đây là Gorbachev.


Tháng 10-1988, hai đảng Dân chủ và Xã hội bị ông Nguyễn Văn Linh giải tán bằng cách yêu cầu hai đảng này tự tuyên bố “kết thúc hoạt động.” Cho dù, ông Linh biết rõ: “Tuy mang danh hiệu là Đảng Xã hội (và Dân chủ) Việt Nam, nhưng đa số các đảng viên (của hai đảng này) đều có mục đích và tôn chỉ hoạt động giống như những người cộng sản” Trên thực tế cả 2 đảng đều được lập ra theo chỉ thị của Hồ Chí Minh nhưng “máu mủ” không phải là điều mà ông Nguyễn Văn Linh tin là có thể đem ra đảm bảo.

Lễ tuyên bố kết thúc hoạt động của các đảng Dân chủ và Xã hội được “tổ chức trọng thể” vào ngày 15-1001988 tại Nhà hat Lớn Hà Nội. Diễn văn “Tổng kết 42 năm hoạt động” của đảng Dân chủ được Tổng thư ký Nguyễn Xiển đọc thừa nhận: “Đến thời kì này, hầu hết đảng viên Đảng Xã hội Việt Nam đã tuổi cao sức yếu”. Cho dù ông Nguyễn Xiển khẳng định “một lòng trung thành với lý tưởng xã hội chủ nghĩa,” khi đọc diễn văn đáp lại, ông Nguyễn Văn Linh vẫn cho rằng: “Các đồng chí đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình.” Sau tuyên bố này của Tổng bí thư, tên tuổi hai đảng không bao giờ còn được nhắc tới nữa.

Giải quyết xong tình trạng “đa đảng”, ông Nguyễn Văn Linh bắt tay xử lý vấn đề “đa nguyên.” Các cuộc đụng độ trên mặt trận này bao gồm cả con người chứ không chỉ đơn thuần lý luận.


Giáo sư Diệu định nghĩa: “Dân chủ là quyền tham gia vào việc tổ chức và quản lý xã hội, thể hiện ở quyền tự do ứng cử và bầu cử, quyền tự do ngôn luận và các quyền tự do khác. Thực tiễn cuộc sống ở đất nước ta cũng như thế giới đang đặt ra những vấn đề to lớn mà không thể tìm ra lời giải đáp hoàn toàn ở bất kỳ một học thuyết nào… Những gì xảy ra trong thế kỉ 20 là điều không thể hình dung với những bộ óc, dù là vĩ đại, của giữa thế kỉ 19.”


Ông Trần Xuân Bách phân tích tình hình Liên Xô và Đông Âu với các sinh viên: “Xu hướng thời đại giờ đây là phải chống độc đoán. Xã hội muốn phát triển thì phải có đấu tranh giữa các mặt đối lập. Muốn có đấu tranh, phải phát huy dân chủ, muốn dân chủ thì phải tôn trọng nhân quyền. Mô hình các nước xã hội chủ nghĩa thực chất là đã không tuân thủ các nguyên tắc này. Hôm nay, chú chỉ nói với các cháu xu hướng của thời đại, của thế giới. Các cháu lớn rồi, tự các cháu suy nghĩ và quyết định.”


Ông Trần Xuân Bách nhắc lại, “chủ nghĩa tư bản hiện đại, có nhiều cái khác với thời Mác.” Ông nói, phải có tư duy khoa học chứ “tụng từng câu Kinh Thánh trong sách Mác không bảo vệ được chủ nghĩa Mác đâu.”


Theo ông Nguyên Sơn, phó Ban tuyên huấn Thành uỷ TPHCM: “Kim Hạnh, TBT báo Tuổi Trẻ, cũng như Thế thanh, TBT báo Phụ Nữ Thành Phố, cùng bị coi là chịu ảnh hưởng của những nhân vật đổi mới cực đoan… nhưng lúc đầu, Thành uỷ thấy có thể quản lý được. Tuy nhiên, loạt bài về Bình Nhưỡng và ‘thư Nguyễn Ái Quốc gửi vợ’ đã chạm đến hai vấn đề thiêng liêng: niềm tin vào lãnh tụ và chủ nghĩa xã hội.”


Theo ông Vũ Mão, chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội: “Anh Nguyễn Văn Linh rất hay ở chỗ, dù không ưa anh Kiệt, anh vẫn đồng ý để Quốc hội bầu chủ tịch Hội đồng Bộ Trưởng với hai ứng cử viên.”

Khi từ chối không tham gia cuộc bầu cử này, ông Võ Văn Kiệt hiểu rất rõ “ý thức chấp hành” của một quốc hội mà dù tỉ lệ đảng viên là bao nhiêu thì tất cả đại biểu đều là người của Đảng. Nhưng, sáu cuộc họp của Ban bí thư, giữa đêm khuya, Chủ tịch Quốc hội Lê Quang Đạo tìm đến nhà ông Kiệt nói: “Ban Bí thư bàn, thấy xưa nay chưa có tiền lệ đưa hai ứng cử viên ra Quốc hội nhưng các đoàn đề nghị gay gắt quá. Đề nghị anh không rút tên.”

Đây là lần đầu tiên kể từ khi ĐCSVN cầm quyền, Quốc hội bầu một chức danh mà có hai ứng cử viên trên lá phiếu. Việc làm này không chỉ mới mẻ với những đảng viên thường mà với cả những người trong cuộc. Theo ông Vũ Mão: “Anh Đỗ Mười nói với tôi: cả tuần nay, mình mất ngủ, không hiểu tại sao trong Đảng ta lại có hai ứng cử viên. Tôi nói: thưa anh, đấy là thành quả của đổi mới.” Chiều 22-6-1988, Quốc hội bỏ phiếu, kết quả: ông Đỗ Mười đắc cử với 296 phiếu; 168 đại biểu bỏ phiếu cho ông Võ Văn Kiệt; một đại biểu bỏ phiếu trắng.

Ông Đỗ Mười nhận chức nhưng rất lo lắng vì ông, ứng cử viên của Đảng, chỉ có được 63% số phiếu bầu thay vì 100% như tiền lệ. Điều ông lo lắng hơn là sự ủng hộ của các địa phương miền Nam.


Bà Bảy Huệ kể: “Lần đầu gặp anh là lúc anh từ Côn Đảo trở về. Lần thứ hai, anh ra đón tôi tại ga xe lửa Sài Gòn sau khi tôi đi dự Kỳ họp Quốc hội khoá đầu tiên ở Hà Nội. Tránh sự dòm ngó của bọn mật thám, tôi đi sau anh một khoảng cách khá xa. Tôi đã thoáng nghĩ về anh: một người đồng chí chín chắn, trầm tĩnh, tự tin. Anh mặc chiếc quần cụt màu đen, áo sơ mi trắng ngắn tay, hai vai đã sờn và có lẽ chiếu áo sờn vai đó đã đi vào lòng tôi. Sau này mới biết anh đã để ý tôi ngay từ buổi đầu gặp mặt và sau một thời gian anh viết thư ngỏ ý thương tôi.” Tổ chức đã tham gia tác thành cuộc hôn nhân này bằng cách điều bà Huệ về Sài Gòn bổ sung vào Thành uỷ.

Không có những cuộc hò hẹn “công viên, ghế đá,” họ chỉ gặp nhau qua những lần hội họp, học nghị quyết. Theo bà Bảy Huệ, trong một cuộc họp như thế ông Linh ngỏ ý muốn gặp riêng bà. Ngay cả trong giây phút riêng tư này, họ cũng hành động như những người đồng chí.

Bà Bảy Huệ kể: “Chúng tôi đứng nói chuyện với nhau trên gác thượng. Nhìn xuống đường thấy mấy người ăn xin lê lết, tôi buột miệng nói với anh: ‘Còn có những người như thế này, mình mới thoát ly già đình đi làm cách mạng’. Biểu thị sự đồng tình, anh nói: ‘Đúng vậy. Lầm than, bất công phải được xoá bỏ. Chúng mình hi sinh, đấu tranh là nhằm giải phóng đất nước, đem lại công bằng hạnh phúc cho dân.’ Anh thường tâm sự: ‘Hai chúng mình thuộc tầng lớp nghèo, đều có trải qua tù tội, thấm thía nỗi đau của riêng mình nằm trong nỗi đau của dân tộc, những điểm giống nhau đó sẽ giúp mình dễ cảm thông nhau, sẽ biết sống và biết hy sinh cho nhau.”


“Tôi nhớ như in, đêm đó mười bốn trăng tròn vạnh, ánh trăng tràn qua cửa sổ vẽ thành những vệt sáng trải dài trên vách. Bên hè, theo từng cơn gió thoảng, những tàu lá chuối đong đưa xào xạc như múa nhảy chan hoà niềm vui hạnh phúc của hai chúng tôi.”

Trong khung cảnh lãng mạn ấy của đêm tân hôn, bà Bảy Huệ viết: “Gà đã gáy sáng mà câu chuyện tâm tình như chưa dứt được. Khi anh nhắc đến nỗi cơ cực của thời thơ ấu, chúng tôi đã không cầm được nước mắt. Trả lời câu tôi hỏi: ‘Nghe nói người cộng sản không biết khóc mà?’ Anh nói: ‘Có chứ! Người cộng sản nếu khác người thường là khác ở chỗ biết lúc nào phải lau nước mắt.’”

Theo bà Bảy Huệ, từ khi lấy nhau cho tới khi có ba mặt con, “chưa bao giờ vợ chồng được sống với nhau quá nửa tháng.” Chia ly và chờ đợi không phải là câu chuyện của riêng vợ chồng ông Nguyễn Văn Linh mà thực sự là một hy sinh lớn lao của những người phụ nữ có chồng theo cộng sản.


Bà Hồ Thị Minh là chủ bút đầu tiên của tờ Phụ Nữ Cứu Quốc Nam Bộ, bà đã từng được cử sang Pháp dự Hội nghị Femmes Francaises. Bà Huệ kể: “Minh biết mấy ngoại ngữ, trẻ trung xinh đẹp. Xứ uỷ có ý định đưa Minh ra miền Bắc giúp việc Bác Hồ. Thời gian ở đại hội, Minh được bố trí nằm ở cuối lán nữ, cách một bức vách nứa đan là lán nam nơi Bác ở. Qua cái vách đó hai người nói chuyện được với nhau khá nhiều.”

Năm ấy ông Hồ Chí Minh đã sáu mươi mốt tuổi. Hồ Thị Minh mới ngoài hai mươi. Theo ông Trần Tấn Nghĩa: “Ở trường, trong các sinh hoạt buổi tối, Vũ Quang hay dạy nhảy Valse. Tôi để ý thấy Kiệt toàn nhảy với Minh. Thỉnh thoảng đi tuần đêm tôi cũng bắt gặp hai người ngồi với nhau ngoài bờ suối.” Năm ấy, ông Võ Văn Kiệt đang là một chàng trai hai mươi chín tuổi, ở nơi thâm sơn đó đã hơn một năm. Bà Hồ Thị Minh dính thai. Ông Nghĩa kể: “Hai đứa không dám nói với ai. Mỗi khi Minh thèm chua tôi lại đi tìm quả nhót cho cô ấy.”


Ông Mười kỹ lưỡng, định làm mai Lê Thị Riêng cho ông Sáu, Lê Thị Riêng chết, làm mai Đỗ Duy Liên thì không thành… Tôi thấy cô bác sĩ làm bên đài cũng có hoàn cảnh thích hợp, lấy cô ấy rồi chuyển ra làm ở “Tổ y tế Một” cũng được. Đùng một cái ổng lấy bà Cầm, ông Mười nói Sáu Dân ẩu, lấy vợ mà không thèm hỏi ai.


Không như các chuyến thăm đến các nước trong “phe xã hội chủ nghĩa” của các lãnh tụ cộng sản trước đây, ông Kiệt thường công du cùng phu nhân, một người phụ nữ trẻ, xuất hiện trước ống kính khá lịch lãm. Hình ảnh đó góp phần làm cho thế giới nhìn thấy một Việt Nam ít cứng rắn hơn. Nhưng, bên trong, nhiều nhà lãnh đạo lão thành lại không vừa ý. Nhất là sau khi có tin đồn, các chuyến chuyên cơ chở bà Cầm đi theo ông Kiệt thường mang rất nhiều hàng hoá.

Người bày tỏ thái độ một cách công khai nhất là ông Nguyễn Văn Linh. Từ khi còn đương chức, trong các chuyến công du, ông Linh đã nổi tiếng khắt khe với cấp dưới. Giai đoạn ông Linh làm Tổng bí thư và giai đoạn ông Kiệt làm thủ tướng, vị thế của Việt Nam trong các mối quan hệ quốc tế rất khác nhau. Hai ông cũng rất khác biệt trong cách tiếp cận với thời cuộc cũng như với kẻ thù và đồng đội.


Tướng Giáp không coi Mậu Thân là chiến thắng vì theo ông: “Lúc đầu mục tiêu đề ra rất cao, tổng công kích, tổng khởi nghĩa, giành trọn vẹn chính quyền về tay nhân dân. Giấy bạc đã được in và được chuyển vào Nam. Đồng phục cho công an vào tiếp quản thành phố cũng đã được chuẩn bị. Đồng chí Đàm Quang Trung ở Quân Khu IV đã chuẩn bị một đoàn xe chở quân và quân trang vào tiếp quản thành phố. Sau này giải thích tổng công kích, tổng khởi nghĩa xảy ra là một quá trình không đúng với thực tế.”


Ông Kiệt kể: “Năm 1987, khi tôi thăm chính thức Malaysia, Thủ tướng Mahathir đã tiếp với thái độ rất giận dữ. Ba lần ông lớn tiếng khẩn thiết đề nghị Việt Nam phải giải quyết dứt điểm vấn đề người tị nạn. Tôi đợi ông dứt lời rồi nói rằng chúng tôi cũng đau lắm. Chúng tối chiến đấu với niềm tin là để giành độc lập. Khi chiến tranh kết thúc, có độc lập, mà người Việt không thể ngồi lại với nhau, người Việt vẫn bỏ nước ra đi, thì nỗi đau ấy còn ghê gớm hơn sự chia rẽ của chiến tranh.”


Tháng 2-1990, khi đến Davos, Thuỵ Sĩ dự Diễn đàn kinh tế Thế giới, ông Kiệt ngạc nhiên thấy sự phồn vinh của một quốc gia phương Tây. Ông thừa nhận, trước đây khi đến Liên Xô và các nước Đông Âu, thấy sự phát triển của họ, ông đã tưởng như đó là ước mơ của mình. Nhưng Thuỵ Sĩ so với Đông Âu hay Liên Xô mà ông biết chỉ là một trời, một vực. Ông hỏi người phiên dịch, bà Tôn Nữ Thị Ninh: “Điều gì giúp họ giàu có thế?” Bà Ninh nói: “Thưa anh, đấy là ân huệ của hoà bình.”


Cho tới năm 1988, một người Việt Nam muốn đi xuất cảnh, phải trải qua một quy trình xin phép: nộp hồ sơ, đơn xin ở xã, phường; đợi xã, phường đưa lên quận, huyện; chờ quận, huyện chuyển lên công an tỉnh, thành; tỉnh, thành chuyển lên Tổng cục An ninh; Tổng cục An ninh phải trình lãnh đạo Bộ. Qua rất nhiều thủ tục và không thể biết rõ mất bao nhiêu thời gian, người ra đi mòn mỏi chờ thủ tục.


Ở Sài Gòn, kể từ năm 1987, hàng loạt cơ sở sản xuất kinh doanh bắt đầu lặng lẽ bung ra, những dịch vụ từng bị coi là “tàn dư của Mỹ-Nguỵ” như vũ trường Maxim, Queenbee, Liberty… cũng được làm ăn trở lại. Liền theo đó, các quán “bia ôm”, “xông hơi, xoa bóp” mà báo chí gọi là “mãi dâm trá hình,” lần lượt mọc lên. Sự hăm hở trở lại làm ăn của người dân đã làm thay đổi bộ mặt đất nước, đồng thời cũng làm xuất hiện những vấn đề mà báo chí gọi là “mặt trái của kinh tế thị trường.” Mặt trái cụ thể nhất mà người dân phải đối diện trong giai đoạn này là những vụ đổ bể tín dụng và huê hụi.

Nền kinh tế lúc ấy vẫn tiếp tục rơi xuống đáy, “giá-lương-tiền” vẫn là “nỗi hoảng sợ hàng ngày” của người dân trong khi Chính phủ chỉ lấy phát hành tiền là giải pháp cứu nền kinh tế. Bất đồng ý kiến vẫn diễn ra gay gắt giữa các chuyên gia chống lạm phát, giữa những người ủng hộ khuynh hướng thị trường và những người sợ hãi trước lạm phát, muốn quay lại thời quan liêu bao cấp.


Sau khi nhận ra không còn có thể trông cậy vào Liên Xô, Việt Nam bắt đầu tìm kiếm sự giúp đỡ từ các nước phương Tây và các tổ chức như ngân hàng Thế giới, Quỹ Tiền tệ Quốc tế. Nhưng, theo ông Trần Xuân Giá: “Cũng không thể học phương Tây vì giải pháp của họ đưa ra không có cách nào thực hiện được. Người Đức đề nghị phải phá giá đồng Việt Nam từ 2.800 đồng/USD xuống còn 20.000 đồng/USD. Giải pháp của Ngân hàng Thế giới cũng đề nghị phá giá tới 16.000 đồng/USD. Để thực hiện theo các phương án này cần có 5 tỉ USD trong khi ngân sách quốc gia gần như trống rỗng.” Tình thế bắt buộc phải tự dựa vào chính bản thân mình.


Ông Đỗ Mười là con người hành động, khi đó ông chưa chú ý lắm tới lý luận. Nhờ thế, ông vượt qua mặc cảm khi chọn một phương án bị chỉ trích là không chủ nghĩa xã hội.


Trong 50 người đầu tiên, có tới 40 vị đại tá. Nhiều vị vừa vô phòng là rút súng đặt cạch lên bàn. Ông Giá cố giữ bình tĩnh: “Tôi mà rơi vào hoàn cảnh các anh thì tôi cũng phải làm gì đó để đòi quyền lợi. Nhưng chúng ta đâu phải kẻ thù mà các anh đưa súng ra. Các anh dùng súng, tôi cũng dùng súng thì giải quyết được gì.”


Tuy giáo viên chưa phải là đối tượng ưu tiên tinh giản biên chế trong giai đoạn này, nhưng kinh tế thị trường đã tác động một cách không cưỡng lại được với ngành giáo dục. Để sống được, hầu hết giáo viên cấp 1 dạy nửa ngày, còn nửa ngày phải làm việc khác để tăng thu nhập. Một đội ngũ rất lớn, giáo viên năng động đã lần lượt bỏ nghề ra kinh doanh hoặc tìm kiếm những công việc có thu nhập tốt hơn trong các ngành khác.


Các giáo viên tiếng Anh trong các trường đại học nhanh chóng kiếm được những công việc có thu nhập cao gấp hàng trăm lần so với lương trong ngành; ngược lại, bộ môn tiếng Nga gần như bị xoá sổ do không còn sinh viên đăng ký học.


Bốn ngành “công nghiệp mũi nhọn” mà xã hội “bung ra” những năm 1978-9 và trong thập niên 80 là: “Vá ép áo mưa rách; Bơm mực ruột bút bi; Tái chế dép nhựa cũ; Lộn cổ áo sơ mi.” Ở miền Bắc, ngành công nghiệp “Tái chế dép nhựa cũ” có nơi được thay bằng “Gia công quy gai xốp.” Có một ngành “công nghiệp” không thể không nói tới là “ngành” nấu xà bông.


Chúng tôi bàn nhau, dứt khoát phải đưa vào văn kiện thuật ngữ “nền kinh tế thị trường” và chấp nhận thêm đuôi “có sự quản lý nhà nước.” Không có nền kinh tế nào lại không có bàn tay nhà nước, nhưng cứ viết ra như thế để những người sợ hãi thị trường yên tâm.


Nhà nước “dân chủ cộng hoà, tất cả quyền bính trong nước là của toàn thể nhân dân Việt Nam, không phân biệt nòi giống, gái trai, giàu nghèo, giai cấp, tôn giáo” theo Hiến pháp 1946 đã được thay thế bằng một nhà nước “dựa trên nền tảng liên minh công nông, do giai cấp công nhân lãnh đạo” theo Hiến pháp 1959.


Nếu như Hiến pháp 1946 nhấn mạnh đến bình đẳng và tự do của người dân thì Hiến pháp 1959 nhấn mạnh “trừng trị mọi hành dộng phản quốc, chống lại chế độ dân chủ nhân dân, chống lại sự nghiệp thống nhất Tổ quốc”. Công dân Việt Nam bắt đầu được khuyến cáo: “Không ai được lợi dụng các quyền tự do dân chủ để xâm phạm đến lợi ích của Nhà nước.”

Hiến pháp 1959 tồn tại hai mươi năm trong giai đoạn miền Bắc dồn sức cho chiến tranh, ít ai có điều kiện để quan tâm tới việc thực thi pháp luật.


Chức năng quan trọng nhất của Quốc hội là nhất trí. Từ khoá VII trở về trước, Quốc hội thường chỉ họp mỗi năm một lần, mỗi lần chỉ kéo dài từ ba đến bốn ngày. Do tính long trọng của Quốc hội thống nhất, kì họp thứ nhất của khoá VI mới kéo dài chín ngày; kì họp thứ nhất của khoá VII kéo dài mười ngày. Quốc hội Việt Nam cũng có hình thức họp tổ — bao gồm một số đoàn đại biểu — như Xô viết Liên Xô. Ở Quốc hội Việt Nam, thảo luận tổ lúc đầu chủ yếu giúp phát hiện những ý kiến khác với “tinh thần lãnh đạo” để mà “chấn chỉnh.” Ở Xô viết Liên Xô thời Stalin, những người phát biểu như thế có thể bị thanh trừng. Những ai được chọn phát biểu trong các phiên họp toàn thể đều phải gửi tham luận trước cho Văn phòng, Tổng thư ký Quốc hội sẽ đọc duyệt, nhằm đảm bảo không để xuất hiện trên Hội trường những ý kiến “lệch lạc.”


Công nhân, nông dân cơ cấu trong Quốc hội từ khoá VIII trở về trước là theo nghĩa đen. Có đại biểu là thợ rèn, thợ tiện. Đoàn TPHCM còn có đại biểu là một nữ công nhân quét rác. Ông Hồ Giáo, một người chăn bò nổi tiếng, được đưa vào ngồi trong Quốc hội tới ba khoá liền (IV, V, VI). Ông Giáo thừa nhận, vốn ít học và những năm ấy vẫn độc thân, nên ông dồn tất cả tình cảm, tâm trí và sức lực cho những con bò mà ông yêu quý. Những lần đi dự họp Quốc hội, theo ông Hồ Giáo, ông phải rất gắng gượng, mỗi khi Quốc hội cần ông lên diễn đàn phát biểu để chụp hình, có người sẽ viết sẵn cho ông bài phát biểu.


Đại biểu chuyên trách Nguyễn Minh Thuyết đã đi vào lịch sử giám sát của Quốc hội khi ngày 1-11-2010 công khai đưa ra đề nghị thành lập uỷ ban độc lập điều tra để bỏ phiếu tín nhiệm thủ tướng. Nhưng những đại biểu như giáo sư Thuyết ngay sau đó đã không được cơ cấu lại.


Có phiên toà, bị cáo còn thuộc luật hơn cả thẩm phán. Trình độ thẩm phán càng thấp toà án càng lệ thuộc lớn vào cấp uỷ. Các thầm phán thường chỉ đưa ra các bản án đã được cấp uỷ xử trước; những người muốn độc lập với cấp uỷ thường phải gánh chịu hậu quả, có khi là mất việc.


Bỏ điều 4 là tự sát.

Trong chế độ cộng sản, cho dù bộ máy nhà nước tổ chức theo lý thuyết nào thì quyền lực cũng chỉ tập trung vào một nơi: Đảng.


Tổng bí thư Lê Duẩn: “Đảng cầm quyền phải biết sử dụng Nhà nước, coi đó là một công cụ hùng mạnh và sắc bén để thực hiện quyền làm chủ thực sự của nhân dân và sự lãnh đạo của Đảng trên quy mô toàn xã hội.” Trong hai mệnh đề mà ông Lê Duẩn đề cập, nếu như quyền làm chủ thực sự của nhân dân là rất mông lung thì sự lãnh đạo của Đảng quả thực là đã ngự trị trên “quy mô toàn xã hội.”


Suốt cả nhiệm kỳ, Quốc hội khoá VII không ban hành bất cứ đạo luật nào trừ Hiến pháp 1980. Đất nước chủ yếu vận hành theo các chỉ thị, nghị quyết của các cấp uỷ Đảng.


Chủ tịch Quốc hội Lê Quang Đạo tại Hội nghị toàn quốc về hội đồng nhân dân tháng 2-1992 từng phát biểu: “Nhiều nơi, tổ chức Đảng đã tự biến mình thành nhà nước, thậm chỉ siêu nhà nước.” Luật pháp mà các công cụ nhà nước thông qua thường chỉ là “thể chế hoá đường lối, nghị quyết của Đảng.”

Đặc biêt, Đảng nắm gần như tuyệt đối công tác cán bộ ở cả ba ngành quyền lực. Lá phiếu của người dân trong các kỳ bầu cử chỉ là xác nhận những người được Đảng ghi tên trong danh sách phiếu bầu. Đảng không chỉ kiểm soát Quốc hội thông qua con số hơn 90% đại biểu là đảng viên. Ngay cả những đại biểu không phải là đảng viên cũng phải là người của Đảng. Quy trình giới thiệu, hiệp thương, cho đến lấy ý kiến cử tri nơi ở và nơi công tác đều do các cấp uỷ Đảng chi phối, kể cả những ứng cử viên gọi là “tự ứng cử.”


Tháng 5-1990, Yeltsin — người bị Gorbachev đưa ra khỏi Bộ Chính trị trước đó không lâu — được bầu giữ chức chủ tịch Xô viết tối cao nước Cộng hoà Liên bang Nga. tháng 7-1990, ông tuyên bố ra khỏi ĐCS.


Tháng 11-1991, Yeltsin ký lệnh cấm ĐCS hoạt động trên lãnh thổ nước Nga. Yeltsin gặp Tổng thống Ukraina và Tổng thống Belarus đưa ra tuyên bố giải tán Liên bang Xô viết, lập ra “Cộng đồng các quốc gia độc lập.” Ngày 24-12-1991, Nga nắm lấy chiếc ghế của Liên Xô tại Liên Hiệp Quốc. Hôm sau Gorbachev, vị tổng thống không còn nhà nước, đành phải ra đi.


ĐCSVN không phải đang “lãnh đạo nhân dân cầm quyền,” mà đang trực tiếp cầm quyền. Đó là lý do mà nhiều nhà lãnh đạo cao cấp trong Đảng cho rằng bỏ điều 4 là tự sát. Nguyên lý tam quyền phân lập, cho dù được coi là lựa chọn tốt nhất để tránh bộ máy nhà nước tha hoá, lạm quyền, cũng không thể vận hành trong một quốc gia độc đảng.


Tướng Lê Đức Anh thừa nhận: “Chúng ta bị dồn tới chân tường.” Lệnh cấm vận mà người Mỹ áp dụng với Việt Nam đã khoá chặt của gần hai thập niên: Việt Nam không thể nhập khẩu công nghệ mới từ các nước phương Tây, không thể làm ăn trực tiếp với các công ty đa quốc gia, tài khoản bị phong toả, không thể hưởng các trợ giúp đầy đủ từ ngay cả các định chế quốc tế như World Bank, IMF…


Nhiều lần ông Võ Văn Kiệt “tức như bò đá” vì có những dự án đầu tư đã xong đâu vào đấy nhưng không thể nào thực hiện vì Bộ Tổng tham mưu trả lời không. Theo nguyên tắc, tất cả các dự án đầu tư nước ngoài đều phải có văn bản hỏi ý kiến Bộ Tổng Tham mưu về vị trí. Bộ Tổng Tham mưu sẽ căn cứ vào bản đồ “Bố phòng Quốc gia” để trả lời được hay không mà không cần giải thích.


Tôi là Thủ tướng, là Uỷ viên Bộ Chính trị mà cũng không được xem bản đồ bố phòng.


Nhưng rõ ràng là ông Hải đã ở tù như bộ trưởng. Ông Hải kể: “Khi tôi nhập trại, ông Lê Minh Hương, khi đó là thứ trưởng Bộ Nội vụ vào kiểm tra trại giam và cho giải phóng một cái trạm xá cũ để tôi vừa ở vừa tiếp khách. Cái trạm xá này một nửa nằm trong trại, một nửa nằm nhô ra khu tập thể của cán bộ trại. Hàng ngày, khách đến thăm tôi nhiều nên anh em bố trí một phòng gần phòng làm việc của cán bộ trại giam. Đồng thời bố trí một phạm nhân phục vụ, cứ có khách đến đăng ký thì họ lại gọi tôi lên phòng đó tiếp khách, tiếp không có công an ngồi kèm đâu. Trong thời gian ở tù, ngoài Thủ tướng, Phó Thủ tướng, có hai mươi tám Bộ trưởng, thứ trưởng và hai phu nhân Bộ trưởng cũng vào thăm.


Ông Phan Văn Khải được nói là sẽ về “công tác tại TPHCM thay ông Võ Trần Chí” vì “có vấn đề thuộc quan điểm lập trường giai cấp của gia đình trước đây”; vì “thả lỏng cho con trai lộng hành, dám cả gan xây dựng khách sạn cho đĩ hoạt động ở thủ đô Hà Nội.” The thư của ông Thượng, các cán bộ ở địa phương đã rất băn khoăn khi ông cố vấn và ông UVBCT nói rằng ông Võ Văn Kiệt cũng “kiên quyết kêu nghỉ và đã được một số uỷ viên BCT tán thành. Anh ấy rất tốt chỉ tội vợ con.” Đây không phải là lần đầu tiên Cố vấn Nguyễn Văn Linh nói về chuyện vợ con của ông Võ Văn Kiệt.


Cố vấn Nguyễn Văn Linh công khai phát biểu: “Tham nhũng đâu cần chống ở đâu, cứ chống ngay trong nhà Thủ tướng.”


Khi Hồ Chí Minh còn sống, ông yêu cầu: “Chú Ba, chú Thận, chú Tô phải thống nhất ý kiến với nhau trước khi đưa lên Bác.” Cho dù bản chất mối quan hệ như thế nào thì các nhà lãnh đạo cao nhất của Đảng ở mọi thời kì đều ý tứ để nó không bộc lộc. Giữ gìn sự đoàn kết luôn được dùng như một tiêu chí để đánh giá năng lực của người lãnh đạo. Hơn ai hết, TBT Đỗ Mười có lợi ích chính trị khi mối quan hệ giữa ba người được coi là “luôn luôn nhất trí với nhau.” Trên thực tế, mối quan hệ Lê Đức Anh, Võ Văn Kiệt, Đỗ Mười là rất khó để dư luận lúc đó coi là “đoàn kết.”

Trong cán bộ cao cấp, “nghỉ hưu có, đương nhiệm có” đang có dư luận “hoài nghi sự đoàn kết của ba đồng chí chủ chốt, hoài nghi đường lối kinh tế, chủ trương chiến lược kinh tế, quốc phòng.” Dư luận cho rằng, “giữa ba ông không thống nhất với nhau về chủ trương đường lối phát triển. Đồng chí Đỗ Mười bản thân là một anh bần nông làm nghề tự do nên không có khả năng lãnh đạo chung.


“Nếu nói như Sáu Phan thì tôi đề nghị BCT nên chọn Lào đầu tư. Mỹ là kẻ thù mới đánh ta; Pháp đô hộ 80 năm; Nhật khiến cho 2 triệu người chết đói; Úc, Hàn theo Mỹ mang quân sang… Không có nước nào có công nghệ tốt lại không có dính líu vào một ‘tội ác’ nào đó.”


Nhằm tìm người thay thế mình ở cương vị Tổng bí thư, Đỗ Mười đã đưa ra “bốn phương án” thăm dò, gồm Đào Duy Tùng, Lê Xuân Tùng, Đặng Xuân Kỳ và Lê Khả Phiêu.

Cách làm này bị một số cán bộ lão thành phê phán: “Việc đưa ra hội nghị trung ương vừa qua bốn phương án để lấy biểu quyết tín nhiệm Tổng bí thư, thủ tướng và chủ tịch nước, không phải là biểu hiện của phong cách làm việc dân chủ, tập thể, mà nó chỉ là biểu hiện sự không đồng nhất trong BCT và của sự thiếu quyết đoán của TBT trong tình huống hết sức phức tạp này.” Không phải ai cũng thực sự hiểu được chiến thuật nhân sự của ông Đỗ Mười. Theo ông Nguyễn Văn An: “Ông Đỗ Mười đưa ra bốn người là rất có kỹ thuật để tranh thủ các lực lượng. Dù thật, dù giả, ai thấy TBT đưa mình vào danh sách kế vị cũng đều hài lòng. Đấy là nghệ thuật chính trị của anh ấy.”


Bằng vài thuê bao Internet nói với server của VDC, tôi cho tải các websites có nội dung tốt xuống cho các UVTƯ xem; rồi cho tải những web-sex, các UVTW giữ ý quay mặt đi, tôi cho anh em biểu diễn kỹ thuật ngăn các web-sex này lại. Các UVTW nói: nếu làm được thế thì cho mở được. Hội nghị TƯ 2 thừa nhận Internet tải được trí tuệ của nhân loại và tin rằng có thể ngăn các nội dung xấu.


Từ thập niên 1990, vai trò địa phương trong hệ thống chính trị Việt Nam càng ngày càng gia tăng. Điều này thể hiện qua con số các bí thư tỉnh uỷ được cơ cấu vào Trung ương. Đặc biệt, đại biểu địa phương cũng thường chiếm hơn 80% số đại biểu của các đại hội Đảng, thành phần thực sự có tiếng nói thông qua các lá phiếu. Kinh tế thị trường đã làm cho con số các tỉnh thành tự túc được ngân sách tăng lên. Luật Đất đai và Luật Đầu tư bắt đầu tăng thẩm quyền được cấp đất, cấp giấy phép đầu tư cho tỉnh, thành. Chính quyền địa phương bắt đầu có điều kiện để độc lập hơn với trung ương. Đây cũng là giai đoạn xuất hiện thuật ngữ “trên bảo dưới không nghe,” một câu đùa ý nhị còn để chỉ trật tự hành chính không còn trung ương tập quyền nữa.

Chính sách luân chuyển cán bộ không chỉ giúp TBT Lê Khả Phiêu bố trí nhân sự của mình vào các vị trí chủ chốt mà còn đặt các nhà lãnh đạo địa phương vào thế phụ thuộc vào ông hơn. Đang là người đứng đầu một tỉnh, họ có thể bị “luân chuyển” đến một vị trí ngồi chơi xơi nước. Các quyết định “luân chuyển” lại chủ yếu được thông quan trong thường vụ BCT nơi mà TBT là người có tiếng nói quyết định.


“Ai phụ trách vấn đề Đài Loan?”. Ông Tấn: “Thưa anh, Đoàn Mạnh Giao?”. “Phải Giao con ông Đoàn Trọng Truyến không? Bảo cậu ấy nói chuyện với tôi.” Ông Giao cầm máy, ông Đỗ Mười hỏi: “Ai cho phép cậu bay với Đài Loan?” Ông Giao: “Thưa, chính bác cho phép, đề án đã được BCT thông qua ạ.” Ông Đỗ Mười: “Đấy là trước khi khôi phục quan hệ với Trung Quốc.”

“Trước thì BCT chủ trương như thế, nhưng nay kinh tế phải phục tùng chính trị. Không cho Đài Loan bay. Nếu ai cho bay, tôi sẽ ra lệnh cho tên lửa bắn hạ.”


Trong khi đó, BCT đã phải tính đến từng nụ cười, cái bắt tay khi đón vợ chồng Tổng thống Mỹ. Thủ tướng Phan Văn Khải kể, khi tiếp Clinton, ông đã không cười và bàn tay thì chỉ đưa ra nhẹ mà không nắm lại. Trợ lý của ông hỏi: “Người ta đã sang tận đây, tiếc gì anh không nở một nụ cười với họ?” Ông Khải nói: “Không được đâu mày ơi, BCT đã thống nhất là không được cười.”


Giữa năm 1989, khi họp Trung ương, nghe ông Đỗ Mười báo cáo những mặt tích cực của nền kinh tế, ông Linh nói: “Mất CNXH đến nơi rồi còn nói thành tích.”


Thôi áp dụng các nguyên tắc trong đề án chống lạm phát đồng nghĩa với việc từ bỏ những nguyên tắc của kinh tế thị trường, yếu tố giúp nền kinh tế vượt qua khủng hoảng. Các chuyên gia gặp nhau, hết sức lo lắng, Giáo sư Đào Xuân Sâm đề nghị: “Tôi đến tuổi rồi, có gì thì về hưu, các cậu cứ để đấy tôi nói.” Vào họp, Giáo sư Sâm hỏi ông Đỗ Mười: “Anh làm thủ tướng của 60 triệu dân hay chỉ là 6 triệu cán bộ quốc doanh?” Ông Đỗ Mười nói: “Làm gì tới 6 triệu, chỉ khoảng 3,4 triệu thôi.” Giáo sư Sâm tiếp: “Quốc hội bầu anh đứng đầu Chính phủ là để lo cho toàn dân chứ đâu phải chỉ lo cho mấy triệu công nhân quốc doanh. Một phương án đang đem lại lợi ích cho đất nước, cho nhân dân mà anh tính bỏ sao được.” Bị đặt giữa hai dòng áp lực, ông Đỗ Mười đành phải duy trì những chính sách đang phát huy hiệu quả đồng thời yêu cầu: “Các anh tìm cho tôi phương án cứu quốc doanh.”


Đầu thập niên 1990, người Nga sang Việt Nam đàm phán không nói chuyện buôn bán mà chỉ đòi nợ cũ của Liên Xô. Nền công nghiệp gia công mũi giày, may áo sơ mi, xuất sang Liên Xô, Đông Âu bắt đầu điêu đứng vì thị trường truyền thống không còn nữa. Hàng vạn công nhân thất nghiệp. Việt Nam bắt đầu phải tìm kiếm bạn hàng từ những thị trường khác.


Ông Khải cho rằng chưa có một chính phủ nào trong một thời gian ngắn có thể ban hành nhiều văn bản luật như Việt Nam của thập niên 1990. Điều mà nền kinh tế cần, theo thuật ngữ lúc đó, là một “hành lang pháp lý” để các thành phần kinh tế đều có thể vận hành theo kinh tế thị trường. Nhưng thị trường chính là điểm xung đột đối với những người coi lập trường quan trọng hơn quốc gia phát triển.

Khi Luật Thương mại được Chính phủ Võ Văn Kiệt biên soạn theo nguyên tắc “công dân có quyền tự do mua bán, tự do sản xuất kinh doanh,” theo Bộ trưởng Thương mại Lê Văn Triết, trước khi Quốc hội họp, ông Đỗ Mười kêu ông lên, mắng: “Tự do gì cũng phải ở trong khuôn khổ, quốc doanh phải nắm, nước nào nhà nước cũng phải quản lý.”


Ông Kích kể rằng, trong suốt chuyến đi, câu nói của Lý Quang Diệu mà đoàn tâm đắc nhất là: Kinh tế thị trường + tổ chức xã hội theo kiểu XHCN = Singapore.


Khi vấn đề được đưa ra BCT, ông Kiệt nói: “Chuyện buồn thời xưa, sao BCT cứ hạch sách người ta hoài. Nếu xét lý lịch thì xét anh Khải có làm gì phản động không, anh ấy có đủ tiêu chuẩn vào BCT không, còn chuyện anh ấy con ai thì tôi đề nghị BCT thôi.” Theo ông Phan Văn Khải: “Ngay từ khi bắt đầu tham gia cách mạng tôi luôn khai rõ tôi là con ngoài giá thú.”


Sự phục hồi các loại giấy phép con tiếp tục làm cho môi trường đầu tư kinh doanh ở Việt Nam chậm được cải thiện. Năm 2005, Việt Nam vẫn phải mất tới 63 ngày để hoàn tất các thủ tục pháp lý kinh doanh trong khi ở Úc chỉ mất 2 ngày. Ở Đan Mạch, người khởi nghiệp kinh doanh không phải tốn một chi phí nào để có thể hoạt động thì ở Việt Nam phải mất khoản phí tổn bằng gần 30% mức thu nhập bình quân GDP.