Sử là sách không những chỉ để ghi chép những công việc đã qua mà thôi, nhưng lại phải suy xét việc gốc ngọn, tìm tòi cái căn nguyên những công việc của người ta đã làm để hiểu cho rõ những vận hội trị loạn của một nước, những trình độ tiến hoá của một dân tộc. Chủ đích là để làm cái gương chung cổ cho người cả nước được đời đời soi vào đấy mà biết cái sinh hoạt của người trước đã phải lao tâm lao lực những thế nào, mới chiếm được cái địa vị ở dưới bóng mặt trời này.
Người trong nước có thông hiểu những sự tích nước mình mới có lòng yêu nước yêu nhà, mới biết cố gắng học hành, hết sức làm lụng để vun đắp thêm vào cái nền xã hội của tiên tổ đã xây dựng nên mà để lại cho mình. Bởi những lẽ ấy cho nên phàm dân tộc nào đã có đủ cơ quan và thể lệ làm cho một nước độc lập, thì cũng có sử cả. Nước Việt ta khởi đầu có sử từ đời nhà Trần, vào quãng thế kỉ 13. Từ đó trở đi nhà nào lên làm vua cũng trọng sự làm sử. Nhưng cái lối làm sử của ta theo lối biên niên của Tàu, nghĩa là năm nào tháng nào có chuyện gì quan trọng thì nhà làm sử chép vào sách. Mà chép một cách rất vắn tắt cốt để ghi lấy chuyện ấy mà thôi, chứ không giải thích cái gốc ngọn và sự liên can việc ấy với việc khác là thế nào.
Cả nước chỉ cốt ở một họ làm vua, cho nên nhà làm sử cứ theo cái chủ nghĩa ấy mà chép sử, thành ra sử đời nào cũng chỉ nói chuyện những vua đời ấy mà thôi. Bởi vậy xem sử ta thật là rẻ, mà thường không có ích lợi cho sự học vấn là mấy.
Sử của mình đã không hay, mà người mình lại không mấy người biết sử. Là vì cái cách học tập của mình làm cho người mình không có thể biết được sử nước mình. Bất kì lớn nhỏ, hễ ai cắp quyển sách đi học thì chỉ học sử Tàu, chứ không học sử nước nhà. Rồi thơ phú văn chương gì cũng lấy điển tích ở sử Tàu, chứ chuyện nước mình thì nhất thiết không nói đến. Người mình có ý lấy chuyện nước nhà làm nhỏ mọn không cần phải biết làm gì. Ấy cũng là vì xưa nay mình không có quốc văn, chung thân chỉ đi mượn tiếng người, chữ người mà học, việc gì cũng bị người ta cảm hoá, chứ tự mình thì không có cái gì là đặc sắc, thành ra thật rõ như câu phương ngôn: “Việc nhà thì nhác, việc chú bác thì siêng!”
Cái sự học vấn của mình như thế, cái cảm tình của người trong nước như thế, bảo rằng lòng vì dân vì nước mở mang ra làm sao được?
Thời đại thứ nhì là Bắc thuộc thời đại, kể từ khi vua Vũ Đế nhà Hán lấy đất Nam Việt của nhà Triệu, cho đến đời Ngũ Quí, ở bên ta có họ Khúc và họ Ngô xướng lên sự độc lập. Những công việc trong thời đại ấy, thì sử cũ của nước ta chép rất là sơ lược lắm. Vì trong thời đại Bắc thuộc, người mình chưa được tiến hoá, sự học hành còn kém, sách vở không có, cho nên về sau những nhà làm sử của t a chép đến thời đại này cũng không kê cứu vào đâu được, chỉ theo sử Tàu mà chép lại thôi. Vả, người Tàu lúc ấy vẫn cho mình là một xứ biên địa dã man, thường không ai lưu tâm đến, cho nên những chuyện chép trong sử cũng sơ lược lắm, mà đại để cũng chỉ chép những chuyện cai trị, chuyện giặc giã, chứ các công việc khác thì không nói đến.
Thời đại Bắc thuộc dai dẳng đến hơn một nghìn năm, mà trong thời đại ấy dân tình thế tục ở nước mình thế nào, thì bây giờ ta không rõ lắm, nhưng có một điều ta nên biết là từ đó trở đi, người mình nhiễm cái văn minh của Tàu một cách rất sâu xa, dẫu về sau có giải thoát được cái vòng phụ thuộc nước tàu nữa, người mình vẫn phải chịu cái ảnh hưởng của Tàu. Cái ảnh hưởng ấy lâu ngày đã thành ra cái quốc tuý của mình, dẫu ngày nay có muốn trừ bỏ đi, cũng chưa dễ một mai mà tẩy gột cho sạch được. Những nhà chính trị toan sự đổi cũ thay mới cũng nên lưu tâm về việc ấy, thì sự biến cải mới có công hiệu vậy.
Soạn giả đã cố sức xem xét và góp nhặt những sự ghi chép ở các sách chữ Nho và chữ Pháp, hoặc những chuyện rải rác ở các dã sử, rồi đem trích bỏ những sự huyền hoặc đi mà soạn ra bộ sách này, cốt để người đồng bang ta biết được chuyện nước nhà mà không tin nhảm những sự huyền hoặc.
Độc giả cũng nên biết cho rằng bộ sử này là bộ Sử lược chỉ cốt ghi chép những chuyện trọng yếu để hãy tạm giúp cho những người hiếu học có sẵn quyển sách mà xem cho tiện. Còn như việc làm thành ra bộ sử thật là đích đáng, kê cứu và phê bình rất tường tận, thì xin để dành cho những bậc tài danh sau này sẽ ra công mà giúp cho nước ta về việc học sử. Bây giờ ta chưa có áo lụa, ta hãy mặc tạm áo vải, tuy nó xấu xí nhưng nó có thể làm cho ta đỡ rét. Nghĩa là ta hãy làm thế nào cho những thiếu niên nước ta ngày nay ai cũng có thể biết một đôi chút sự tích nước nhà, cho khỏi tủi quốc hồn. Ấy là cái mục đích của soạn giả, chỉ có thế thôi. Nếu cái mục đích ấy mà có thể tới được thì tưởng bộ sách này là bộ sách có ích vậy.
Dẫu người mình thuộc về chủng loại nào mặc lòng, về sau người Tàu sang cai trị hàng hơn 1000 năm, lai có khi đem sang nước ta hơn 40 vạn binh, chắc là nòi giống cũ của mình cũng đã lai đi nhiều rồi, mối thành ra người Việt Nam ngày nay.
Về trí tuệ và tính tình, thì người Việt Nam có cả các tính tốt và các tính xấu. Đại khái thì trí tuệ minh mẫn, học chóng hiểu, khéo chân tay, nhiều người sáng dạ, nhớ lâu, lại có tính hiếu học, trọng sự học thức, quí sự lệ phép, mến điều đạo đức: lấy sự nhân, nghĩa, lễ, trí, tín, làm 5 đạo thường cho sự ăn ở. Tuy vậy vẫn hay có tính tinh vặt, cũng có khi quỷ quyệt, và hay bài bác nhạo chế. Thường thì nhút nhát, hay khiếp sợ và muốn sự hoà bình, nhưng mà đã đi trận mạc thì cũng có can đảm, biết giữ kỷ luật.
Tâm địa thì nông nổi, hay làm liều, không kiên nhẫn, hay khoe khoang và ưa trương hoàng bên ngoài, hiếu danh vọng, thích chơi bời, mê cờ bạc. Hay tin ma tin quỷ, sùng sự lễ bái, nhưng mà vẫn không nhiệt tín tông giáo nào cả. Kiêu ngạo và hay nói khoác, nhưng có lòng nhân, biết thương người và hay nhớ ơn.
Từ Trường Giang sang đến Bắc Việt ta xa cách bao nhiêu đường đất. Dẫu lúc ấy ở bên ta có họ Hồng Bàng làm vua nữa, thì chắc cũng chưa có kỷ cương gì, có lẽ cũng giống như một người làm quan lang trên Mường mà thôi.
Nghĩa là từ ông Ngô Sĩ Liên, ở về thập ngũ thế kỷ trở đi, thì sử ta mới chép chuyện về đời thượng cổ. Xem thế thì đủ biết những chuyện về đời ấy khó lòng mà đích xác được. Chẳng qua nhà làm sử cũng nhặt nhạnh những chuyện hoang đường tục truyền lại, cho nên những chuyện ấy toàn là chuyện có thần tiên quỷ quái, trái với lẽ tự nhiên cả.
Nhưng ta phải hiểu rằng nước nào cũng vậy, lúc ban đầu mờ mịt, ai cũng muốn tìm cái gốc tích của mình ở chỗ thần tiên để cho vẻ vang cái chủng loại của mình. Chắc cũng bởi lẽ ấy mà sử ta chép rằng họ Hồng Bàng là con tiên cháu rồng.
Nguyên về đời thái cổ, nước Tàu chia ra từng địa phương một. Mỗi một địa phương thì có một người làm thủ lĩnh, lập thành một nước, gọi là nước chư hầu, phải triều cống nhà vua.
Trên lục quan lại đặt tam công là: thái sư, thái phó, thái bảo; tam cô: thiếu sư, thiếu phó, thiếu bảo, để bàn xét việc trị nước yên dân, chứ không dự vào việc hành chính.
Học thuật ở nước Tàu về đời nhà Chu đã thịnh lắm, cho nên đến đời Xuân Thu có nhiều học giả như Lão Tử bàn đạo; Khổng Tử bàn hiếu, đễ, nhân, nghĩa; Mặc Dịch bàn lẽ kiêm ái, nên chuộng sự tiết kiệm bỏ âm nhạc; Dương Chu thì bàn lẽ vị kỷ, nên tự trọng thân mình và không chịu thiệt mình để lợi người.
Xem như thế, thì xã hội nước Tàu về đời Tam đại đã văn minh lắm, nhưng sau đến cuối đời nhà Chu, vì nhà vua suy nhược, cho nên chư hầu, người xưng hầu, kẻ xưng vương rồi tranh nhau, đánh nhau như Ngũ Bá đời Xuân thu, Thất hùng đời Chiến quốc, làm cho trăm họ lầm than khổ sở.
Sau nhà Tần thống nhất được thiên hạ, mới bỏ lệ phong kiến, lập ra quận huyện; bỏ phép tỉnh điền, lập thiên mạch; cấm nho học, đốt sách vở, việc chính trị thì cốt dùng pháp luật, để lấy quyền lực mà áp chế.
Đang khi phong tục nước Tàu biến cải như thế, thì Triệu Đà lập ra nước Nam Việt, đem văn minh nước Tàu sang truyền bá ở phương nam, cho nên từ đó về sau người nước mình đều nhiễm cái văn minh ấy.
Vũ Vương vốn là người kiêu căng, có ý không muốn phục nhà Hán, đến khi Lục Giả sang đến nơi, vào yết kiến Vũ vương, Vũ vương ngồi xếp vành tròn, không đứng dậy tiếp. Lục Giả thấy vậy mới nói rằng: “Nhà vua là người nước Tàu, mồ mả và thân thích ở cả châu Chân Định. Nay nhà Hán đã làm vua thiên hạ, sai sứ sang phong vương cho nhà vua, nếu nhà vua kháng cự sứ thần, không làm lễ thụ phong, Hán Đế tất là tức giận, huỷ hoạ mồ mả và giết hại thân thích của nhà vua, rồi đem quân sang đánh thì nhà vua làm thế nào?” Vũ Vương nghe lời ấy vội vàng đứng dậy làm lễ tạ, rồi cười mà nói rằng: “Tiếc thay ta không được khởi nghiệp ở nước Tàu, chứ không thì ta cũng chẳng kém gì Hán Đế!”
Vả lại được đất nhà vua cũng không lấy làm to, được của nhà vua cũng không đủ làm giàu. Vậy từ phía nam núi Lĩnh thì mặc ý nhà vua tự trị lấy. Nhưng nhà vua cứ xưng đế hiệu, hai bên cùng là đế quốc mà không sai sứ giao thông, thế chẳng hoá ra ganh nhau ư? Ganh nhau mà không nhường, thì người nhân không thèm làm.
Trẫm nay xin cùng nhà vua gác bỏ điều cũ, từ rày trở đi, thông sứ như xưa. Vậy trẫm sai Lục Giả sang đem ý trẫm khuyên nhà vua nên nghe, chứ làm chi nhiều sự cướp bóc tai hại.
Lão phu ở đất Việt đã 49 năm nay, bây giờ đã có cháu rồi, nhưng mà sớm khuya trằn trọc, ăn không ngon, ngủ không yên, mắt không dám trông sắc đẹp, tai không dám nghe đàn vui, là chỉ vì cớ không được phụng thờ nhà Hán. Nay nhờ bệ hạ đoái đương, cho phục lại hiệu cũ, thông sứ như xưa, lão phu nhờ ơn, dẫu chết xương cũng không nát.
Vậy xin cải hiệu từ đây, và xin có cống phẩm phụng hiến Hoàng đế bệ hạ.
Vua nhà Hán sai Vương Khôi và Hàn An Quốc đi đánh Mân Việt. Quân Mân Việt thấy quân nhà Hán đến nơi, bèn bắt Quốc vương giết đi, đưa đầu nộp cho quan nhà Hán, và xin hàng.
Nhâm Diên thì sang làm thái thú quận Cửu Chân từ năm Kiến Võ nhà Đông Hán. Bấy giờ dân quận ấy chỉ làm nghề chài lưới và săn bắn, chứ không biết cày cấy làm ruộng nương. Nhâm Diên mới dạy dân dùng cày bừa mà khai khẩn ruộng đất, bởi vậy chẳng bao lâu mà quận ấy có đủ thóc gạo ăn. Người ấy lại dạy dân làm lễ cưới hỏi trong khi lấy vợ lấy chồng, và bắt những lại thuộc trong quận lấy một phần lương bổng của mình mà giúp cho những kẻ nghèo đói để lấy vợ lấy chồng.
Hai bà Trưng làm vua được 3 năm, nhưng lấy cái tài trí người đàn bà mà dấy được nghĩa lớn như thế, khiến cho vua tôi nhà Hán phải lo sợ, ấy cũng là đủ để cái tiếng thơm về muôn đời.
Mã Viện đánh được Trưng Vương đem đất Giao Chỉ về thuộc nhà Hán như cũ, rồi chính đốn binh lương, đem quân đi đánh dẹp các nơi, đi đến đâu xây thành đắp luỹ đến đấy và biến cải mọi cách chính trị trong các châu quận. Đem phủ trị về đóng ở Mê Linh và dựng cây đồng trụ ở chỗ phân địa giới, khắc sáu chữ: “Đồng trụ chiết, Giao Chỉ diệt.” Nghĩa là cây đồng trụ mà đổ thì người Giao Chỉ mất nòi.
Thưở nhỏ cha mẹ mất cả, ở với anh là Triệu Quốc Đạt, đến độ 20 tuổi gặp phải người chị dâu ác nghiệt, bà ấy giết đi rồi vào ở trong núi. Bà ấy là một người có sức mạnh, lại có chí khí và lắm mưu lược. Khi vào ở trong núi chiêu mộ hơn 1000 tráng sĩ để làm thủ hạ. Anh thấy thế mới can bà, thì bà bảo rằng: “Tôi muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp đường sóng dữ, chém cá tràng kình ở bể đông, quét sạch bờ cõi, để cứu dân ra khỏi nơi đắm đuối, chứ không thèm bắt chước người đời cúi đầu cong lưng để làm tì thiết người ta.”
Nhà Tấn được thiên hạ rồi, thấy nhà Nguỵ vì thế cô mà mất, bèn đại phong cho họ hàng và sai ra trấn các nơi để làm vây cánh cho nhà vua. Nhưng cũng vì lẽ ấy mà các thân vương thường vì lòng tham danh lợi cứ dấy binh đánh giết lẫn nhau, làm cho anh em trong nhà, cốt nhục tương tàn, mà ngôi vua cũng thành ra suy nhược.
Nước Lâm Ấp (sau gọi là Chiêm Thành) ở từ quận Nhật Nam vào cho đến Chân Lạp, nghĩa là ở vào quãng từ tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị cho đến đất Nam Việt bây giờ. Người Lâm Ấp có lẽ là nòi giống Mã Lai, theo tông giáo và chính trị Ấn Độ.
Trong đời Nam Bắc Triều đất Giao Châu không được mấy khi yên ổn, vì quan Tàu sang cai trị có nhiều người thấy bên Tàu loạn, cũng muốn tìm cách để độc lập, bởi vậy quan lại cứ giết lẫn nhau.
Lý Phật Tử đem quân về chống với Triệu Việt Vương. Đánh nhau mấy trận không được, Phật Tử mới xin chia đất giảng hoà. Triệu Việt Vương nghĩ tình họ Lý, cũng thuận chia đất cho Lý Phật Tử. Triệu Việt Vương lại gả con gái cho Phật Tử để tỏ tình hoà hiếu với nhau. Nhưng Phật Tử vẫn có ý muốn thôn tính, bởi vậy bề ngoài tuy hoà hiếu, nhưng bên trong vẫn sửa soạn để đánh lấy Long Biên.
Năm Mậu Tí (808), quan Đô hộ là Trương Chu đem binh thuyền đi đánh giết hại quân Hoàn Vương rất nhiều. Vua nước ấy bèn lui về ở phía nam (Quảng Nam, Quảng Ngãi bây giờ) và đổi quốc hiệu là Chiêm Thành.
Xét chuyện nước Tàu từ đời nhà Hán cho đến đời bấy giờ, cứ mỗi nhà lên cầm quyền chính trị được vài ba trăm năm, rồi trong nước lại biến loại, nam bắc phân tranh độ chừng năm bảy mươi năm, khi ấy lại có một nhà đứng lên dẹp loạn yên nước, lập nên cơ nghiệp một nhà khác.
Phàm sự trị loạn thay đổi trong một xã hội là thường lý, nhưng chỉ lạ có một điều mấy lần bên Tàu loạn cũng tương tự như nhau cả. Cái cơ hội trị loạn bên Tàu giống nhau như thế cũng có lẽ tại cái phong tục và cái xã hội của Tàu. Sự giáo dục không đổi, nhân quần trong nước không tiến bộ, cách tư tưởng không khai hoá, cho nên nước tuy lâu đời, mà trình độ xã hội vẫn đứng nguyên một chỗ. Khi có biến loại là chỉ có mấy người có quyền thế cạnh tranh với nhau, chứ dân trong nước thì hễ thấy bên nào mạnh là làm tôi bên ấy. Nhà Hán làm vua là dân nhà Hán, nhà Đường làm vua là dân nhà Đường, việc gì cũng đổ cho thiên mệnh, làm dân chỉ biết thuận thụ một bề mà thôi.
Ngài chỉ cốt lấy những điều hợp với bản tính của loài người mà dạy người, chứ không dạy những điều u uẩn huyền diệu khác với đạo thường. Đạo không xa cái bản tính người ta, hễ vì đạo mà xa cái bản tính ấy thì đạo ấy không phải là đạo. Bởi vậy cái tông chỉ của Ngài chủ yếu lấy Hiếu, Đễ, Trung, Thứ làm gốc, và lấy sự sửa mình mà làm cốt dạy người.
Tông chỉ của Lão tử là trước khi có trời đất, thì chỉ có Đạo. Đạo là bản thể của vũ trụ, là cái gốc nguyên thuỷ của các sự tạo hoá. Vạn vật đều bởi Đạo mà sinh ra. Vậy sửa mình và trị nước nên phải theo Đạo, nghĩa là người ta nên điềm tĩnh, vô vi, cứ tự nhiên, chứ không nên dùng trí lực mà làm gì cả.
Phàm phong tục và chính trị là do sự học thuật và tông giáo mà ra. Mà người mình đã theo học thuật và tông giáo của Tàu thì điều gì ta cũng noi theo Tàu hết cả. Nhưng xét ra thì điều gì mình cũng thua kém Tàu, mà tự người mình không thấy có tìm kiếm và bày đặt ra được cái gì cho xuất sắc, gọi là có cái tinh thần riêng của nòi giống mình, là tại làm sao?
Có lẽ một là tại địa thế nước Nam ta, hai là cách ăn ở của người mình.
Phàm sự tiến hoá của một xã hội cũng nhưng công việc của một người làm, phải có cái gì đó nó đun đẩy mình, nó bắt phải cố sức mà tiến hoá thì mới tiến hoá được. Sự đun đẩy ấy là sự cần dùng và sự đua tranh.
Xem như nước Nam ta, thì hai cái yếu điểm ấy đều kém cả. Người mình ở về xứ nóng nực, cách ăn mặc giản dị, đơn sơ, không cần phải cần lao lo nghĩ cũng đủ sống, cho nên ai cũng thích nhàn lạc, quí hồ khỏi chết thì thôi, chứ không muốn lao tâm lao lực lắm như những người ở nước văn minh khác. Tính người mình như thế, thì hễ ai có cái gì, mình chỉ bắt chước được mà thôi, chứ không phát khởi bày đặt ra được điều gì nữa.
Còn như sự đua tranh, phải có nhiều người, nhiều nước thì mới đua tranh được. Nhưng quanh nước ta toàn là những người văn minh kém mình cả, chỉ có nước Tàu là hơn mình, nhưng Tàu lại to quá, sự giao thông với mình thì cách trở, chỉ có quan tư thỉnh thoảng đi lại mà thôi, chứ dân trong nước không mấy khi ra đến ngoài bờ cõi nước nhà. Người mà cả đời không đi đến đâu, mắt không trông thấy cái hay cái dở của người, thì tiến hoá làm sao được?
Địa thế nước mình như thế, tính chất và sự học vấn của người mình như thế, thì cái trình độ tiến hoá của mình tất là phải chậm chạp và việc gì cũng phải thua kém người ta vậy.
Năm 972, Tiên Hoàng lại sai Nam Việt vương đem đồ phương vật sang cống nhà Tống. Vua nhà Tống sai sứ sang phong cho Tiên Hoàng làm Giao chỉ quận vương và phong cho Nam việt vương làm Tĩnh hải quân Tiết độ sứ, An Nam đô hộ.
Từ đó nước ta cứ giữ lệ sang triều cống nước Tàu.
Việc chính trị trong nước thì lúc bấy giờ còn có nhiều người quen thói lúc loạn, không chịu tuân theo luật lệ. Tiên Hoàng phải dùng oai để trừng trị những bọn gian ác: đặt vạc dầu ở trước điện, nuôi hổ báo ở trong vườn, rồi hạ lệnh rằng hễ ai phạm tội thì bỏ vạc dầu hay là cho hổ báo ăn. Hình luật uy nghiêm như thế, thì cũng quá lắm, nhưng nhờ có những hình luật ấy thì dân trong nước mới dần dần được yên.
Bây giờ quân nghịch sắp vào cõi, mà vua thì còn bé, lấy ai mà thưởng phạt cho chúng mình. Dẫu chúng mình có hết sức lập được chút công nào, thì rồi ai biết cho? Chi bằng nay ta tôn Thập Đạo tướng quân lên làm vua rồi ra đánh thì hơn.
Thủ Độ đã hại hết cả dòng dõi nhà họ Lý, lại muốn cho hậu thế không ai nhớ đến họ Lý nữa, mới nhân vì tổ nhà Trần tên là Lý, bắt trong nước ai là họ Lý đều phải cải là họ Nguyễn.
Thủ Độ thật là người rất gian ác đối với nhà Lý, nhưng lại là một người đại công thần của nhà Trần. Một tay cáng đáng bao nhiêu trọng sự, giúp Thái Tông bình phục được giặc giã trong nước và chỉnh đốn lại mọi việc, làm cho nước Nam ta bấy giờ được cường thịnh, ngày sau có thể chống cự với Mông Cổ, khỏi phải làm nô lệ những kẻ hùng cường.
Ý Mông Cổ muốn biết nhân vật tài sản nước Nam ta có những gì, và học vấn xảo kỹ ra làm sao, để liệu đường mà đánh lấy cho tiện. Và tuy rằng quyền chính trị vẫn để cho vua nước Nam, nhưng đặt quan giám trị để dần dần lập thành Bảo hộ.
Thánh Tông bề ngoài tuy vẫn chịu thần phục, nhưng trong bụng cũng biết rằng Mông Cổ có ý đánh lấy nước mình, cho nên cứ tu binh dụng võ để phòng có ngày tranh chiến.
Nếu có giặc đến, thì cựa gà trống sao cho đâm thủng được áo giáp; mẹo cờ bạc sao cho dùng nổi được quân mưu; dẫu rằng ruộng lắm vườn nhiều, thân ấy nghìn vàng khôn chuộc; vả lại vợ bìu con díu, nước này trăm sự nghĩ sao; tiền của đâu mà mau cho được đầu giặc; chó săn ấy thì địch sao nổi quân thù; chén rượu ngon không làm được cho giặc say chết, tiếng hát hay không làm được cho giặc điếc tai; khi bấy giờ chẳng những là thái ấp của ta không còn, mà bổng lộc của các ngươi cũng hết; chẳng những là gia quyến của ta bị đuổi, mà vợ con của các ngươi cũng nguy; chẳng những là ta chịu nhục bây giờ, mà trăm năm về sau, tiếng xấu hãy còn mãi mãi; mà gia thanh của các ngươi cũng chẳng khỏi mang tiếng nhục, đến lúc bấy giờ các ngươi dẫu muốn vui vẻ, phỏng có được hay không?
Bấy giờ quân Nguyên to thế lắm, đóng khắp các nơi. Nhân Tông kinh hãi, Thượng hoàng ngày đêm lo sợ. Nhà nước ngất ngưởng nguy như trứng chồng. Bọn hoàng tộc là Trần Ích Tắc, Trần Tú Viên đều ra hàng Thoát Hoan cả. Chỉ có Hưng Đạo vương phụng xa giá đi, trèo non vượt bể, trải gió dầm mưa, thế lực tuy cùng, nhưng vẫn bền vững một lòng, tìm kế đánh giặc, lo liệu việc nước không rối sợ lúc nào.
Xem ra nước Ai Lao đã sang quấy nhiễu đất An Nam từ đời vua Nhân Tông và vua Anh Tông. Quan quân đã phải đi đánh nhiều lần, nhưng lần nào đánh xong thì cũng chỉ yên được độ vài ba năm, rồi giặc lại sang phá. Mà quan quân có đi đánh thì cũng đánh cho nó đừng sang ăn cướp ở đất mình nữa mà thôi, chứ không có lúc nào định chiếm giữ đất Lào cả. Có lẽ là tại đất Lào nhiều rừng lắm núi, phải sơn lam thuỷ chướng, đứng sá xa xôi, vận tải khó nhọc, cho nên quan ta không ở được lâu. Còn người Lào thì họ thuộc đường sá, quen phong thổ, tiến thoái tuỳ tiện, thắng trận thì họ tiến lên đánh, bại trận thì họ rút quân đi, mình không biết đâu mà đuổi. Bởi thế cho nên quân ta vẫn đánh được giặc mà giặc vẫn còn, thành ra cứ phải đi đánh mãi.
Người Chiêm thấy binh thế nước Nam suy nhược, có ý khinh dễ, cho nên qua năm Mậu Thân (1368) vua nước Chiêm cho sứ sang đòi đất Hoá Châu. Việc đòi Hoá Châu này thì sử chỉ chép qua đi mà thôi. Vả bấy giờ ở nước ta, vua Dụ Tông chỉ lo việc hoang chơi, không tưởng gì đến việc võ bị; mà ở bên Chiêm Thành thì có Chế Bồng Nga là một ông vua anh hùng, có ý đánh An Nam để rửa những thù trước. Vậy cho nên hết sức tập trận, luyện binh; bắt quân lính phải chịu khó nhọc cho quen, dàn trận voi cho tiện đường lui tới: thắng thì cho voi đi trước để xông đột, bại thì cho voi đi sau để ngăn giữ quân nghịch. Nhờ cách xếp đặt có thứ tự, dụng binh có kỷ luật như thế, cho nên quân Chiêm Thành từ đó mạnh lắm, sau đánh phá thành Thăng Long mấy lần, làm cho vua tôi nhà Trần phải kinh sợ mấy phen.
Một hôm Thượng hoàng đến thăm bàn đến hậu sự, Nguyên Đán tâu rằng: “Xin bệ hạ thờ nhà Minh như cha, yêu nước Chiêm Thành như con, thì quốc gia sẽ không việc gì, mà lão thần chết cũng không hẩm!” Ấy là chỉ bàn những chuyện làm tôi tớ mà thôi, chứ không có chí muốn cho nước mình cường thịnh. Nguyên Đán biết rằng Quý Ly sau này tất cướp ngôi nhà Trần, bèn kết làm thông gia, vì thế nên sau dòng dõi nhà Trần chết cả, duy chỉ có con cái nhà Nguyên Đán được phú quí mà thôi.
Qua tháng 11, quân Chiêm lại vào sông Hoàng Giang, Thượng hoàng sai quan Đô tướng là Trần Khát Chân đem binh đi chống giữ với giặc. Trần Khát Chân khóc và lạy rồi ra đi, Thượng hoàng cũng khóc. Xem thế thì biết vua tôi nhà Trần bấy giờ lấy quân Chiêm Thành làm khiếp sợ lắm.
Uy quyền của Quý Ly một ngày một to, vây cánh một ngày một nhiều, Thượng hoàng sau tỉnh dần dần lại biết lấy làm sợ, nhưng đã chậm lắm rồi, thế không sao được nữa; mới bắt người vẽ cái tranh tứ phụ cho Quý Ly. Trong tranh ấy vẽ ông Chu Công giúp vua Thành Vương, ông Hoắc Quang giúp vua Chiêu đế, ông Gia Cát Lượng giúp vua Hậu chủ, ông Tô Hiến Thành giúp vua Lý Cao Tông, rồi bảo Quý Ly rằng nhà ngươi giúp con trẫm cũng nên như thế. Một hôm Thượng hoàng gọi Quý Ly vào trong điện mà bảo rằng: Nhà ngươi là thân tộc, cho nên bao nhiêu việc nước, trẫm đều uỷ thác cho cả; nay quốc thế suy nhược, trẫm thì già rồi; ngày sau con trẫm có nên giúp thì giúp, không thì nhà ngươi tự làm lấy. Thượng hoàng bắt chước câu ấy của ông Lưu Bị nói với ông Khổng Minh ngày trước, tưởng để mua chuộc được lòng Quý Ly.
Quý Ly cởi mũ, khấu đầu khóc lóc mà thề rằng: Nếu hạ thần không hết lòng, hết sức giúp nhà vua, thì trời tru đất diệt. Vả ngày trước Linh Đức vương (tức Phế Đế) có lòng làm hại, nếu không có uy linh của Bệ hạ, thì nay đã ngậm cười dưới đất, còn đâu ngày nay nữa mà mài thân nghiền cốt để báo đền vạn nhất! Vậy hạ thần đâu có ý gì khác, xin bệ hạ tỏ lòng ấy cho và đừng lo gì.
Quý Ly đặt ra một cách làm tiền giấy để thu tiền của dân. Hễ ai làm giấy giả thì phải tội chém. KHi đã có dấu đóng rồi thì phát ra bắt dân phải tiêu, còn bao nhiêu tiền đồng thì thu nộp nhà vua; ai mà giấu giếm thì phải tội như là tội làm giấy giả vậy.
Nhà Hồ không làm vua được bao lâu, nhưng mà công việc sửa sang cũng nhiều. Trước hết Hồ Quý Ly chỉnh đốn việc võ bị: bề ngoài tuy lấy lễ mà đối đãi với nhà Minh, nhưng vẫn biết nhà Minh có ý muốn dòm đất An Nam, cho nên thường cứ hỏi các quan rằng: “Ta làm thế nào cho có 100 vạn quân để đánh giặc Bắc?” Bèn lập ra hộ tịch bắt người trong nước cứ 2 tuổi trở lên thì phải biên vào sổ, ai mà ẩn lậu thì phải phạt. Đến lúc hộ tịch làm xong rồi, số người từ 15 tuổi đến 60 tuổi hơn gấp mấy phần lúc trước. Từ đó số quân lại thêm ra được nhiều.
Còn như thuỷ binh để giữ mặt sông, mặt bể thì Quý Ly bắt làm những thuyền lớn ở trên có sàn đi, ở dưới thì để cho người chèo chống, thật tiện cho sự chiến đấu.
Tuy rằng nhà Hồ trước đã phòng bị, nhưng mà tướng nhà Minh biết rằng người An Nam không phục họ Hồ, bèn làm hịch kể tội họ Hồ, và nói rằng quân Tàu sang là để lập dòng dõi nhà Trần lên, cứu cho dân khỏi sự khổ sở.
Quân Hồ bấy giờ cả thuỷ và bộ được 7 vạn, giả xưng là 21 vạn, rồi phân quân bộ ra làm hai đạo đi men hai bên sông, quân thuỷ đi giữa, tiến lên Hàm Tử Quan. Vừa đến nơi bị quân Minh hai mặt xông lại đánh, quân bộ của nhà Hồ đương không nổi, bỏ chạy cả, phần thì hàng giặc, phần thì chạy xuống sông chết đuối. Còn thuỷ quân thì chạy thoát được, nhưng bao nhiêu thuyền lương thì đắm mất cả.
Xem công việc của Hồ Quý Ly làm thì không phải là một người tầm thường, nhưng tiếc thay một người có tài kinh tế như thế, mà giả sử cứ giúp nhà Trần cho có thỉ chung, thì dẫu giặc Minh có thế mạnh đến đâu đi nữa, cũng chưa hầu dễ đã cướp được nước Nam, mà mình lại được cái tiếng thơm để lại nghìn thu. Nhưng vì cái lòng tham xui khiến, hễ đã có thế lực là sinh ra bụng muốn tranh quyền cướp nước. Bởi thế Hồ Quý Ly mới làm sự thoán đoạt, và nhà Minh mới có cái cớ mà sang đánh lấy nước An Nam. Cũng vì cái cớ ấy, cho nên lòng người mới bỏ họ Hồ mà theo giặc, để đến nỗi cha con họ Hồ thua chạy, bị bắt, phải đem thân đi chịu nhục ở đất nước người!
Nhưng đấy là cái tội làm hại riêng cho một họ Hồ mà thôi, còn cái tội làm mất nước Nam, thì ai gánh vác cho Quý Ly? May mà sau có một tay đại anh hùng là vua Lê Thái Tổ hết sức ra tay trong hơn 10 năm trời, cứu vớt được người mình ra khỏi tay quân Tàu, chứ không thì cái khổ làm nô lệ nước Tàu lại biết mấy mươi đời nữa mới giải thoát được.
Nhà Minh không phải có yêu gì nhà Trần mà sang đánh họ Hồ, chẳng qua là nhân cái cớ nhà Trần mất ngôi mà đem binh sang lấy nước Nam. Lại nhân vì người An Nam ta hay có tính ỷ lại, có việc gì thì chỉ muốn nhờ người, chứ tự mình không biết kiên nhẫn, không có cố gắng mà làm lấy. Một ngày vì nữa mà còn lạ cái lòng hùm beo của người Tàu, thế mà hễ khi nào trong nước có biến loạn, lại chạy sang van lạy để rước chúng sang. Khác nào đi rước voi về giày mồ vậy.
Dẫu người Tàu có lòng vị nghĩa mà sang giúp mình nữa thì nghĩ cũng chẳng vẻ vang gì cái việc đi nhờ người ta, huống chi kỳ thực thì lúc nào chúng cũng chực đánh lừa mình, như đánh lừa trẻ con, để bóp cổ mình, thế mà người mình vẫn không biết cái dại, là tại làm sao?
Tại là cái nghĩa dân với nước ta không có mấy người hiểu rõ. Nhà nào làm vua, cho cả nước là của riêng của nhà ấy; hễ ai lấy mất thì tìm cách lấy lại, lấy không được thì lại đi nhờ người khác lấy lại cho, chứ không nghĩ đến cái lợi chung trước cái lợi riêng, cái quyền nước trước cái quyền nhà, thế cho nên mình cứ dại mãi, mà vẫn không biết là dại.
Xem như lúc còn nhà Trần, nhà Minh đã có ý lấy đất An Nam, sau nhà Trần mất rồi lại dùng lời nói khéo, và lấy tiếng điếu phạt đem binh sang đánh họ Hồ. Đến khi bắt được cha con Hồ Quý Ly rồi, lại bày kế để chiếm giữ đất An Nam: giả treo bảng gọi con cháu họ Trần, rồi bắt quan lại và kỳ lão làm tờ khai rằng: Họ Trần không còn ai nữa và đất An Nam vốn là đất Giao Châu ngày trước, nay xin đặt quận huyện như cũ.
Những sách ấy bây giờ không biết mất đâu cả, không thấy quyển nào nữa, thật là một cái thiệt hại cho người nước mình.
Trừ những quan lại ở bên Tàu sang cai trị ra không kể, những người An Nam theo hàng nhà Minh, khéo đường xu nịnh, được làm quan to, lại càng ỷ thế của giặc, làm những điều tàn bạo hung ác hơn người Tàu. Vả, trong những lúc biến loạn như thế, thì những đồ tham tàn gian ác, không có nghĩa khí, không biết liêm sỉ, lại càng đắc chí lắm, cho nên dân tình cực khổ, lòng người sầu oán. Cũng vì lẽ ấy, có nhiều kẻ tức giận nổi lên đánh phá, làm cho trong nước không lúc nào được yên ổn.
Đã mấy đời làm nghề canh nông, nhà vẫn giàu có, lại hay giúp đỡ cho kẻ nghèo khó, cho nên mọi người đều phục, và những tôi tớ ước có hàng nghìn người. Ông Lê Lợi khảng khái, có chí lớn, quan nhà Minh nghe tiếng, đã đỗ cho làm quan, nhưng ông không chịu khuất, thường nói rằng: “Làm trai sinh ở trên đời, nên giúp nạn lớn, lập công to, để tiếng thơm cho muôn đời, chứ sao lại chịu bo bo làm đầy tớ người!” Bèn giấu tiếng ở chỗ sơn lâm, đón mời những kẻ hào kiệt, chiêu tập những kẻ lưu vong.
Đến khi quân Mỹ Kỳ đến, phục binh của vương đổ ra đánh, đuổi được quân nghịch, nhưng vì thế yếu lắm chống giữ không nổi, vương phải bỏ vợ con để giặc bắt được, đem bại binh chạy về đóng ở núi Chí Linh.
Vương nhờ có ông Lê Lại chịu bỏ mình cứu chúa, mới trốn thoát được nạn lớn, rồi một mặt cho người sang Ai Lao cầu cứu, một mặt thu nhặt những tàn quân về đóng ở Lư Sơn.
Đang khi đôi bên còn đối địch, có 3 vạn người Lào giả xưng sang làm viện binh cho Bình Định vương. Vương không biết là dối, quân Lào nửa đêm kéo đến đánh, tướng của vương là Lê Thạch bị tên bắn chết. Nhưng mà quân ta giữ vững đồn trại, quân Lào phải lui về.
Từ khi Bình Định vương đem binh về Chí Linh, lương thực mỗi ngày một kém, trong 2 tháng trời quân sĩ phải ăn rau cỏ, có bao nhiêu voi ngựa làm thịt ăn hết cả. Tướng sĩ mỏi mệt, đều muốn nghỉ ngơi, xin vương hãy tạm hoà với giặc. Vương bất đắc dĩ sai Lê Trăn đi xin hoà. Quan nhà Minh bấy giờ thấy đánh không lợi, cũng thuận cho hoà.
Từ khi Bình Định vương khởi nghĩa cho đến giờ, đánh với quân nhà Minh đã nhiều phen, được thua đã trải qua mấy trận, nhưng quan nhà Minh vẫn lấy làm khinh thường, cho nên không tâu về cho Minh triều biết.
Khi các tướng nghe viện binh của quân Minh sắp đến, nhiều người khuyên vương đánh ngay lấy thành Đông Quan để tuyệt đường nội ứng, nhưng vương không nghe, bảo rằng: “Việc đánh thành là hạ sách, nay ta hãy cứ dưỡng binh súc nhuệ để đợi quân địch đến thì ra đánh. Hễ viện quân mà thua, thì quân trong thành tất phải ra hàng. Thế có phải làm một việc mà thành được hai không?”
Khi vua Thái tổ cao hoàng đế mới lên ngôi, tổ tiên tôi là Nhật Khuê vào triều cống trước nhất, bấy giờ ngài có ban thưởng, phong cho tước vương. Từ đó nhà tôi vẫn nối đời giữ bờ cõi, không bỏ thiếu lễ triều cống bao giờ.
Mới rồi nhân họ Hồ thoán nghịch, vua Thái Tông Văn hoàng đế đem quân sang hỏi tội. Sau khi đã dẹp yên rồi, ngài có hạ chiếu tìm con cháu họ Trần để giữ lấy dòng dõi cúng tế. Bấy giờ quan tổng binh Trương Phụ tìm chưa được khắp, đã xin đặt làm quận huyện.
Nguyên tôi lúc trước vì trong nước có loạn, chạy trốn vào xứ Lão Qua, cùng là muốn để tìm chốn yên thân mà thôi, không ngờ người trong nước, vẫn quan thói mọi, nhớ đến ân trạch nhà tôi thuở trước, lại cố ý ép tôi phải về, bất đắc dĩ tôi cũng phải theo.
Dẫu rằng trong khi vội vàng, bị người trong nước cố ép, nhưng cũng là cái tội tôi không biết liệu xử. Mới đây tôi đã có xin lỗi trước hàng quân, nhưng không ai chịu nghe, bấy giờ người nước tôi sợ phải tai vạ, liền đem nhau ra phòng bị các cửa ải, cũng là một kế giữ mình.
Ngờ đâu quan quân xa xôi mới đến thấy voi sợ hãi, tức khắc vỡ tan. Việc đã xảy ra như vậy, dẫu bởi sự bất đắc dĩ của người trong nước cũng là lỗi của tôi. Nhưng bao nhiêu những quân và ngựa bắt được đều phải thu dưỡng tử tế, không dám xâm phạm một tí gì.
Dám xin Hoàng thượng ngày nay lại theo như lời chiếu của vua Thái Tông Văn hoàng đế, tìm lấy con cháu họ Trần, nghĩ đến cái lòng thành vào triều cống trước nhất của tổ tiên tôi ngày xưa, mà xá cái tội to như gò núi ấy, không bắt phải cái phạt nặng bằng búa rìu, khiến cho tôi được nối nghiệp ở xứ nam, để giữ chức triều cống.
Từ Đinh, Lê, Lý, Trần, gây nền độc lập; cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên, hùng cứ một phương. Dẫu cường nhược có lúc khác nhau, song hào kiệt đời nào cũng có.
Bình Định vương dẹp xong giặc Minh rồi, sai ông Nguyễn Trãi làm tờ bá cáo cho thiên hạ biết.
Bình Định vương là Lê Lợi có công dẹp giặc Minh, đem lại giang sơn cho nước nhà. Nhưng vì trước phải lấy cớ lập con cháu nhà Trần để cầu hoà với nhà Minh, cho nên phải tôn Trần Cao lên làm vua. Nay việc chiến tranh đã xong, lòng người theo về Bình Định vương, mà Trần Cao cũng biết chừng không ai để cho mình ở yên, bèn trốn vào châu Ngọc Ma nhưng bị quan quân đuổi bắt được, đem về bắt phải uống thuốc độc mà chết.
Vua Thái Tổ sai sứ sang cầu phong bên Tàu, nhưng mà nhà Minh không chịu, bắt phải tìm con cháu nhà Trần để lập lên làm vua. Sứ nhà Minh đi về hai ba lần, sau vua Thái Tổ bắt các quan viên và phụ lão trong nước làm tờ khai rằng con cháu nhà Trần thật không còn ai nữa, và xin phong cho ngài là Lê Lợi làm vua.
Trong nước bấy giờ có nhiều người du đãng cứ rượu chè cờ bạc, không chịu làm ăn tử tế, vậy nên đặt ra phép nghiêm để trừng trị: ai đánh đổ bác bắt được phải chặt ngón tay mất ba phân; đánh cờ, bắt được phải chặt ngón tay mất một phân; không có việc gì quần tụ nhau để rượu chè, phải đánh 100 trượng, người dung chứa những kẻ ấy cũng phải tội, nhưng mà được giảm đi một bậc.
Sự nghiêm phạt như thế, thì có thái quá thật, vì là làm tàn hại đến thân thể người ta, nhưng mà cũng có công hiệu, khiến cho trong nước bớt có thử người cả đời không chịu làm gì, chỉ đi đánh lừa người mà kiếm ăn.
Vua Thái Tổ vẫn là một ông vua anh tài, đánh đuổi được giặc Minh, mà lại sửa sang được nhiều công việc ích lợi cho nước, nhưng khi ngài lên làm vua rồi, có tính hay nghi ngờ, chém giết những người công thần như ông Trần Nguyên Hãn và ông Phạm Văn Xảo. Hai ông ấy giúp ngài đã có công to, về sau chỉ vì sự gièm pha mà đều phải chết oan cả.
Nghĩ mà buồn thay cho mấy người công thần đời xưa, chỉ lầm về hai chữ công danh, mà đem tấm lòng son sắt đi phù tá quân vương lúc nguy nan, mong được chút hiển vinh để cho thoả cái chí trượng phu ở đời. Ngờ đâu: chim bay đã hết, cung tốt cất đi, thỏ nhanh chết rồi, chó săn phải giết; đến khi công việc xong rồi, thì không những là một thân mình cũng không được trọn vẹn mà cả họ hàng thường cũng phải vạ lây.
Bầy giờ ông Nguyễn Trãi đã về trí sĩ ở trại Côn Sơn. Khi vua đi qua đó có vào thăm, và thấy người hầu ông là Nguyễn Thị Lộ có tài sắc, bèn bắt theo hầu. Khi đến huyện Gia Định thì vua mất. Triều đình đổ tội cho Nguyễn Thị Lộ giết vua, bắt ông Nguyễn Trãi làm tội và tru di cả ba họ.
Vua Thái Tông làm vua được 9 năm, thọ được 20 tuổi.
Người gia trưởng tự mình phải giữ lễ phép để cho cả nhà bắt chước; nếu con em làm càn, thì bắt tội người gia trưởng.
Ta phải biết rằng phàm những việc nước nọ giao thiệp với nước kia thì thường là người ta mượn tiếng “vị nghĩa” mà làm những việc “vị lợi” mà thôi.
Khi ấy lại có một người tướng giỏi tên là Trịnh Kiểm, ở làng Sóc Sơn. Ông Nguyễn KIm thấy người có tài, gả con gái là Ngọc Bảo cho, để cùng ra sức giúp nhà Lê, dứt nhà Mạc.
Nhưng Trịnh Cối hay say đắm tửu sắc, tướng sĩ không mấy người phục; lại có em là Trịnh Tùng ý muốn cướp quyền của anh, bèn cùng với bọn Lê Cập Đệ, Trịnh Bách rước vua về đồn Vạn Lại, rồi chia quân ra chống với Trịnh Cối.
Năm 1599, Trịnh Tùng thu xếp xong việc thông sứ với nhà Minh, và đã chịu nhường đất Cao Bằng cho con cháu nhà Mạc rồi, trong nước đã yên dần, bèn tự xưng làm Đô Nguyên Suý Tổng quốc chính Thượng phụ Bình An Vương, rồi định lệ cấp bổng cho vua. Còn những việc đặt quan, thu thuế, bắt lính, trị dân, đều thuộc về quyền họ Trịnh cả. Chỉ có khi nào thiết triều hay là tiếp sứ thì mới cần đến vua mà thôi.
Quân kia tuy nhiều, nhưng mà người đánh giỏi thì ít. Nếu đến đêm ta cho voi xông vào rồi đem đại quân đến đánh là chắc phá được.
Nước Chiêm Thành chính là nước Lâm Ấp ngày trước đã từng qua mấy trăm năm, cùng với họ Lý, họ Trần đối địch, chống với quân Mông Cổ, không cho xâm phạm vào cõi, lập nên một nước có vua, có tôi, có chính trị, có luật pháp. Nhưng chỉ hiềm vì người nước ấy cứ hay sang cướp phá ở đất Việt Nam thành ra hai nước không mấy khi hoà hiếu được với nhau.
Đã là đối địch thì không sao tránh khỏi được cái luật chung của tạo hoá là: khoẻ còn, yếu chết.
Nguyên ông tổ bốn đời của Nguyễn Nhạc là họ Hồ cùng một tổ với Hồ Quý Ly ngày trước, gặp lúc chúa Trịnh, chúa Nguyễn đánh nhau, bị bắt đem vào ở ấp Tây Sơn thuộc đất Qui Nhơn.
Anh em ông Nhạc muốn khởi loạn, mới lấy họ mẹ là Nguyễn để khởi sự cho dễ thu phục nhân tâm, vì rằng đất trong Nam vẫn là đất của chúa Nguyễn.
Vả lại Nhạc là một người có can đảm và lắm cơ trí; một hôm định vào lấy thành Qui Nhơn, bèn lập mưu, ngồi vào trong cái cũi, cho người khiêng vào nộp quan tuần phủ. Đến nửa đêm, Nhạc phá cũi ra, mở cửa thành cho quân mình vào đánh đuổi quan quân đi, giữ lấy thành Qui Nhơn làm chỗ căn bản.
Nhưng sau vì Đỗ Thanh Nhân cậy công lộng quyền, cho nên Nguyễn Vương mới giết đi. Cũng vì việc ấy cho nên Đông Sơn trước đã hết lòng giúp Nguyễn Vương, sau đều bỏ cả, và lại phản lại, thành ra lôi thôi phải đánh dẹp mãi.
Nguyễn Vương theo lời ấy, bèn giao Hoàng tử Cảnh và cái quốc ấn cho ông Bá Đa Lộc, lại làm tờ quốc thư cho ông ấy được quyền tự tiện sang thương nghị với chính phủ Pháp để xin viện binh.
Bấy giờ vua Hiển Tông đang đau, không ngồi dậy tiếp được, ngài mời Nguyễn Huệ vào ngồi gần sập ngự, lấy lời ôn tồn mà phủ dụ. Nguyễn Huệ tâu bày cái lẽ đem binh ra phù Lê diệt Trịnh, chứ không dám có ý dòm ngó gì. Vua mừng rỡ mà tạ Nguyễn Huệ.
Vua Chiêu Thống được tin vua Tây Sơn ra Bắc, bèn đem bách quan ra đón ở ngoài Nam Giao. Nhưng Nguyễn Nhạc cứ đi thẳng, rồi cho người đến nói rằng: xin để ngày khác tiếp kiến. Được mấy hôm Nguyễn Nhạc mời vua Chiêu Thống sang phủ đường làm lễ tương kiến. Nguyễn Nhạc ngồi giữa, vua Chiêu Thống ngồi bên tả, Nguyễn Huệ ngồi bên hữu, các quan văn võ đứng hầu hai bên.
Được ít lâu, Nguyễn Nhạc và Nguyễn Huệ có chuyện hiềm khích với nhau, Nguyễn Huệ đem binh vào vây đánh thành Qui Nhơn, ngặt đến nỗi Nguyễn Nhạc phải thân lên thành mà kêu khóc, gọi Nguyễn Huệ mà bảo rằng: “Nỡ lòng nào lại nồi da nấu thịt như thế.” Nguyễn Huệ động lòng mới giải vây rút quân về Thuận Hoá.
Những người làm quốc sử nước Tàu và nước ta thường chia những nhà làm vua ra là chính thống và nguỵ triều. Nhà nào, một là đánh giặc mở nước, sáng tạo ra cơ nghiệp, hai là được kế truyền phân minh, thần dân đều phục, ba là dẹp loạn yên dân, dựng nghiệp ở đất trung nguyên, thì cho là chính thống. Nhà nào, một là làm tôi cướp ngôi vua, làm sự thoán đoạt không thành, hai là xưng đế, xưng vương ở chỗ rừng núi, hay là ở đất biên địa, ba là những người ngoại chủng vào chiếm nước làm vua, thì cho là nguỵ triều.
Bấy giờ cứ theo như tờ mật dụ của vua nhà Thanh thì nước Nam ta, bề ngoài tuy chưa mất hẳn, nhưng kỳ thật đã vào tay người Tàu rồi.
Vậy nước đã mất, thì phải lấy nước lại, ông Nguyễn Huệ mới lên ngôi Hoàng đế, truyền hịch đi các nơi, đường đường chính chính, đem quân ra đánh một trận phá 20 vạn quân Tàu, tướng nhà Thanh là Tôn Sĩ Nghị phải bỏ cả ấn tín mà chạy, làm cho vua tôi nước Tàu khiếp sợ, tướng sĩ nhà Thanh thất đảm. Tưởng từ xưa đến nay nước ta chưa có võ công nào lẫm liệt như vậy.
Vua Quang Trung cười mà nói rằng: “Chúng nó sang phen này là mua cái chết đó thôi. Ta ra chuyến này thân coi việc quân đánh giữ, đã định mẹo rồi, đuổi quân Tàu về chẳng qua 10 ngày là xong việc. Nhưng chỉ nghĩ chúng là nước lớn gấp 10 lần nước ta, sau khi thua 1 trận rồi, tất chúng lấy làm xấu hổ, lại mưu báo thù, thế thì đánh nhau mãi không thôi, dân ta hại nhiều, ta sao nỡ thế. Vậy đánh xong trận này, ta phải nhờ Thì Nhiệm dùng lời nói cho khéo để đình chỉ việc chiến tranh. Đợi mươi năm nữa, nước ta dưỡng được sức phú cường rồi, thì ta không cần phải sợ chúng nữa.”
Ngô Thì Nhiệm vâng lệnh làm thư đại khái nói rằng: “Nước Nam vốn không dám chống cự với đại quốc, nhưng chỉ vì Tôn Sĩ Nghị làm nhỡ việc cho nên phải thua. Vậy nay xin tạ tội và xin giảng hoà.”
Vua Chiêu Thống đến Yên Kinh được mấy hôm, thì thấy quan Đô thống phụng chỉ vua nhà Thanh ra phong cho chức Tá Lĩnh, và ban cho áo mão quan tam phẩm. Còn các quan đi theo thì cấp cho mỗi người ba lạng bạc và một thạch gạo.
Đời Tây Sơn việc cai trị thường hay dùng chữ Nôm. Nhà vua muốn rằng người Việt Nam thì phải dùng tiếng Việt Nam, để gây thành cái tinh thần của nước nhà, và cái văn chương đặc biệt, không phải đi mượn tiếng mượn chữ của nước Tàu. Vậy nên khi thi cử thường bắt quan ra bài chữ Nôm và bắt sĩ tử làm bằng chữ Nôm. Thời bấy giờ nhiều người không hiểu rõ cái ý nghĩa sâu xa ấy, cho là vua Tây Sơn dùng hà chính mà ức hiếp nhân dân.
Vua Quang Trung thấy làng nào cũng có chùa chiền, mà những người đi tu hành thì ngu dốt, không mấy người đạt được cái đạo cao sâu của Phật, chỉ mượn tiếng thần thánh mà đánh lừa kẻ ngu dân, ngài xuống chiếu bắt bỏ những chùa lớn nhỏ ở các làng, đem gỗ gạch làm ở mỗi phủ mỗi huyện một cái chùa thật to, rất đẹp, rồi chọn lấy những tăng nhân có học thức, có đạo đức, ở coi chùa thờ Phật. Còn những người không xứng đáng thì bắt về làm ăn.
Lúc bấy giờ Nguyễn Vương ở Tiêm La vẫn có người đi về tin tức, biết có cơ hội lấy được đất Gia Định, mà cũng biết rằng người Tiêm La vẫn không giúp được cho mình lại còn có bụng ghen ghét.
Vương bèn để thư lại từ tạ vua Tiêm La, rồi nửa đêm đem vương mẫu và cung quyến xuống thuyền về nước.
Thế tổ khởi binh chống nhau với Tây Sơn ở đất Gia Định kể vừa 24 năm, mới dứt được nhà Tây Sơn, thu phục được giang sơn cũ của chúa Nguyễn khi xưa và họp cả nam bắc lại làm một mối.
Năm 1802, Thế Tổ về Kinh, đem vua tôi nhà Tây Sơn về làm lễ hiến phù ở đền Thái Miếu, rồi đem ra tận pháp trường xử trị. Lại sai quật mả vua Thái đức Nguyễn Nhạc và vua Thái tổ Nguyễn Huệ lên, đem vứt thây đi, còn đầu thì đem bỏ giam ở ngục tối.
Bộ Lại coi việc thuyên bổ quan văn, ban thưởng phẩm cấp, khảo xét công trạng, phong tặng tước ấm, thảo những tờ chiếu sắc cáo mệnh và làm những sổ các hàng quan lại.
Bộ Hộ coi việc đinh điền thuế má, tiền bạc chuyển thông, kho tàng chứa chất, hoá vật đắt rẻ.
Sự giết hại công thần.
Những người công thần như Nguyễn Văn Thành và Đặng Trần Thường đều bị giết hại trong khi vua Thế Tổ còn đang trị vì.
Nguyễn Văn Thành theo vua Thế tổ từ khi ngài mới khởi binh đánh Tây Sơn, chịu hết mọi đường khổ sở. Sau ra đánh Tây Sơn, lập được công lớn, đứng đầu hàng công thần.
Một hôm bãi triều rồi, ông Thành chạy theo nắm lấy áo vua mà kêu khóc rằng: “Thần theo bệ hạ từ thuở nhỏ đến bây giờ, nay không có tội gì mà bị người ta cấu xé, Bệ hạ nỡ lòng nào ngồi nhìn để người ta giết thần mà không cứu?” Vua Thế Tổ giật áo ra đi vào cung, rồi từ đó cấm không cho ông Thành vào chầu nữa, và sai Lê Văn Duyệt đem con Nguyễn Văn Thành ra tra hỏi, bắt phải nhận tội. Nguyễn Văn Thành sợ tội, uống thuốc độc mà chết, còn Nguyễn Văn Thuyên thì phải chém.
Ngài lại có cái đức tính rất tốt của những kẻ lập nghiệp lớn là cái đức tính biết chọn người mà dùng, khiến cho những kẻ hào kiệt ai cũng nức lòng mà theo giúp. Bởi vậy cho nên không những là ngài khôi phục được nghiệp cũ, mà lại thống nhất được sơn hà, và sửa sang được mọi việc, làm cho nước ta lúc bấy giờ thành một nước cường đại, từ xưa đến nay, chưa bao giờ từng thấy.
Công nghiệp của ngài thì to thật, tài trí của ngài thì cao thật, nhưng chỉ hiềm có một điều là khi công việc xong rồi, ngài không bảo toàn những công thần, mà lại lấy những chuyện nhỏ nhặt đem giết hại những người có công với ngài, khiến cho hậu thế ai xem đến những chuyện ấy lại thở dài mà thương tiếc cho những người ham mê hai chữ công danh về đời áp chế ngày xưa.
Phải biết rằng nước ta từ xưa đến nay, điều gì cũng theo Nho giáo, lấy tam cương ngũ thường làm căn bản cho sự ăn ở. Vua tôi, cha con, vợ chồng, ấy là cái khoá luân lý của xã hội mình. Ai tháo cái khoá ấy ra thì cho là không phải loài người nữa. Vậy con phải theo cha, tôi phải theo vua, ai trái với cái đạo ấy ra phải tội nặng, đáng chém giết.
Lúc trong nước mình từ vua quan cho chí dân sự, ai ai cũng lấy cái lý tưởng ấy làm phải, làm hay hơn cả, mà lại thấy có người bỏ đi theo đạo khác, nói những chuyện mà lúc bấy giờ lại không mấy người hiểu rõ ra thế nào thì tất cho là theo tả đạo, làm hư hỏng cái phong tục hay của mình. Bởi vậy cho nên nhà vua mới cấm, không cho người trong nước đi theo đạo mới.
Vua Thánh Tổ đã 30 tuổi mới lên ngôi vua, cho nên việc triều chính ngài đã am hiểu lắm. Việc gì ngài cũng muốn biết. Có khi xong buổi chầu rồi, ngài đòi một vài quan đại thần lên bàn mọi việc kinh lý và hỏi những sự tích đời xưa, những nhân vật và phong tục ở các nước xa lạ. Ngài chăm xem xét mọi việc, có khi đêm thắp đèn xem chương, sớ, đến trống hai, trống ba mới thôi. Thường thường ngài nói với các quan rằng: Lòng người ai cũng muốn ở yên, mà không muốn sinh sự ra để thay đổi luôn, nhưng lúc trẻ mạnh mà không sửa sang mọi việc, thì rồi đến lúc già yếu, mỏi mệt còn làm gì được. Bởi vậy cho nên trẫm không dám lười biếng lúc nào.
Tuy nhà vua có muốn lưu ý về việc binh lính, nhưng người mình lúc bấy giờ ai cũng trọng văn khinh võ, bình nhật không ai lo gì đến việc quân lính khí giới. Hễ có lâm sự thì mới rối lên. Dẫu răng nhà vua nay có chỉ dụ ra tập binh, mai có chỉ dụ ra tập trận mặc lòng, các quan chỉ làm cho xong việc, rồi lại bỏ mặc bọn quản đội làm thế nào thì làm. Thành ra quân số ở trong sổ sách thì nhiều, mà thế lực thì vẫn không đủ: ấy là về đời vua Thánh tổ mà còn thế, huống chi đến những đời sau, lại còn suy nhược hơn nữa.
Việc giao thiệp của nước Nam ta với các nước ngoại dương mà ngăn trở là bởi có hai lẽ: một là vì sự cấm giảng đạo Thiên chúa; hai là vì người nước mình lúc bấy giờ không hiểu thời thế, cứ tự đắc mình là văn minh hơn người, không chịu học tập như người ta mà theo đường tiến bộ.
Nhưng lúc bấy giờ tình thế đã nguy ngập lắm, vì từ đầu thế kỉ 19 trở đi, sự sinh hoạt và học thuật của thiên hạ đã tiến bộ nhiều mà sự cạnh tranh của các nước cũng kịch liệt hơn trước. Thế mà những người giữ cái trách nhiệm chính trị nước mình chỉ chăm việc văn chương, khéo nghề nghiên bút, bàn đến quốc sự thì phi Nghiêu, Thuấn, lại Hạ, Thương, Chu, việc mấy nghìn năm trước cứ đem làm gương cho thời hiện tại, rồi cứ nghễu nghện tự xưng mình hơn người, cho thiên hạ là dã man.
Xem lời ấy thì không phải là vua không muốn thay đổi. Chỉ vì vua thì ở trong cung điện, việc đời không biết rõ, phải lấy các quan làm tai làm mắt, mà các quan thì lại số người biết thì ít, số người không biết thì nhiều. Những người có quyền tước thì lắm người trông không rõ, nghe không thấy, chỉ một niềm giữ thói cũ cho tiện việc mình. Lại có lắm người tự nghĩ rằng mình đã quyền cả ngồi cao, thì tất là tài giỏi hơn người, chứ không hiểu rằng cái tài giỏi không cần phải nhiều tuổi, sự khôn ngoan không phải làm quan to hay là quan nhỏ. Cái phẩm giá của con người ta cốt ở tư tưởng, học thức, chứ không phải ở tiền của hay là ở quyền tước.
Tuy rằng lúc bấy giờ nước mình có lĩnh võ sinh, có quan võ tiến sĩ, nhưng mà thời đại đã khác đi rồi, người ta đánh nhau bằng súng nạp hậu, bằng đạn trái phá chứ không bằng gươm bằng giáo như trước nữa. Mà quân lính của mình mỗi đội có 50 người thì chỉ có 5 người cẩm súng điểu thương cũ, phải châm ngòi mới bắn được, mà lại không luyện tập, cả năm chỉ có một lần tập bắn. Mỗi người lính chỉ được bắn có 6 phát đạn mà thôi, hễ ai bắn quá số ấy thì phải bồi thường.
Vua tuy có quyền lớn thật, nhưng không được làm điều gì trái phép thường. Khi vua có làm điều gì lầm lỗi, thì các quan Giám sát ngự sử phải tau bày mà can ngăn vua. Trừ những ông vua bạo ngược không kể, thường là các vua phải nghe theo lời can ngăn của các quan.
Quyền tự trị của dân làng: Quan của triều đình bổ ra chỉ có đến phủ huyện, còn từ tổng trở xuống thuộc về quyền tự trị của dân. Dân tự chọn lấy người của mình mà cử ra coi mọi việc trong hạt.
Làng hay xã là phần tử cốt yếu của dân. Phong tục, lệ luật của làng nào hay làng ấy, triều đình không can thiệp đến, cho nên tục ngữ có câu: “phép vua thua lệ làng.” Làng có hội đồng kì dịch do dân cử ra để trông coi hết cả mọi việc. Hội đồng ấy thay mặt làng mà giao thiệp với quan tư, có tuần đinh chuyên coi việc cảnh sát trong làng. Khi một người nào can phạm việc gì thì quan trách cứ ở làng, cho nên ai đi đâu hay làm việc gì cũng phải lấy làng làm gốc.
Mỗi phường có thợ cả, thợ phó và thợ, và phường nào có tục lệ của phường ấy. Những người làm nghề thợ thường là người ít học, quanh năm ngày tháng đi làm thuê làm mướn chỉ được đủ ăn mà thôi.
Nguyên sự học ngày xưa có cái mục đích chân chính là học cho hiểu đạo lý, biết phải trái, và luyện tập tâm tính cho thành người có tiết tháo và có phẩm cách cao quý, để gặp thời thì ra giúp nước giúp dân, nếu không, thì làm người ngay chính trong xã hội. Sau dần dần vì sự sanh hoạt ở đời, sự học hành thành ra cái học chuyên về mặt cử nghiệp, nghĩa là học chỉ cốt lấy đỗ để ra làm quan. Người đi học đã đỗ đạt rồi, tự tin là mình tài giỏi, chỉ vụ lấy cái hoa mỹ bề ngoài để loè người, chứ không thiết gì đến sự thực học. Tựu trung cũng có người muốn thi đỗ để lấy chút danh phận rồi về ở nhà học thêm hay dạy học. Nhưng đại đa số chỉ mong đỗ để đi làm quan vì làm quan là có địa vị tôn quý, ngoài ra không có gì hơn nữa.
Ấy là dùng hư văn mà xét tài thực dụng, đem sự hoa mỹ làm mực thước đo tài kinh luân. Bởi vậy ai hay kinh nghĩa đã nghĩ mình hơn người, ai tài thi phú đã tưởng mình giỏi nghề trị nước. Việc đời thì tối tăm mờ mịt mà lại tự phụ kiêu căng, cho thiên hạ như rơm rác, coi mình như thần thánh.
Nhà vua cấm như thế cũng là có ý muốn cho dân không quen thói xa hoa hoang phí, chỉ trừ những người lam quan làm tư mới có cái đặc ân được ăn mặc hơn người. Cũng vì thế cho nên người trong nước ai cũng mong được đi làm quan cho hiển đạt cái thân hình và cho rỡ ràng mẹ cha, chứ không lo nghĩ làm việc gì khác nữa. Hễ ai đi học mà vì lẽ gì thi không đỗ, làm quan không được, thì bức chí quay ra làm giặc để tìm cách hiển vinh, thành ra trong nước hay có giặc giã.
Quân Pháp và quân Iphanho ở Sài Gòn lúc bấy giờ chỉ có độ 1000 người mà quân của Việt Nam ta thì có đến hơn 1 vạn người. Nhưng mà quân ta đã không luyện tập, lại không có súng ống như quân Tây, thì đánh làm sao được. Bởi vậy cho nên xem trận đồ của Việt Nam ta từ đầu cho đến cuối, chỉ còn cách đào hầm đào hố làm thế thủ, chứ không bao giờ có thể công.
Có nhà chép sử trách Nguyễn Bá Nghi rằng tuy ông ấy muốn giảng hoà, nhưng không chịu nhường đất, cứ lấy lý mà cãi, chứ không biết rằng thời buổi cạnh tranh này, hễ cái sức đã không đủ, thì không có cái lý gì là phải cả. Vả chăng quân nước Pháp đã sang đánh lấy mấy tỉnh ở Nam kỳ là cốt để làm thuộc địa, lẽ nào tự nhiên lại đem trả lại. Bởi vậy sự giảng hoà cứ lôi thôi mãi không xong.
Bấy giờ luật nước ta cấm không cho chở muối sang Tàu, mà việc thông thương ở sông Hồng Hà cũng chưa định rõ thế nào, nhưng Đồ Phổ Nghĩa từ xưng là có lệnh quan Tàu cho, thì không cần phải theo luật nước Nam, vì nước Nam là một nước phải thần phục nước Tàu.
Đồ Phổ Nghĩa không hiểu rõ sự giao thiệp nước Tàu và nước ta ngày trước. Đối với Tàu thì bề ngoài nước ta tuy xưng cống thần, nhưng kỳ thực vẫn là độc lập. Khi có việc gì, phải có sứ hai nước sang thương nghị thì mới thi hành. Mà có khi sứ nước tàu sang bàn điều gì, nước ta không thuận thì cũng thôi, chứ không cho phép tự tiện mà làm được.
Nước ta mà không chịu khai hoá ra như các nước khác là cũng bởi bọn sĩ phu cứ giữ thói cũ, không chịu theo thời thế mà thay đổi. Nay sự suy nhược của mình đã sờ sờ ra đấy, thế mà vẫn cứ không chịu mở mắt ra mà nhìn, lại vì sự tức giận một lúc mà việc nông nổi càn rỡ, để cho thiệt hại thêm, như thế thì cái tội trạng của bọn sĩ phu đối với nước nhà chẳng to lắm ư!
Từ đó nước Tàu cứ bị các nước sách nhiễu mọi điều và bị đè nén nhiều cách. Lúc ấy nước Tàu chẳng khác gì cái nhà lớn đã hẩm nát sắp đổ, mà ta vẫn không tỉnh ngộ, cứ mê mộng là nước ấy còn cường thịnh, có thể giúp ta được trong khi nguy hiểm.
Chẳng qua là người mình hay có tính ỷ lại, cho nên mới đi kêu cầu người ta, chớ không biết rằng người Tàu giữ nước Tàu không xong còn đi cứu ai được. Tuy vậy, không những là Tàu không cứu được mình mà lại còn muốn nhân dịp để mượn tiếng sang lấy nước mình.
Tôn Thất Thuyết là người tính nóng nảy, dữ dội, ai cũng khiếp sợ. Nhưng tài năng thì kém mà lại nhát gan, cho nên đa nghi và hay chém giết. Nguyễn Văn Tường là người ở Quảng Trị, thi đỗ cử nhân, thật là một người có tài trí, giỏi nghề giao thiệp, nhưng chỉ có tính tham lam và lại tàn nhẫn.
Hai ông ấy chuyên giữ triều chính. Trong triều từ hoàng thân quốc thích cho đến các quan, ai có điều gì trái ý hai ông ấy là bị giam chấp hay chém giết cả.
Tôn Thất Thuyết thấy quan Pháp ra oai như thế, phần thì tức giận, phần thì sợ, lại nhân lúc bấy giờ mời có điềm động đất, mới nghĩ bụng rằng đấy là điềm trời xui khiến bèn quyết ý sửa soạn để đánh nhau.
Ông Bửu Lân bấy giờ mới lên 10 tuổi, đang cùng mẹ phải giam ở trong ngục. Triều đình vào rước ra, tôn lên làm vua, đặt niên hiệu là Thành Thái.
Khi bên Âu châu có cuộc đại chiến thì bên ta lại có việc đánh phá ở Sơn La và Sầm Nứa và việc vua Duy Tân mưu sự độc lập, bị bắt đày sang ở đảo Reunion. Thế là nước Việt Nam bấy giờ có 3 ông vua bị đày: vua Hàm Nghi đày sang sứ Algerie, vua Thành Thái và vua Duy Tân đày sang ở đảo Reunion.
Có một điều thiết tưởng nên nhắc lại là ta nên giữ lấy những điều hay của ta vẫn có, bỏ những điều hủ bại đi, và bắt chước lấy những điều hay của người, để gây lấy cái nhân cách đặc biệt của dân tộc ta và cùng tiến với người mà không lẫn với người. Muốn được như thế, ta phải biết phân biệt cái hay cái dở, không ham muốn những cái huyền hão bề ngoài, rồi đồng tâm hiệp lực với nhau mà làm mọi việc cho thành cái hiệu quả mĩ mãn.
Nước nào cũng có lúc bĩ lúc thái, đó là cái công lệ tuần hoàn của tạo hoá trong thế gian. Tự xưa chưa thấy có nước nào cứ thịnh mãi hay cứ suy mãi. Khi lâm vào cảnh bĩ mà người trong nước cứ giữ vừng lòng giữ được cái nghị lực để sinh tồn và tiến hoá, thì rồi thế nào cũng có ngày chấn khởi lên được.