Tiếc rằng, do những khuất lấp về nhân thân cộng với việc thiếu đi ý thức phục hồi những giá trị tinh thần lớp người đi trước để lai của hậu sinh khiến cho những công trình của ông hầu như vắng bóng trong nhận thức của bạn đọc ngày hôm nay.


Ai nấy đều biết, mỗi dân tộc có một bản sắc riêng, nó giúp chúng ta phân biệt được dân tộc này với dân tộc khác. Bản sắc ấy vẫn thường phát lộ trong sinh hoạt hàng ngày, trong hành động cũng như trong cách phản ứng thuộc về tình cảm tư tưởng.

Dựa theo quan niệm duy tâm, người ta cho đó là biểu thị “tinh thần” riêng của dân tộc ấy. Giải thích theo quan niệm thần bí, nó lại là “khí thiêng” của đất nước. Những lối lý luận tiên thiên này không thoả mãn được sự thắc mắc của những người thiết thực hơn.


Chữ “Bách” đối với người Tàu chỉ có nghĩa là nhiều thôi: bách tính = trăm họ, tức nhiều họ, tức dân chúng có nhiều họ khác nhau; chứ đâu phải 100 là đúng 100.


Trong xã hội thị tộc mẫu hệ, quyền gia trưởng quy cả vào tay một người đàn bà có cả một bầy con khác bố sống chung dưới một nếp nhà. Người đàn bà được quyền chung chạ với nhiều người đàn ông. Con chỉ biết có mẹ mà không biết có cha. Tài sản là của chung cho cả thị tộc.


Hoặc để phân biệt thứ tự trên dưới trong đoàn thể nữa. Bởi vậy có tục vẽ mình.

Ngoài công dụng ấy, người ta còn biết được rằng tục vẽ mình còn có một công dụng nữa về chiến tranh: hình vẽ ghê gớm hoà theo với bộ điệu doạ nạt và khiêu khích gieo được những cảm giác kinh hoàng vào tâm hồn kẻ thủ.


Về cách ăn vận của người Việt Nam xưa, chúng ta cũng chỉ biết được một cách sơ sài. Mãi xưa kia có lẽ họ chỉ mang khố và đội mũ lông chim phảng phất giống hình người còn ghi trên trống đồng hay chân tảng đá (đào được). Rồi sau với nông nghiệp tiến bộ, họ mới biết thay đổi y phục mà búi tóc, quấn khăn, mặc áo khép về tay trái hay áo mở giữa như y phục hiện thời của đàn bà Mường ngày nay.


Chủ nghĩa đa thần còn để nhiều vết tích trong các làng tự trị Việt Nam ngày nay với những vị thần hoàng riêng của mỗi làng, với những bà chúa riêng của từng xóm.

Sống giữa thiên nhiên hoang dã mà mỗi biểu thị là một sức mạnh kinh hoàng, người Việt Nam xưa đã qua những giờ khủng khiếp. Nào sấm vang, sét nổ, mưa bão kêu gào. Mãnh thú gầm thét, cây cối rung chuyển, thác réo ầm ầm. Rồi một ngọn núi cao vút trời, một con sông rộng mênh mang cũng làm cho người cổ thời hoảng sợ.


Theo sử, dân gian họp thành nhiều thôn ấp dưới quyền quản trị của lạc tướng. Các lạc tướng phải phục tùng các lạc hầu có thái ấp rộng lớn hơn. Các lạc hầu lại phải thần phục một vị bá chủ là lạc vương (hùng vương). Con trai lạc vương là quan lang, con gái lạc vương là mị nương. Các quan nhỏ là bố chính.


Nước Trung Hoa đã có một nền văn minh rất sớm, mà về thời Thuấn Nghiêu cũng chưa tiến được xa hơn chế độ thị tộc mẫu hệ, thì đời Hồng Bàng bắt đầu trước đời Thuấn Nghiêu, đã làm sao có được một nền văn minh cao hơn văn minh Trung Quốc thuở bấy giờ, mà kiến thiết nổi một triều chính có lễ nghi và một tổ chức chính trị có hệ thống với lạc tướng, lạc hầu…

Có chăng đi nữa, họ Hồng Bàng chỉ là một thị tộc thế lực nhất định trong các bộ lạc của người Việt Nam xưa, khi mới định cư tại xứ Bắc Kỳ. Sau này các sử gia bằng vào thể cách tổ chức xã hội phong kiến quân chủ đương thời mà thêu dệt cho đời Hồng Bàng một hình thức chính trị tương đương. Song theo quan điểm sử học biện chứng, chính thể này không thể phù hợp với nền tảng kinh tế lạc hậu thuở bấy giờ.


Buổi đầu đẳng cấp quý tộc bản xứ (lạc tướng, lạc hầu) không phản đối những cuộc cải cách ấy vì quyền lợi thế tập của họ không bị phạm tới. Nhưng khi các quan lại Tàu định can thiệp hẳn vào quyền nội trị của họ như định lựa chọn người bản xứ để lập một ngạnh quan lại hạ cấp và một đội quân thường trú, khiến số người thoát ly hệ thống phong kiến một ngày một đông, họ sợ quyền lực của họ bị thâu đoạt, họ bèn ngấm ngầm chống lại và chỉ đợi cơ hội để nổi loạn.


Mà ngay trong các quan lại Tàu, mỗi khi Trung Quốc có loạn, quyền trung ương bị lung lay không thấu đến các xứ “phiên bang”, thường cũng tự tiện chiếm lấy đất Giao Châu làm lãnh thổ của mình.


Cuộc đô hộ của người Tàu đem nhiều biến cải trong phong tục cổ của người Việt Nam đã thấm nhuần văn hoá Trung Quốc mà họ cảm sâu xa thấy cao hơn nền văn hoá cũ của họ nhiều. Nên về mặt học thuật và tư tưởng, ngay từ buổi đầu suốt trong lịch sử chúng ta không nhận thấy một cuộc bài xích nào đối với văn minh Trung Quốc cả. Trái lại người Việt Nam xưa vẫn vui lòng đón tiếp hết thảy tư tưởng và lễ nghi của Trung Quốc truyền sang mà áp dụng vào cuộc sinh hoạt xã hội của mình. Đạo Khổng, đạo Lão, đạo Phật vừa du nhập đã được dân chúng hoan nghênh. Cọ xát với văn minh Trung Quốc, bao phong tục man rợ của người Việt Nam cổ thời đã dịu đi: tục đàn bà goá phải lấy anh, em trai của chồng cho của cải khỏi lọt sang tay người khác mất hẳn. Địa vị người đàn ông đã nâng cao lên. Quyền gia trưởng được tuyệt đối.


Thuyết Tam Hoàng đánh dấu ba chặng đường tiến hoá của nhân loại và dân tộc Hán:

  1. Thời kì loài người phát minh ra lửa lấy Toại Nhân làm biểu trưng.
  2. Thời kì du mục lấy Phục Hy làm biểu trưng.
  3. Thời kì nông nghiệp lấy Thần Nông làm biểu trưng.

Bởi các mâu thuẫn chính trong xã hội chưa giải quyết nên chính thể quân chủ Việt Nam chưa vững, các vương triều chóng suy vi và quyền chuyên chế chưa có thể thiết lập ngay được. Ông vua trong giai đoạn này hãy còn là một vị tướng suý mạnh hơn các vị tướng suý khác vẫn lăm le chực cướp chính quyền và ngấm ngầm ủng hộ phong trào phân chia còn sôi nổi. Giữa đẳng cấp thống trị, quyền lợi xung đột nhau dằng dai chưa dứt. Tình trạng xã hội và chính trị này thúc bách vua Đinh Tiên Hoàng đến chính sách cực đoan để bảo vệ quyền trung ương luôn luôn bị xâm phạm: đặt vạc dầu và nuôi hổ báo để trị tội các phạm nhân.


Nguyên nhân sự suy vong của nhà Trần đã nằm sẵn trong tình thế lịch sử của xã hội Việt Nam thủa bấy giờ chứ đâu riêng ở cách cai trị đổ nát của mấy ông vua cuối triều.

Trong các vấn đề cấp bách, vấn đề điền địa là trọng yếu hơn cả, một phần lớn dân không có đất để cày cấy. Những khoảng đất bồi dọc ven biển đã nhỏ hẹp lại thường bị phái quý tộc và bọn quan liêu cùng cường hào chiếm đoạt.


Lá cờ của hai lãnh tụ Tây Sơn phất đến đâu thì cả quần chúng nông dân bị áp bức đều hùa theo. Quân lính của chúa Nguyễn và chúa Trịnh bị quyền lợi của đẳng cấp lôi cuốn cũng đứng lên hưởng ứng nốt, nên cuộc chiến thắng của anh em Nguyễn Huệ đâu đâu cũng được dễ dàng và nhanh chóng.

Tài dùng binh của Nguyễn Huệ cũng có, song sự thành công chính ở chỗ Nguyễn Huệ biểu thị được đúng ý nguyện của quần chúng nông dân lúc bấy giờ: đánh đổ phái quý tộc. Có cả gần một dân tộc làm hậu thuẫn, anh em Tây Sơn thắng là lẽ dĩ nhiên.


Nhà Tây Sơn dấy nghiệp lên được cũng nhờ sức ủng hộ hiệu quả của nông dân đang khát khao thoát ly phạm vi quý tộc. Nông dân ra tranh đấu để mong thoả mãn yêu sách cấp bách của đẳng cấp: họ muốn hoà bình để làm ăn, họ muốn giảm thuế khoá và binh dịch; họ muốn cấp tốc được quân phân điền địa tập trung trong tay phái quý tộc, đại địa chủ và quan liêu.

Nhà Tây Sơn đáng lẽ phải thoả mãn những yêu sách khẩn cấp ấy, lại gây dựng nên một vương triều mà tính cách cũng không khác các triều đại trước. Những yêu sách của nông dân bị bỏ lửng.

Nông dân không được thoả mãn thành hững hờ đối với nhà Tây Sơn. Sức ủng hộ của họ đã mất. Thêm việc không dùng chữ Hán làm quyền lợi của đẳng cấp nho sĩ rất thế lực trong xã hội Việt Nam bị nguy. Đẳng cấp này phản động lại gây ra những cuộc âm mưu phá huỷ ưu thế nhà Tây Sơn.


Huống chi vua Quang Trung lại còn dự bị chinh chiến với Trung Quốc để chiếm lại Quảng Đông và Quảng Tây mong thu gom hết đất đai cũ của Việt Nam, làm dân chúng đã chán ghét chiến tranh, lại thêm thất vọng thêm một tầng nữa. Cái ý định xâm lăng Trung Quốc của vua Quang Trung do tình thế lịch sử đặc biệt của xã hội Việt Nam thuở bấy giờ cấu tạo nên chứ đâu phải tham bọng ngông cuồng của một vị anh hùng. Thật vậy, xét tình trạng xã hội Việt Nam thuở ấy, triều đại Tây Sơn ấp ủ nhiều tính cách bonapartistes.

Xã hội Việt Nam thời ấy cũng tương tự xã hội Pháp thời Napoleon trong nhiều tính cách.

Sau cuộc cách mạng Tư sản dân quyền, xã hội Pháp làm sân khấu cho hai khối lực lượng gần ngang nhau xung đột: một bên khối tư sản vừa chiến thắng ở cuộc cách mạng đảo phong kiến xong, nhưng chính quyền chưa nắm được vững trong tay, một bên thợ thuyền và một số nông dân cũng nổi dậy định cướp chính quyền. Hai khối ấy đương đầu nhau nhưng chưa bên nào thắng bại hẳn. Giữa tình trạng xã hội phân tranh này, Napoleon nhảy lên sân khấu chính trị đóng vai trò trọng tài, tựa trên quân lực và sắc lệnh mà cai trị. Nếu khối tư sản quá mạnh, Napoleon lấy lực lượng của thợ thuyền và nông dân chọi lại, và ngược lại.


Kỹ thuật canh tác vẫn giữ nguyên xưa. Vẫn lưỡi cày bằng kim loại. Vẫn sức kéo bằng trâu bò. Vẫn cấy mạ bằng tay, cắt lúa bằng hái… Sau này số dân đông thêm và bành trướng mãi, đất đai phải mở rộng về phương nam mà kĩ thuật canh tác vẫn không đổi. Toàn thể dân chúng vẫn sống bằng nông nghiệp.

Nền kiến trúc kinh tế tê ngừng như vậy, nên nó cứ phải cấu tạo ra một hình thức chính trị tương phù: chế độ quân chủ bất biến. Bởi vậy xã hội nông nghiệp vẫn bày ra một trạng thái ngưng trệ trong mọi hình thức hoạt động: chính trị và văn hoá, tôn giáo, phong tục vẫn còn giữ sắc thái xưa tuy đã dãi dầu hằng bao thế kỷ.


Do sự phản ứng của chính sách chính trị và kinh tế này mà tính cách đẳng cấp ở xã hội Trung Quốc khác tính cách đẳng cấp của xã hội Tây phương. Bên Tây phương biên giới đẳng cấp đóng chặt và quy định rõ ràng. Trái lại ở Trung Quốc biên giới giữa các đẳng cấp vẫn tương thông và linh động. Người thường dân do các cuộc thi cử lựa chọn hay do tài năng lỗi lạc của mình cũng có thể gia nhập vào đẳng cấp thống trị khi đã chiếm được một địa vị trong các ngạch quan lại của triều đình.


Được làm vua, thua làm giặc.

Đến quyền sở hữu về lãnh thổ quốc gia cũng được dân chúng phê phán xác đáng:

Ở đời muôn sự của chung,
Ai khéo vẫy vùng thì thành của riêng.

Cho nên cũng vì triển vọng chính trị này mà trong hàng quan lại cao cấp của nhiều vương triều vẫn có lắm kẻ mưu đồ thoán nghịch “để đoạt ngôi trời.” Vì tính cách đẳng cấp này mà trong mỗi đám giặc cỏ, những tay thủ lĩnh tầm thường cũng hằng dám vuốt ve cái mộng “bá đồ.” Vì tình trạng xã hội này mà triều đại nào cũng tìm hết cách diệt trừ những kẻ bị ngờ là có dị chí. Cho nên sau khi đoạt được ngôi vàng, các vua sáng nghiệp thường quay lại giết các công thần. Bên Trung Quốc, Lưu Bang mưu giết Hàn Tín, bên Việt Nam vua Lê Lợi hại Trần Nguyên Hãn và Phạm Văn Giảo.


Về địa thế, nước Việt Nam từ bắc vào nam lại có nhiều khu phân cách nhau do những rặng núi chạy ngang từ dải Trường Sơn đâm ra biển. Từ khu này sang khu khác có những đèo chắn ngang: Hoành Sơn, Hải Vân, đèo Cả… thường làm gián đoạn sự liên lạc của người trong nước, làm trở ngại cho cuộc sinh hoạt chung của quốc gia và làm nảy nở thêm cho óc địa phương, nên xưa kia những nơi này thường làm giới hạn cho họ Trịnh và họ Nguyễn tranh hùng trong cuộc phân chia Nam Bắc.

Thường thường núi ở nước Việt Nam không cao lắm (ngọn cao nhất trên, Fansipan 3142 thước) và sông thường cũng không rộng lắm, mọi thứ như vừa mực thước của con người, vừa tầm đo lường của trí nghĩ và não tưởng tượng. Địa thế ấy đã ảnh hưởng sâu xa đến tính tình và tư tưởng của người Việt Nam vốn không ưa những cái gì vĩ đại và thái quá.


Tuy bề ngoài phương pháp canh tác của nông dân Việt Nam có vẻ đơn giản, nhưng thực ra nó rất thích hợp với cảnh thổ của một xứ ruộng ít mà nhiều người (Bắc Kỳ). Ruộng đã hiếm lại chia ra từng mảnh nhỏ vụn, số dân đã vừa đông vừa nghèo lại ở chồng chất lên nhau trong cả miền trung châu. Tình cảnh nông dân phía bắc xứ Trung Kỳ cũng không hơn. Tại Nam Kỳ tình trạng dân quê khá hơn vì đất còn rộng mà người còn thưa.

Nhân công rẻ, nên người ta đã đem sức người mà dùng hết địa lực, mà “khảo đất ra thóc.” Con người đã không được nghỉ, hòn đất cũng không được nghỉ. Có nhiều nơi, một năm thường thường một khoảnh đất trồng trọt đến ba, bốn mùa. Như vậy, nông dân Việt Nam thật đã bón đất bằng mồ hôi của mình.

Đất đai trồng trọt đã hiếm như thế, nên nông dân Việt Nam coi “tấc đất như tấc vàng.” Họ không bỏ phí một mảnh đất nhỏ nào mà không trồng trọt. Quen sống ở chỗ đồng thấp đất bồi, họ không thể khai thác miền trung du bởi họ quá nghèo đến nỗi không đủ “lương ăn” để “phá hoang” mà đợi hưởng lợi, nên cứ phải chen chúc ở miền đồng bằng, bám siết lấy một mẩu đất mà sống.

Qua bao thế kỷ kinh nghiệm và đau thương, nông dân Việt Nam đã hiểu biết tinh tường về tính cách của các thứ đất trồng trọt: đất thịt, đất phù sa, đất pha cát, đất sỏi, đất chua, đất mặn, thứ đất nào hợp với thứ ngũ cốc nào, thứ cây nào; thứ lúa nào phải cấy vào mùa nào, phải bón bằng thứ phân nào mới chắc thóc, và thửa ruộng nào thì cày sâu, mảnh đất nào phải cày nông, nương nào phải bừa kỹ, và sau vụ gặt hái, thửa ruộng ấy phải trồng thứ hoa màu nào cho đất thêm tốt và không bị kiệt màu.


Các chính sách kinh tế vẫn chỉ chú trọng về nông nghiệp: nào chiếm hữu đất đai, phân chia đất bồi, khai khẩn đất hoang, quân điền, dinh điền, hộ đê, xây đập, khơi sông ngòi.

Về những năm mất mùa, triều đình phải xá hay giảm thuế cho dân, rồi thỉnh thoảng lại phải dùng phương pháp quân điền và hạn điền cho ruộng đất khỏi tập trung vào tay một thiểu số. Đời Trần các vương hầu và tôn thất thường cho đầy tớ ra miền đất bồi ở dọc bờ biển đắp đê một vài năm cho hết nước mặn rồi khẩn thành ruộng mà lập tư trang.


Người Chiêm Thành cũng như người Cao Miên, lập quốc đã lâu đời. Họ chịu theo văn hoá Ấn Độ và trình độ văn minh còn cao hơn văn minh của người Việt Nam; di tích thành Đồ Bàn và chùa Đế Thiên, Đế Thích (Angkor) còn chứng tỏ rõ nền văn minh của họ biết bao chói lọi. Song người Việt Nam đã thắng họ vì dân tộc Việt Nam đang bành trướng mà văn minh rực rỡ của họ đã tới lúc suy tàn.


Công nghệ phát triển theo nhịp bành trướng của nông nghiệp. Về thời cổ, nông nghiệp mới manh nha, người Việt Nam chỉ biết làm đồ dùng bằng đá, nhất là cuốc dùng để làm ruộng. Trước thời Bắc thuộc, người Việt Nam đã biết chế luyện đồng làm nồi niêu để đun nấu và làm các mũi tên. Thuở ấy người Việt Nam chưa biết chế luyện sắt, lưỡi cày bằng sắt phải mua tận Trung Quốc.

Đến thời tự trị, các vua chúa thường phái người sang bên Trung Quốc học nghề, như nghề làm đồ sứ ở Hồ Giao, nghề dệt gấm, đoạn ở Kim Lăng. Nghề làm đồ gốm, nghề dệt chiếu, nghề sơn cũng do người Tàu truyền cho. Nghề khắc bản in (mộc bản) do một sứ giả Việt Nam học ở Trung Quốc, rồi truyền lại cho người làng Liễu Tràng vào khoảng thế kỉ 15 dưới triều Lê. Nghề làm giấy bản cũng học của Trung Quốc.

Những nghề này đều là thủ công nghệ nên dụng cụ và phương cách chế tạo còn đơn giản; sức sản xuất ít ỏi chỉ đủ dùng cho thị trường trong xứ. Phần nhiều các nghề này là những nghề phụ của nông dân, nên nhân công thường là công nhân gia đình.


Mà riêng đứng về thủ công nghệ, nông dân Việt Nam vẫn sản ra được những người thợ có giá trị vì phần đông nông dân Việt Nam, do di truyền, vẫn thừa hưởng được cái khéo léo ở chân tay.

Đời sống của họ rất eo hẹp. Họ thu rất ít, nên chi cũng rất ít. Luôn luôn họ phải xoay xoả, cố gắng để hạn chế những nhu cầu. Họ thường phải hạn chế đến cả sự ăn và sự ở. Họ cần kiệm và nhẫn nại, nên những nghề tỉ mỉ như khảm xà cừ, thêu thùa, chạm trổ, kim hoàn, họ hơn cả nhân công ngoại quốc. Lại thêm tài mô phỏng, giàu khiếu thích ứng, họ khuôn theo rất dễ dàng và tinh tế mọi hình thức hoạt động. Xưa kia, sự khéo léo cũng là một cái luỵ. Nhà vua bắt những người thợ giỏi suốt đời ở trong nội cũng để cung cấp sản phẩm cho triều đình. Cái tài khéo của dân gian một phần vì vậy mà bị chiết toả.

Sở dĩ công nghệ (thủ công) Việt Nam không phát đạt được là vì nhu cầu của phần đông dân chúng sống về nông nghiệp còn quá đơn giản; mức sống còn thấp lắm, nên không gây được một sức mạnh nào kích thích nổi công nghiệp cũng như thương mại cần phải mở rộng ra nữa.

Nông dân, chỉ coi nghề của mình như một nghề phụ để kiếm thêm chứ không tìm cách trau dồi cho nó một ngày một thêm tinh xảo. Lại thêm chính những người có nghề nhiều khi lại muốn giữ cho nó làm một thứ của riêng không muốn truyền dạy cho người ngoài, hoặc chỉ truyền riêng cho con cháu hay người trong họ là cùng, và chỉ coi nghề như một thứ của để “gia truyền.”


Việc buôn bán tại các chợ phần nhiều là do tay đàn bà. Tại các chợ to cũng như các thị trấn quan trọng, việc buôn bán đều thu cả vào mấy hiệu Hoa kiều lũng đoạn quyền lợi của cả một vùng.


Sự trao đổi phẩm vật và thổ sản thường chỉ diễn loanh quanh trong phạm vi địa phương cũng đủ cung cấp cho mọi thứ nhu cầu cho cuộc sinh hoạt đơn giản rồi, nên nhân dân không thấy sự cần thiết phải mở rộng các đường sá.

Làng này sang làng khác, phủ kia đến huyện nọ hay tỉnh này sang tỉnh khác, giao thông với nhau chỉ bằng những đường nhỏ theo bờ ruộng, bờ ngòi, bờ sông thường đứt quãng và hễ có mưa thì lầy bùn. Đến ngay con đường quan lộ to nhất thông suốt từ Bắc chí Nam trước kia vốn là con đường Nam tiến của dân tộc, cũng chỉ là một con đường mấp mô, khấp khểnh hết qua đèo lại xuống dốc và cắt ra từng đoạn do bao nhiêu sông ngòi.


Đường giao thông cùng phương tiện vận tải ít ỏi và thô lậu (võng, cáng) làm cho thổ sản và hàng hoá trong nước vận chuyển rất khó khăn. Gặp những năm mất mùa vì lụt lội hoặc hạn hán, thóc lúa ở miền này không chở sang miền khác được mau chóng và dễ dàng, dân gian thường bị đói khổ và chết chóc rất nhiều.


Một nước mà thương mại và kĩ nghệ hãy còn trong thời kì ấu trĩ như nước Việt Nam đến nỗi thuế má còn phải thu bằng cả sản vật và lương bổng quan lại cũng phải trả bằng sản vật, thì vấn đề tiền tệ đâu phải là một vấn đề cần yếu. Do tình trạng sinh hoạt này mà tiền tệ không cần phải có bản vị. Cả khối tiền lưu hành trong nước chỉ dồn vào những đĩnh bạc, đĩnh vàng, tiền đồng và tiền kẽm.


Các triều đại Việt Nam thường đặt ra hai hạng thuế: thuế trực tiếp và thuế gián tiếp.

Ở một nước nông nghiệp mà thương mại chỉ là việc đổi chác lặt vặt, thì thuế gián tiếp đâu phải là một nguồn lợi lớn cho quỹ triều đình, nên từ xưa lịch triều chỉ chú trọng vào thuế trực tiếp là đinh và điền vì người và ruộng vẫn là tài sản rõ rệt nhất ở trong nước.

Tuỳ từng triều đại, thuế trực thu đinh điền có thể hoặc nộp cả bằng tiền, hoặc một phần bằng sản vật và một phần bằng tiền, bở tài sản lưu thông trong nước không tiện nên lương bổng của quan lại và quân lính cũng phải trả một phần bằng tiền và một phần bằng sản vật.

Thuế đinh và thuế điền thì bổ theo từng làng phải chịu rồi tuỳ làng đó chiếu lệ mà phân bổ cho dân, những người bần cùng thường không phải chịu nhưng họ phải gánh vác những công dịch để bù lại cho làng.


Theo nguyên lý của thuyết quân chủ thì vua là thiên tử thay trời xuống trị dân, cho nên vua chỉ phải theo mệnh trời, còn mọi thứ, từ quỷ thần cho đến nhân vật đều phải dưới quyền vua cả. Sinh mệnh và tài sản của thần dân đều là của vua hết thảy, cho nên vua có quyền tuyệt đối. Vua là chủ tể cả nước cũng như người gia trưởng là chủ tể trong gia đình. Cho nên vua là một vị pháp quan tối thượng mà các quan là người thay mặt vua. Gia trưởng phải tế tự tổ tiên tại từ đường, vua cũng phải tế tổ tiên ở tôn miếu và trời ở đàn Nam Giao. Cho nên vua cũng là một vị giáo chủ nữa.

Vua là thiên tử nên thân thể vua là thiêng liêng, bất khả xâm phạm, kẻ nào phạm đến mình, hoặc phạm đến tôn miếu, lăng tẩm, bị ghép vào tội phản nghịch mà chịu hình phạt rất nặng (lăng trì, tộc tru).

Tên vua, tên cha mẹ và tổ tiên vua là huý, cấm không ai được nói đến, hoặc khi phải viết trong các giấy tờ công hay tư, thì phải viết chạnh đi. Bất luận vật nào thuộc về của vua, khi nói đến hoặc biết đến đều phải kèm thêm tiếng: “long”, “thánh”, “ngọc” (long nhan, thánh chỉ, ngọc tỷ) để tỏ ý tôn kính.


Tại triều miếu mỗi cử chỉ của vua đối với bề tôi và bề tôi đối với vua, từ cách tâu đối, đi đứng mọi thứ đều quy định rất tỉ mỉ và phiền phức, tất cả những thứ đó gọi là triều nghi, mục đích để tăng vẻ tôn nghiêm và tính cách thần thánh của nhà vua.


Một khi cái hạ tần kinh tế biến đổi hẳn, thì đồng thời cả cái thượng tần kiến thiết chính trị cũng phải biến đổi theo thì xã hội mới tiến bộ được. Nếu mâu thuẫn giữa nền kinh tế và chính thể không giải quyết, thì xã hội phải trải qua những cơn khủng hoảng lớn lao cho mãi tới lúc mâu thuẫn bị diệt trừ để xã hội tiến sang một nấc tiến hoá nữa mà thay đổi hẳn tính cách.


Cách lựa chọn các hàng quan văn võ của các triều đại Việt Nam thường làm theo hai lối. Một là theo tài năng, hai là theo thế tập. Bởi vậy triều đình thường vài năm lại một lần mở khoa thi văn, thi võ để tuyển lấy người bổ dụng vào các ngạch cai trị. Ngoài cách thi, triều đình còn đặt ra lệ tiến cử và bảo cử để các quan to, mỗi người có thể cử một người có tai hay danh vọng để triều đình bổ dụng nữa.

Lệ thừa ấm đặt từ những đời Lý, Trần, Lê mở lối cho các con quan được ra làm quan.


Song quyền thế tập ở xã hội Việt Nam, theo luật pháp quy định, chỉ được hưởng một vài đời là hết, rồi con cháu người được hưởng lại trở về dân chúng, lại sát nhập vào dân chúng, nên không thể tự gây thành một đẳng cấp quý tộc vĩnh viễn như ở xã hội châu Âu.

Trong quan chế của lịch triều, ta thấy quan lại chọn ở trong đám dân chúng ra rồi dần dần lại quay trở về dân chúng, nên trong xã hội, ta thấy bày ra hiện tượng giai cấp hợp tác. Nhưng đó chỉ là cái bề ngoài của nền kiến trúc chính trị, chứ thực sự thì đẳng cấp quan liêu lúc nào cũng là đẳng cấp thống trị có những đặc quyền khác hẳn dân chúng bị trị, bị khép vào nguyên tắc tổ chức quan lại của lịch triều.

Lấy nguyên tắc gia đình làm căn bản tổ chức, thì một khi thiên tử là cha mẹ của cả nước, các quan chức thay mặt vua tất nhiên cũng là cha mẹ của dân (dân chi phụ mệnh). Vì vậy, quan chức cũng phải có những đặc quyền xứng đáng với địa vị và chức vụ của mình. Quan chức được triều đình miễn thuế thân, ngoài lương bổng còn được hưởng tiền dưỡng liêm và lộc điền. Quan chức được tôn trọng. Dân gian kẻ nào phạm vào danh dự quan chức bị pháp luật ghép vào tội phạm thượng, phạm vào sinh mệnh quan chức bị tội nặng hơn so với thường dân. Nếu quan chức phạm tội, phải có chiếu nhà vua, pháp quan mới được thẩm vấn. Cha mẹ quan chức cũng được phong tặng. Cho nên tuy ở dân chúng lên, quan lại vẫn họp thành một lớp quyền quý làm cho mọi người thèm khát địa vị. Bởi vậy, cha mẹ những nhà khá giả cho con đi học cũng chỉ ước ao con đỗ đạt rồi ra làm quan với triều đình, một cậu học trò còn để chỏm, cắp sách đến trường làng cũng đã hằng nuôi nấng cái mộng ấy. Vả lại ngoài cách lấy thi cử làm chỗ xuất thân, dân chúng không còn lối nào mà đem dùng tài mình được nữa. Chế độ khoa cử của lịch triều phỏng theo chế độ khoa cử của Trung Quốc chỉ nhằm mục đích tuyển những người tôi tớ trung thành mà từ tâm tình đến tư tưởng đều đã khuôn theo luật ngu dân của các vị vua chúa. Khoa cử với những chương trình chỉ chú vào lối văn chương phù phiếm, kinh điển xa xôi moi trong dĩ vãng, với những trường quy rắc rối, tỉ mỉ là một phương pháp rất hiệu nghiệm của vua chúa Trung Quốc và Việt Nam bắt dân gian nghĩ theo một lối nhất định, cảm theo một lối nhất định và hành động theo những nguyên tắc nhất định. Nên trong hàng quan lại của lịch triều thật được ít có một người nào sáng lập ra được một học thuyết nào, dầu đã nấu sử sôi kinh hàng chục thế kỷ liên tiếp, không một người nào khởi xướng ra được một thuyết chính trị nào đặc sắc cả, dầu đã kinh qua bao cuộc biến thiên xã hội lớn lao.


Triều đình có đề phòng như vậy, pháp luật có nghiêm ngặt như vậy, song dân chúng vẫn không tránh khỏi sự lạm quyền vì cái nạn:

Quan xa, bản nha gần.

nên thường nổi loạn để chống sự áp bức, vì ngoài cách ấy họ không còn biết làm theo cách nào khác nữa.

Huống chi vì tính cách đẳng cấp, chế độ quân chủ Việt Nam cần phải chuyên chế mới đứng vững, thì đẳng cấp quan liêu họp thành bộ máy thi hành chính sách chuyên chế không áp bức dân chúng sao được. Quyền lợi đã xung đột nhau thì sức phản kháng giữa triều đình (với quan liêu) và dân chúng vẫn tiềm tàng. Nhưng xã hội nông nghiệp không thể mở cho dân gian một triển vọng chính trị nào khác chính thể quân chủ chuyên chế nữa, nên dân gian có nổi loạn song cũng không thoát khỏi quyền thống trị của vua và quan liêu, một bộ máy chính trị do kinh tế nông nghiệp chi phối.


Tuy các triều đại Việt Nam có đặt ra binh chế song việc võ bị thường không được luôn săn sóc tới trừ phi “quốc gia hữu sự.” Vả một nước nông nghiệp không thể là một nước thượng võ được. Cuộc sống định cư gây cho dân chúng một xu hướng hoà bình nên việc võ bị không được dân chúng hoan nghênh. Chính sách của lịch triều lại trọng văn khinh võ nên võ quan thường là những người ít học, hoặc do binh lính có đặc tài xuất thân, hoặc những người đậu tú tài, cử nhân hoặc tiến sĩ ở các khoa thi võ được bổ dụng.


Một chính thể muốn tồn tại, nó bắt buộc phải làm tròn những nhiệm vụ xã hội cần thiết. Trong các nhiệm vụ, việc quy định mối tương quan sinh sản là một nhiệm vụ cần thiết vì quan liêu (quan chế) và quân đội (binh chế) chỉ là những cơ quan phụ thuộc tuy đắc lực, đặt ra để bảo vệ mối tương quan sinh sản có lợi cho đẳng cấp thống trị. Mối tương quan sinh sản một khi đã quy định liền chuyển sang thành tương quan tài sản. Sự quy định này mở nguồn ra các luật pháp. Cho nên từ khi chế độ quân chủ Việt Nam thành lập, triều nào cũng đặt ra hoặc sửa đổi lại luật pháp.


Vừa chiến thắng phái quý tộc phong kiến xong, vua Đinh Tiên Hoàng chưa quy định được luật pháp hẳn hoi. Pháp luật ở đây cũng hãy còn là ý muốn của nhà vua, cũng như dưới thời phong kiến, ý muốn của vị lãnh chúa đã là “pháp luật” rồi, nên dưới triều Đinh chưa ban hành một bộ luật mới nào.


Từ cuối triều Lê, thẩm cấp đã phân chia rõ ràng, quyền hạn của các pháp quan đã định chặt chẽ. Sang Nguyễn triều, quyền kháng cáo của dân chúng được rộng thêm, nên tránh được ít nhiều sự bất công. Tuy vậy dân luật vẫn không có pháp luật, chỉ đặt ra cách thức trừng phạt kẻ phạm tội chứ không ấn định rõ rằng quy tắc cho dân chúng theo, cho nên pháp luật của các triều đại Việt Nam chỉ chú trọng về hình luật cốt để bảo vệ rường mối luân lý và ủng hộ nông nghiệp. Luật pháp theo nguyên lý là của vua đặt ra để trị dân, mà các quan là người thay mặt vua thi hành những luật pháp ấy, nên các quan lại được giữ cả quyền hành chính lẫn quyền tư pháp. Vua là chủ tể cả nước nên thu cả vào trong tay quyền lập pháp (ngoài quyền tư pháp và hành chính) bởi vậy vua là một vị pháp quan tối thượng có toàn quyền quyết nghị về các trọng tội, có toàn quyền kiểm soát việc tư pháp. Cho nên những án đoạt tự do và sinh mạng của thần dân trở lên, các pháp quan phải tâu vua, pháp quan nào không theo đúng pháp luật thì cũng bị trừng phạt.


Theo nguyên lý, trong gia đình phụ hệ, người gia trưởng có quyền tuyệt đối về tài sản và sinh mệnh của các người trong nhà. Trong gia đình, người gia trưởng là một vị chủ nhân chuyên chế cũng như vua là một vị chủ tể chuyên chế trong nước.

Nếu người gia trưởng chết đi, mà các con giai, từ con trưởng đến con thứ, đều đã trưởng thành và đã có vợ có con rồi, thì mỗi người đều có quyền lập một gia đình riêng. Đối với gia đình ấy, mỗi người đều có đủ uy quyền như người cha thuở sinh thời vì mỗi người đã thành một gia trưởng.

Ngoài việc làm chủ một gia đình riêng, người con trưởng lại có trách nhiệm thờ phụng cha mẹ, tổ tiên, nghĩa là ngoài tư cách làm chủ gia đình riêng của mình, lại có tư cách làm trưởng chi họ gồm gia đình mình và các gia đình của các em trai nữa. Rồi cứ theo trật tự ấy, mỗi gia đình nhỏ lại phân chia ra nhiều gia đình nhỏ khác nữa mà hợp lại thành một đại gia tộc. Người đứng đầu gia tộc là tộc trưởng phải tế tự tổ tiên chung của cả họ tại nhà thờ họ, có ruộng đất của họ cấp cho mà lấy hoa lợi để chi phí việc “hương khói”. Về luật pháp, người trưởng tộc có quyền dự các hội đồng gia tộc của các chi họ, phân xử các việc kế thừa, tranh chấp trong họ cùng mọi việc khác như tham dự vào việc hôn thú, tang ma của các người trong họ. Nếu người trưởng tộc còn nhỏ, thì có ông chú ruột thay mặt hoặc giúp đỡ.

Như ta thấy, gia đình Việt Nam tổ chức rất chặt chẽ nên quyền lợi của cá nhân không được trái quyền lợi của gia đình, và cá nhân phải luôn luôn phục tùng gia đình là cơ sở chính của xã hội. Gia đình là cơ sở của xã hội, nên nhiệm vụ của gia đình đối với xã hội rất nặng nề, trước pháp luật, người gia trưởng chịu trách nhiệm về hết thảy hành vi của mọi người trong nhà. Người gia trưởng phải giám đốc các em. Con em làm điều phi pháp thì phụ huynh phải chịu tội. Nếu người gia trưởng phạm tội thì cả con cái bị bắt làm nô tỳ. Một người trong họ phạm tội phản nghịch thì cả gia tộc bị liên đới trách nhiệm mà cùng chịu tội (tộc tru), có khi cả họ ngoại, họ vợ cũng phải chịu tội lây nữa (tru di tam tộc).

Luật pháp tuy hà khắc như vậy, song nhiều khi cũng đặt ra những trường hợp để giảm nhẹ để duy trì gia đình. Cho nên, kẻ bị xử tử mà cha mẹ già quá 70 tuổi, hay cha mẹ tàn tật mà không còn có con nào khác nữa thì phạm nhân được tha tội để phụng dưỡng cha mẹ. Nếu tất cả anh em ruột một nhà đều bị án tử hình thì một người được tha tội để nuôi cha mẹ hay để lưu truyền tôn thống.


Trật tự và uy quyền của gia đình luôn luôn được luân lý phong tục và pháp luật săn sóc nên càng vững vàng thêm. Bởi vậy cả nhân bị tan chìm trong gia đình không còn điều kiện vật chất và tinh thần nào thuận tiện nữa để phát huy cá tính cùng ý chí tự lập. Cá nhân chỉ biết có gia đình nên chỉ phải phục tùng gia đình và ỷ lại vào gia đình. Bao nhiêu năng lực của cá nhân bị gia đình thu hút hết nên ngoài quyền lợi của gia đình, phần đông người Việt Nam không biết đến quyền lợi của xã hội và quốc gia trừ phi tình thế lịch sử thúc bách cá nhân mới chịu rời bỏ tạm thời quyền lợi của gia đình mà tham dự vào công cuộc đấu tranh chung. Cho nên chính gia đình Việt Nam làm cho xã hội Việt Nam kiên cố, mà cũng chính gia đình Việt Nam làm trở ngại cho cuộc tiến hoá chung của dân tộc. Cái đó cũng do ở tình trạng kinh tế nông nghiệp gây nên một phần lớn.


Theo nguyên lý, trong gia đình phụ hệ, con cái là vật sở hữu của cha, nên người cha có quyền tuyệt đối về sinh mạng và tự do của con cái. Người cha có quyền bán con, bắt con đi ở, đi làm thuê để nuôi mình và có nhỡ đánh chết con cũng không có tội. Theo thuyết tam cương (quân thần, phụ tử, phu phụ) thì quyền của cha đối với con là tuyệt đối cũng như quyền của vua đối với tôi, và chồng đối với vợ. Cha đối với con phải nghiêm mà con đối với cha phải hết đạo hiếu.


Trong gia đình phụ quyền, cá nhân không có nhiều chỗ đứng, cá nhân phải nhập khối vào đoàn thể cùng sống trên những mảnh đất ruộng chung cho cả gia đình. Hình thức sinh hoạt này đã quy định việc hôn nhân. Cho nên hôn nhân chỉ có mục đích duy trì tôn thống. Việc hôn nhân là việc chung cho cả gia tộc, chứ không phải việc riêng của cá nhân, của con cái. Theo nguyên tắc ấy việc dựng vợ gả chồng là một nhiệm vụ thiêng liêng của gia trưởng, con cái không có quyền định đoạt mà chỉ có nghĩa vụ phải vâng theo. Tình yêu của con cái cha mẹ không cần biết đến, cha mẹ chỉ cần được nơi xứng đáng (môn đăng hộ đối) để đính hôn là đủ.


Tham giàu em lấy phải thằng bé tỉ tì ti.
Làng trên xã dưới thiếu gì trai tơ.
Em đem thân cho thằng bé nó giày vò,
Mùa đông tháng giá nó nằm co trong lòng.


Trong gia đình cả nhân đã không đáng kể, thì tình ái của cá nhân đâu được kiêng nể. Cá nhân chỉ có nghĩa vụ, mà nghĩa vụ quan trọng nhất là lưu truyền tôn thống. Cho nên người vô hậu đối với luân lý, đã phạm vào một tội bất hiếu rất lớn. Chủ nghĩa độc thân không được luân lý và phong tục công nhận.


Theo tâm lý thông thường, cái mong mỏi thiết tha của cặp vợ chồng là sinh được con trai. Nếu người vợ chính lâu không sinh nở thì người chồng có quyền được lấy thêm vợ lẽ, mà chính người vợ cả không có con trai cũng tự ép mình lấy vợ lẽ cho chồng.

Danh dự và lẽ sống của người đàn bà Việt Nam ở chỗ sinh được nhiều con, nhất là con trai. Cho nên muốn đời mình được đảm bảo, danh dự được vẹn toàn, người đàn bà phải cố gắng sinh đẻ. Nỗi khổ nhất của người đàn bà Việt Nam chính ở chỗ sợ vô hậu, nên nhiều khi người đàn bà chậm sinh nở phải tự ép mình vụng trộm với người khác để kiếm đứa con “lang.” Lòng thiết tha truyền tôn thống bên đàn ông cũng không kém mạnh mẽ. Gặp phải trường hợp vợ nọ vợ kia, mà vẫn chậm có người kế tự, ngoài cách đi cầu tự tại các đền, các phủ, có khi người đàn ông cũng thuận cho vợ đi chung chạ với người đàn ông ở miền khác để kiếm đứa con nữa (tục gọi là thả cỏ).


Một người chết đi mà không có con trai, tuy di sản con gái trưởng được hưởng nhưng huyết thống không có ai truyền, việc hương khói không có ai giữ; dù nhiều con gái bao nhiêu cũng không khỏi như là người vô hậu.


Trong gia đình Việt Nam còn có lệ lập đích khác với lệ lập tự. Khi vợ chính không có con trai thì con trai đầu của vợ lẽ được lập làm đích tử, có đủ quyền lợi và nghĩa vụ như người con trưởng của vợ chính. Khi cha chết rồi thì người đích tử lên làm đích trưởng.


Đối với cha mẹ nuôi cũng phải có bổn phận dựng vợ gả chồng cho con nuôi nữa. Nhưng thường người ta lợi dụng tục nuôi con nuôi mà đón những đứa trẻ vô thừa nhận, bắt chúng làm lụng suốt đời như một thứ tôi tớ không công, nhất là trong những gia đình giàu có.


Về nguyên lý, đàn ông (gia trưởng) có quyền tuyệt đối về tài sản của gia đình nên có quyền dùng tài sản của vợ mà vợ không bao giờ được kiện lại, nhưng theo pháp luật thì người chồng chỉ được quản lý tài sản của vợ thôi, nếu nhường hay bán phải có vợ ưng thuận. Luân lý cho phép người chồng bán vợ, nhưng pháp luật lại ngăn cấm; luân lý cho phép người chồng lấy nhiều vợ, nhưng luật pháp lại cấm người chồng không được tự tiện hạ vợ chính xuống hàng vợ lẽ (vợ mọn, nàng hầu) và nâng vợ lẽ lên hàng vợ chính để giữ gìn trật tự trong gia đình được nghiêm.

Pháp luật phải công nhận người vợ có ngang quyền với người chồng trong gia đình. Nhưng về thực tế, ta thường thấy việc quản lý tài sản trong gia đình không những là vợ làm giúp chồng mà lại chính vợ đảm đang lấy. Vì:

“Lệnh ông không bằng cồng bà” mà thuyết tam tòng của đạo Khổng không thì hành được triệt để trong xã hội Việt Nam. Ở đó đàn bà vẫn đóng một vai trò quan trọng trong kinh tế.


Ba trường hợp không cho chồng bỏ vợ là (trừ có ngoại tình): nếu vợ đã để tang cha mẹ chồng; nếu vợ đã làm nên giàu có; nếu ngoài nhà chồng ra vợ không còn chỗ nào nương tựa nữa.


Nô tỳ đánh lại chủ vô luận bị thương hay không đều bị pháp luật xưa ghép vào tội tử hình. Nếu chủ giết chết nô tỳ, thì chỉ phải phạt tội trượng. Nếu nô tỳ bị giết mà có anh em, quyến thuộc cùng làm nô tỳ thì các người đó đều được giải phóng mà trở lại làm lương dân.


Nhưng dầu sao, chế độ nô tỳ ở XHVN cũng không lan khắp mọi nơi và không luôn luôn giữ mãi tính cách tàn bạo: ngay từ thửa nước Việt Nam năng chiến tranh với Chiêm Thành, số tù binh bắt được đem về cũng không đông đảo cho lắm mà gây thành hẳn một đẳng cập bị toàn thể xã hội lương dân áp bức như ở xã hội La Mã và Hy Lạp cổ thời. Vợ con kẻ phạm tội và tù binh Chiêm lúc nào cũng chỉ là một thiểu số so với toàn thể dân chúng Việt Nam đang cần những cánh tay để mở mang đất đai và vườn ruộng. Sống lẫn lộn với dân chúng Việt Nam vốn thuần phác và ưa hoà bình, cuộc đời của bọn nô tỳ không đến nỗi khổ nhục quá lắm.


“Cùng một tiếng nói, cùng một đất đai, cùng việc dòng giống,” đó là ba yếu tố căn bản gây nên sức mạnh của xã hội Việt Nam, một xã hội rất thống nhất. Tính cách thuần nhất này hằng san phẳng trong nhiều chừng mực phong tục phức tạp của các xã thôn tự trị vẫn chứa đầy xu hướng cô lập, mà ấn định cho cả xã hội Việt Nam một nhãn hiệu riêng, một bản sắc riêng.


Về đồ uống, người Việt Nam thường dùng nước lã (lạnh), nước vối, nước chè (chè xanh, chè mạn, chè bạt, chè tàu) nước lá mồng năm và rượu gạo hoặc để vậy hoặc ướp hoa sen, hoa cúc.


Cách ăn vận của người Việt Nam còn sơ sài, nhất là giày dép lại có chỗ bất tiện cho dân quê phải luôn luôn dấn chân xuống bùn ruộng. Thêm đường ngõ hễ mưa là ngập bùn và dứt quãng, giày dép không thông dụng. Bởi vậy phần đông dân Việt Nam vẫn còn hay đi chân không.


Cho nên từ đình chùa, lăng miếu cho đến nhà ở, các thứ đều làm bằng những vật liệu tìm tại chỗ (như gạch, gỗ, tre, nứa, rơm, rạ, bùn, đất, những thứ dễ huỷ nát) bởi vậy quy mô kiến trúc thường không được to rộng, hùng vĩ. Mọi thứ đều tiết ra một cảm giác nghèo nàn và vụn vặt tuy nó rất thích hợp với điều kiện sinh hoạt vật chất còn quá sút kém của xã hội Việt Nam luôn luôn bị nạn thiếu đất và thừa người làm rung chuyển và biến động.


Làm nhà cũng như việc lấy vợ hay tậu trâu là một việc hệ trọng nên người Việt Nam phải đợi tuổi, chọn chỗ và định hướng cùng xem ngày rất cẩn thận rồi mới khởi công.


Nhiều người nhỡ cha mẹ chết mà lệ dân lại nặng, thì phải cầm cố ruộng đất hoặc vay nợ mà lo việc tống táng để báo hiếu cha mẹ. Cho nên những dịp “ma tươi” ở thôn quê thường là những dịp cho nhiều gia đình phải sa sút.


Sống thì hít hít, hôn hôn,
Chết thì bùa yểm, bùa chôn, bùa trừ!


Sống thì chả được ăn,
Chết thì bày cỗ làm văn tế ruồi.


Theo thói thường, ngừoi Việt Nam cho những người lớn mà để răng trắng là kẻ bất chính, bị thiên hạ chê cười, mai mỉa.


Cách tiêu khiển thịnh hành nhất trong xã hội Việt Nam là cờ bạc.


Lối chơi cờ bạc ở xã hội Việt Nam đã chịu ảnh hưởng của phong tục Trung Quốc dân đông, mà lại nghèo. Cách chơi ấy là một cách giải quyết đời sống quá eo hẹp của dân chúng không biết vợi vào đâu một phần sinh lực còn thừa chứa trong người. Phần sinh lực này không tìm đâu được một đối tượng xứng đáng để được thoả mãn nên phải tiết ra chệch đường mà biến thành một dục vọng mạnh mẽ tự cá nhân không đè nén nổi nữa. Thêm óc tư hữu phát triển mạnh dưới chế độ đẳng cấp, cái “máu mê” cờ bạc của phần đông dân chúng Việt Nam (và Trung Quốc) chưa cạn mạch được, vì cờ bạc vẫn gieo những ảo tưởng giàu sang vào đám dân chúng rời rạc không còn đủ tin vào sức cố gắng hay tinh thần chiến đấu của mình mà chống nạn nghèo đói nữa.


Nên ra thì múa tứ linh,
Chẳng nên ta lại nằm đình Cổ Linh.


Về thời thái cổ, người Việt có tục bái vật; sang đời thượng cổ, thì tự nhiên đa thần giáo đến thế thân. Các hiện tượng thiên nhiên như mưa gió, sấm chớp, núi, sông, trời, đất, trăng, sao đều được coi là có các vị thần linh chủ trương, vì các hiện tượng ấy xảy ra theo một trật tự nhất định như những lực lượng có ý thức cả, nên tự mình dìu dắt được lấy mình, để thống trị vũ trụ và vạn vật mà không hề rối loạn. Ngày và đêm đều đặn thay nhau. Mặt trời, mặt trăng lặn rồi mọc theo phương pháp nhất định và bốn mùa luân chuyển điều hoà không hề sai lạc. Sự trạng này gọi người thượng cổ đến một quan niệm thần quyền cai quản vũ trụ.

Thêm cơn mộng mị trong lúc ngủ và hiện tượng chết rồi lại tỉnh (chết ngất) làm phát sinh ra ý niệm về linh hồn khác thể xác nên người xưa tin rằng người chết và người sống thường thông cảm với nhau nhất là giữa những người thân thích. Cuộc sống định cư do nông nghiệp tạo nên làm nảy nở gia đình và sự tôn thờ vong hồn cha mẹ, tổ tiên. Cũng như trong đời có hạng thù địch bằng xương thịt hãm hại mình được, thì khi chết đi, họ cũng biến làm ma quái đến ám ảnh mình để trả thù.


Muốn trọn đạo hiếu, con cháu cứ đến ngày kỵ và tết nhất phải cúng cấp cho ca mẹ, tổ tiên. Những kẻ bỏ giỗ, bỏ tết là những kẻ đại bất hiếu vì để cha mẹ, tổ tiên không ai tế tự mà phải truỵ lạc thành những cô hồn đói rách, lang thang, vất vưởng.


Theo Lão giáo (biến thể) thì Ngọc hoàng thượng đế sáng tạo ra trời đất là chúa tể cả thế gian và bách thần mỗi vị giữ một chức vụ riêng như quan lại trong xã hội: Lão quân là hoá thân của đức Ngọc hoàng. Thế gian chia ra làm ba giới: thiên đình, âm phủ, và thuỷ phủ. Ở thiên đình thì có Tứ đại Thiên vương, Nhị thập bát tú, Lộc thần, Diện thần, Vũ thần, Phong thần, Nam Tào coi việc sinh, Bắc Đẩu coi việc tử, cùng Ngũ phương thần, Tứ thời thần, Thành hoàng, Thổ công, Táo quân, Tài thần, Văn xương đế quân, Quan thánh đế quân.

Ở âm phủ, có Thập điện Diêm vương và Địa tạng vương. Ở thuỷ phủ có Tứ hải Long vương quản trị mọi việc dưới biển.

Ngoài các vị thần tiên; còn có những yêu quái hay quấy nhiễu loài người, chỉ có các vị thần tiên mới trừ nổi các giống ấy.


Thêm tục súng bái tổ sư các nghề, và tục bái vật (thờ hổ, thờ cá voi, thờ cây đa, cây đề…) tín ngưỡng dân chúng Việt Nam họp thành một mớ tín ngưỡng linh tinh. Song đó chỉ là bề ngoài hoặc một phương diện của vấn đề.

Thật vậy, mới quan sát thì ta thấy “tôn giáo” của người Việt Nam đầy vẻ hỗn tạp ngoài sự sùng bái tổ tiên là tôn giáo căn bản, người Việt Nam còn chắp ghép tục bái vật và đa thần giáo, cổ sơ, đạo Lão, đạo Phật, (đạo Khổng nữa) vào mớ tin tưởng linh tinh của mình mà hoá thành một thứ tôn giáo đặc biệt. Cho nên, nếu chỉ xét về mặt thuần lý của từng tôn giáo một thì ta thấy tín ngưỡng của người Việt Nam không có tính cách đơn thuần. Nếu xét về mặt xã hội thì ta thấy tất cả tín ngưỡng của người Việt Nam đều bao hàm một cái gì nhất trí nó hằng chi phối thái độ của mỗi người đối với các vị thần linh và các bậc giáo tổ, một thái độ hết sức thiết thực.

Họ nhận thức rằng trong vũ trụ có những lực lượng âm u vẫn thường xuất hiện, có thể nguy hại tới họ, tới cuộc sống hàng ngày của họ nên họ tìm cách ngăn ngừa. Song không rõ các lực lượng âm thầm tác động ra sao nên họ phải giải quyết bằng sự tế lễ để cầu yên hoà. Đối với họ, ông thánh nào cũng thiêng, ông thần nào cũng mạnh, Phật tổ, Lão tổ đều là bậc thánh thần cả, bởi vậy họ phải kiêng sợ mà lễ bái để cầu lợi lộc ngay tại trong kiếp này hơn là ở cuộc đời mai sau.

Họ phòng xa nhỡ phải đói rét thật dưới âm phủ, nên mong có người cúng tế sau khi chết và quỷ sứ dưới địa ngục hành hạ thật chăng nên phải làm ma chay bố thí… Họ nhờ thánh để trị tà yêu và có thế thôi. Chứ thực ra trong họ vẫn lởn vởn ít nhiều hoài nghi. Đem chứng nghiệm với cuộc đời thực, họ thấy uy quyền của thần Phật nhiều khi thấy có mà nhiều khi cũng lại thấy không.

Thái độ lưng chừng và thiết thực làm họ dung hoà được các tôn giáo, và vì vậy họ không có một tín ngưỡng vững chắc nào cả, vì vậy họ không bao giờ trở thành những tín đồ cực đoan như nhiều dân tộc lạc hậu khác.

Về tôn giáo người Việt nam vẫn hoài nghi nên đều cho là:

Xem bói ra ma, quét nhà ra rác,

Để là hòn đất, cất nên ông bụt.

Cho nên suốt trong lịch sử Việt Nam, những người khác đạo sống sát cạnh nhau vẫn yên ổn là một hiện tượng xã hội rất thông thường; và chưa từng xảy ra một cuộc xung đột nào về tôn giáo đến đẫm máu do phần dân chúng tự ý gây nên.


Song dù dân hoá hay nho hoá, đại để tiếng Tàu Việt hoá theo mấy nguyên tắc sau đây:

  1. Âm Hán đọc thẳng ngay sang âm Việt: tương tư, nhân nghĩa
  2. Âm Hán đọc chệch sang âm Việt: cô nương = cô nàng; mê tưởng = mơ tưởng.
  3. Biến âm để biến nghĩa: nhân nghĩa = nhân ngãi (người tình)
  4. Đảo âm: phỏng đoán = đoán phỏng; tình nhân = nhân tình
  5. Ghép âm Việt vào âm Hán: mê = đê mê; lệ = lệ lạt; tục = tục tằn, tục tĩu.
  6. Sai lạc hẳn âm Hán: oan gia = quan gia; ngưu (lang) = ngâu.

Việt ngữ có một đặc tính là một hay hai “âm đệm” thường đi theo một tiếng chính như quà = quà cáp; viết = viết lách hoặc sạch = sạch sành sanh; tẹo = tẹo tèo teo.


Việt ngữ xưa kia còn nghèo lắm nên chỉ đủ dùng để diễn tả những thứ nhu cầu vật chất và tình cảm thôi. Đến việc biểu diễn những ý tưởng, những vật trừu tượng thì Việt ngữ không đủ dùng. Sau này dù có mượn thêm chữ Hán, những phẩm tử dùng để diễn tả ý trừu tượng cũng vẫn còn ít ỏi lắm vì chính chữ Hán là lối chữ tượng hình, tự nó cũng còn thiếu sót nhiều những chữ hoặc tiếng hoàn toàn chỉ dùng riêng về việc biểu diễn tư tưởng. Điểm thiếu sót ấy chính ở mực sinh hoạt vật chất của dân chúng trong xã hội nông nghiệp còn thấp kém. Mực sinh hoạt dân chúng mà được cao lên, tức nhu cầu vật chất đã tăng lên, thì ngôn ngữ đồng thời cũng giàu thêm bởi ngôn ngữ chỉ là tiếng “vang” của nhu cầu. Nhu cầu mới tạo ra những tiếng mới, mà mực sinh hoạt vật chất đã cao lên thì đồng thời cuộc sinh hoạt tinh thần cũng phức tạp hơn lên, và do đó, ngôn ngữ cũng theo nhịp tiến bộ vật chất mà phát triển. Cho nên sự giàu hay nghèo của ngôn ngữ vẫn biểu thị rất đúng mực sinh hoạt vật chất và tinh thần của một dân tộc trong mỗi giai đoạn tiến hoá lịch sử.


Nước Việt Nam, ngay từ thời đã tự trị rồi mà cũng chưa có một thứ chữ riêng nào tiện lợi để dùng. Giấy, tờ, sớ, biểu và sử sách còn phải trước tác bằng chữ Hán cả. Cho mãi tới triều Trần (thế kỉ 13) mới thấy sáng tạo ra chữ “Nôm” bằng cách lấy nhiều chữ Hán, hoặc nhiều phần của một chữ Hán, rồi theo phép hài thanh và hội ý, hoà hợp lại thành một thứ chữ đọc theo âm Việt Nam. Theo sử, thì chữ Nôm do Hàn Thuyên đặt ra. Sự thực, thì Hàn Thuyên chỉ là người Việt Nam thứ nhất đã dùng chữ Nôm trong việc sáng tác. Bài “Văn tế cá sấu” của ông là tác phẩm đầu tiên bằng Việt ngữ (thành văn) chứ chữ Nôm có thể đã do các quan lại Tàu sang cai trị đất Giao Châu sáng tạo ra từ trước để ghi chép và tìm hiểu phong tục, tính tình dân bản xứ cho tiện việc cai trị. Trong suốt một ngàn năm đô hộ đất Giao Châu, chẳng nhẽ quan lại Tàu không giải quyết vấn đề cần yếu ấy.


Việc dạy học xưa là một chức vụ tôn nghiêm. Ông thầy phải tự mình treo gương mẫu luân lý. Học trò phải thờ kính thầy như cha và vua (quân, sư, phụ). Nên việc giáo dục chỉ lấy luân lý làm trọng:

Tiên học lễ, hậu học văn.

Bởi vậy việc trau dồi tri thức, theo nguyên tắc luân lý ấy, chỉ là việc phụ thuộc. Thầy được tôn như cha, nên học trò phải để tang thầy ba năm.


Qua cách tổ chức việc giáo dục và chương trình khoa cử cùng đạo nghĩa giữa thầy và trò sâu xa và thân mật như vậy, ta thấy cả một chính sách thần diệu và tinh tế của các vua chúa Trung Hoa và Việt Nam đã đem thi hành để khuyên dân chúng nghĩ theo một lối, cảm theo một cách và hành động theo một chiều. Không những đẳng cấp sĩ phu bị lung lạc bởi chế độ khoa cử chật hẹp, bởi thứ văn chương phù phiếm cần phải trau dồi mãi mãi qua dời nọ sang đời kia, và bởi những vinh diệu qua đáng (như trâm bào dạo phố, cờ biển vinh quy) mà cả dân chúng cùng bị ru ngủ trong lớp tư tưởng đồi bại của Tống nho.


Có kẻ suốt đời vùi đầu vào mấy quyển sách Chu, Trình được triều đình coi là chính thức, nhỡ vô ý hay dại dột hoặc ngông cuồng một chút, sẽ thấy cả cái “học tử công phu” của mình trong gần trọn một kiếp người đều tan ra mây khói trong khảnh khắc.

Dưới chế độ ấy, học vấn nâng lên cao sao được, trí thức của dân chúng mở mang làm sao được! Cả cái phần tinh hoa của dân chúng Việt nam chỉ còn một lối duy nhất để tiết ra: văn chương phù phiếm được triều đình khuyến khích và công nhận. Nhân tại bị chi phối không còn đường nào để xuất thân ngoài con đường cử nghiệp do triều đình đã vạch sẵn.

Bởi vậy, cho nên nước Việt Nam “ngàn năm văn hiến” mà không sản xuất nổi một học thuyết mới lạ nào, một trào lưu tư tưởng hoặc nghệ thuật mạnh mẽ nào; bởi vậy đẳng cấp nho sĩ Việt Nam bị tri thức hệ Nho giáo bảo thủ lung lạc, bị nguỵ thuyết bọn Tống nho đưa lạc nẻo, bị chế độ thi cử chi phối, không còn một chút hoạt lực nào, không có được một tính cách cấp tiến nào nữa.


Qua hết cả số tác phẩm trên đây, ta thấy văn học Việt Nam tiến rất chậm, mà tất cả các loại chỉ loại thi ca là trội hơn cả. Phần nhiều các sách soạn bằng chữ Hán nhưng cũng chỉ loanh quanh trong vài loại tạp ký và sử ký biên niên; loại sách về tiểu thuyết và luận thuyết thì tuyệt nhiên không có. Học chữ mượn, lại mượn luôn cả tư tưởng của Trung Quốc, các bậc trí thức Việt Nam khuất phục dưới cái tri thức hệ Nho giáo, không còn sinh khí nữa, mất sạch sáng kiến. Công trình sáng tác phải nghèo nàn là lẽ dĩ nhiên vậy. Thêm câu nệ về hình thức, mong bỏ tiếng mẹ đẻ (“nôm na là cha mách qué”) các bực trí thức Việt Nam tự bọc lấy cho mình một lốp cứng thành kiến nên không tiến hoá nổi nữa. Đến tư tưởng và thể văn, từ đầu đề cho đến điển tích, mọi thứ nhất nhất cũng cứ theo Trung Quốc cả, bắt chước cho thật đúng kiểu Trung Quốc không hề sai lấy mảy may.


Với những quan niệm chật hẹp và vụn vặt như vậy, văn học đâu có đà mà lấn bước.


Trong nước đẳng cấp nho sĩ vững chân cố tự tạo lấy một lối (văn hoá), một thứ văn chương quý phái để phân biệt mình với dân chúng (nôm na) mà cho ngôn ngữ của họ là “cha mách qué.”


Cái hay của Kim Vân Kiều sở dĩ còn phù hợp với tâm trạng của người Việt Nam bây giờ là bởi kinh tế nông nghiệp và xã hội phong kiến đời Minh có nhiều chỗ tương đồng với xã hội phong kiến nông nghiệp dưới thời Nguyễn Du và cả xã hội Việt Nam ngày nay nữa. Kiến trúc kinh tế và xã hội ấy vẫn tạo ra những mẫu người “nhân, nghĩa, lễ, trí, tín” lẫn những mẫu người trái hẳn lại, cũng như vẫn tạo ra một tâm trạng xã hội riêng cho các hạng người trong mỗi đẳng cấp và một tâm trạng gần như chung cho tất cả mọi người.


Nếu xã hội đổi thay hẳn, nếu điều kiện sinh hoạt vật chất thay đổi hẳn, tâm trạng cũng phải đổi thay. Cái hay của Truyện Kiều sẽ không còn hợp với thứ tâm trạng do điều kiện sinh hoạt hoàn toàn đổi mới quy định.


Ngoài văn học, nghệ thuật thường là một yếu tố phản chiếu rõ rệt trình độ tiến hoá của một dân tộc. Nghệ thuật phát triển theo nhịp bành trướng của sinh sản lực và khởi điểm của nghệ thuật bao giờ cũng rút nguồn từ sự cần lao. Hình thức sơ thuỷ của nghệ thuật là khiêu vũ gồm âm nhạc và ca hát.


Sau này xã hội bành trướng trở thành phức tạp, nghệ thuật phát triển theo, kỹ thuật sinh sản cũng phức tạp thêm mà gây ra nhiều xu hướng và cứ xa dần mãi dân chúng để trở thành một thứ độc quyền trong địa hạt văn hoá.


Nhà làm to hay nhỏ đã có luật pháp hạn chế, tuỳ theo địa vị xã hội của mỗi người. Cung điện của nhà vua, dinh thự của các quan hay đình miếu đã có hình thức, khuôn khổ nhất định nên tài nghệ của thợ chỉ dồn vào chỗ trang sức lặt vặt, như cửa võng, kẻ, đấu, rầm, bẩy và cửa bức bàn, cửa chấn song.


Hội hoạ Việt Nam còn trong thời kỳ ấu trĩ. Ngoài cách vẽ kiểu để khắc và chạm trổ cùng thêu thùa, sơn khảm; hội hoạ chỉ thu dồn vào một ít tranh thập điện, chư vị bạch hổ, ngũ hổ có tính cách hoàn toàn tôn giáo. Các bức tranh ấy lại ít khi lưu truyền lại vì mỗi lần tranh cũng, theo mê tín, người ta lại hoá (đốt) đi nên ta không có tài liệu mà so sánh xem nghệ thuật đó tiến hoá ra sao.

Về hội hoạ người Việt Nam cũng phỏng theo của Tàu. Cái đề, cái “cớ” cũng lại quanh quẩn trong kiểu tứ quý, tứ linh, ngũ phúc, tam đa, long cuốn thuỷ, cá hoá rồng…


Nhạc Việt Nam chỉ là những bài tiết âm chứ không có những bài hoà âm. Trong nhạc Việt Nam, sóng âm lên xuống, nhịp điệu hoà chen nhau thường chỉ theo những âm ba đợt ngắn và đều khoảng; cảm giác được gợi ra là những cảm giác đê mê, ẻo lả, na ná nhạc Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Mãi Lai… Nhạc Việt Nam chỉ gợi được ra những cảm giác uể oải, yếu ớt và bằng phẳng như cánh đồng lúa man mát kéo tận chân trời mà không nổi lên được một chút gợn nào mạnh mẽ.


Còn về hình thức thì ca dao vẫn đầy đủ hơn thơ nhiều. Qua vô vàn câu ca dao, ta thấy tâm hồn dân chúng Việt Nam rung động mạnh mẽ và chân thực. Trái lại, thơ chỉ ghi lại được những cảm giác nghèo nàn và giả trá, những ý tưởng nông cạn và hẹp hòi.


Do cái quan niệm “vạn sự xuất ư nho” nên nhà nho thường đã “học” nên, tất cũng phải “hành”, mà trong các nghề thực dụng, nghề làm thuốc là nghề dễ làm nhất cho các nho sĩ không đạt vận. Song tuy số người làm thuốc rất đông, mà thực ra y khoa cũng chẳng tiến bộ được chút nào.


Một khi rời khỏi nơi gốc, Phật giáo liền mất ngay tính cách sơ thuỷ mà khoác lấy những hình thái mới. Truyền qua Tây Tạng, Phật giáo đã biến tính một lần. Sang Trung Quốc, Phật giáo lại biến đổi nữa. Đến khi du nhập xã hội Việt Nam, Phật giáo chỉ còn là một mớ nghi thức hỗn độn với nghi thức Lão giáo và Khổng giáo.


Tư tưởng của Lão Tử sai lạc ngay từ bên chính quốc, truyền sang Việt Nam bèn hoá theo tín ngưỡng linh tinh của dân gian mà mất hết cả tính cách hồi sơ thuỷ. Lão Tử không còn là một triết gia nữa. Lão Tử đã biến thành một vị thần linh thống trị được ma quỷ. Nhiều đoạn trong Đạo đức kinh của Lão Tử biến thành những câu phù chú của các pháp sư Việt Nam, xen lẫn với các câu phù chú của Ấn Độ đã bị người Tây Tạng mê tín làm sai lạc đi rồi.


Mọi việc cứ phó mặc tự nhiên là hơn. Tư tưởng phóng nhiệm này mở ra thuyết vô vi. Nhân sinh triết học của Lão Tử là ở thuyết vô vi nên chủ trương rằng người ta bao giờ cũng giữ lòng cho thanh tĩnh, cái gì cũng để theo lẽ tự nhiên, không nên thiết tha đến một sự gì cả.

Đến sự học, Lão Tử cũng theo nguyên lý vô vi mà cho rằng “càng học nhiều thì lại càng vô ích mà có hại cho mình.”


Về luân lý, Khổng Tử nêu ra nguyên tắc “tu thân” để thực hành nhân, nghĩa, hiếu, đễ, trung, thứ. Đạo của ngài không xa bản tính của con người, nên những điều ngài dạy người đều hợp với bản tính của con người, chứ không dạy những điều u uẩn, huyền bí. Cho nên ngài chỉ căn cứ vào tính của con người, mà sửa đổi phong tục cho hợp với đạo trời là “nhân.” Đức nhân là đức chính của trời bao trùm vạn vật, nên người ta phải khuôn theo mà ăn ở. Trong thân thuộc của mình, sự phát hiện của đức nhân là hiếu và đễ; đối với người ngoài, phát hiện của đức nhân là trung và thứ. Người quân tử là người đạt được đức nhân nên có phận sự cai quản kẻ khác, làm mẫu mực cho kẻ dưới noi theo.


Muốn trị thiên hạ, thì trước hết phải chính danh đã. Có chính danh thì mọi người mới chịu ở địa vị thật của mình trong xã hội mà không xáo lộn trật tự của xã hội.


Sở dĩ trong sinh thời, Khổng Tử không được một vua chư hầu nào chịu dùng cả vì Khổng Tử chủ trương “chính danh” mà ngăn các vua chư hầu không được lấn áp quyền “thiên tử” là vua nhà Chu, trong khi họ muốn lăm le nắm ngôi bá chủ cả thiên hạ.


Nếu ta biết xã hội là hoàn cảnh của con người thì thiên nhiên lại là hoàn cảnh của xã hội. Bởi vậy con người vẫn bị hai yếu tố chính luôn luôn chi phối: xã hội và thiên nhiên.


Về tính chất tinh thần thì người Việt nam phần nhiều là thông minh, song những người có trí tuệ lỗi lạc thì xưa nay vẫn còn hiếm. Nhiều khi trí thông minh không có chỗ dùng thuận tiện thường lại biến ra não tinh vặt. Đến não tưởng tượng thì hoàn toàn bị não thực tế làm tê liệt. Não thực tiễn này mở nguồn cho nhiều đức tính khác, cho nên người Việt Nam hiếu học không phải vì khát hiểu biết, mà chỉ vì mong đạt một địa vị ưu thắng trong xã hội. Học đối với người Việt Nam không phải để thoả mãn một khát khao của trí tuệ, mà chính là để làm kế mưu sinh. Cho nên cũng vì thiết thực mà người Việt Nam “tín ngưỡng” để rút phần lợi ích thiển cận của tôn giáo tại ngay kiếp này nhiều hơn là mong linh hồn được giải thoát mãi tận kiếp sau. Bởi không mơ mộng, cho nên người Việt Nam không có thái độ cực đoan về tôn giáo cũng như về chính trị. Cũng như hầu hết dân tộc nông nghiệp khác, người Việt Nam ưa hoà bình và thường nhút nhát, song ngộ sự cũng biết hy sinh vì đại nghĩa hợp với quyền lợi thiết thực của mình. Người Việt Nam ít khi chịu chết vì tín ngưỡng hay vì một vĩ nhân nào đã chủ trương trái quyền lợi của họ. Gặp lúc phải dồn vào thế yếu, họ chống lại ngay bằng phương pháp tiêu cực: chỉ trích và châm biếm. Cũng vì thiết thực mà người Việt Nam không quan niệm cái gì thái quá. Từ cung điện, lăng tẩm của vua chúa đến đền đài miếu mạo của dân gian, mọi thứ đều khuôn theo sở năng kinh tế và xã hội của dân tộc. Khuôn khổ chùa Đế Thiên, Đế Thích và thành Đồ Bàn đều ra ngoài trí tưởng tượng của người Việt Nam. Cũng vì vậy mà về học thuật cùng tư tưởng, người Việt Nam không có chủ nghĩa siêu hình nào. Vật lộn với cuộc sống quá eo hẹp hàng ngày nơi đồng ruộng, hoặc miệt mài vào sách thánh kinh hiền, người Việt Nam ít rảnh thì giờ theo cuộc suy tưởng triền miên.


Cho nên người Việt Nam ít não sáng tác; trái lại hoàn cảnh sinh hoạt ấy đã giúp khiếu thích ứng thêm cứng mạnh. Luôn luôn phải nhẫn nại và dung hoà với hoàn cảnh, người Việt Nam đã khuôn thể xác và tinh thần theo điều kiện sinh hoạt, nên tự tạo ra được tài mô phỏng, không thua kém một dân tộc nào. Nhưng cũng vì sẵn khiếu thích ứng và tài mô phỏng mà người Việt Nam ít não sáng tác. Cũng vì thiết thực quá mà người Việt Nam thành ra nông nổi và không đủ bền chí để theo đuổi những công cuộc có kết quả xa xôi. Cuộc sống chật vật giữa xã hội đông người mà đất hiếm đã tu luyện cho người Việt nam sức chịu đựng đau khổ rất dẻo dai và sức làm việc rất bền bỉ, nhất là người ở miền Bắc thì không mấy dân tộc sánh kịp.

Tính ưa hư danh — phản ánh của xã hội đẳng cấp — là một tật phổ thông của người Việt Nam hằng cố gắng tìm vượt lên trên địa vị hiện tại của mình để mong hưởng những quyền lợi ưu thắng khác. Tật cờ bạc — kết quả của óc tư hữu tại sản bị nghẹn lối — do cuộc sống chật hẹp gây nên, cũng là một tật phổ thông của người Việt nam.

Các đức tính và tật xấu trên đây đều do điều kiện sinh hoạt của xã hội Việt Nam cấu thành nên không có tính cách vĩnh cửu. Một khi hoàn cảnh sinh hoạt đã đổi thay, tính tình và tư tưởng của người Việt Nam cũng biến đổi để thích hợp với trạng thái sinh hoạt mới.


Triều đình và dân chúng sống yên ổn trong biên giới thiên nhiên, bên đông có Trung Quốc hải, bên tây có dải Trường Sơn, không trực tiếp mật thiết với một dân tộc nào mạnh hơn nữa. Nên vẫn đằm trong giấc ngủ triền miên, trong khi bên kia bán cầu, xã hội phương Tây đang bùng bột đổi thay chế độ, nhân loại Tây phương đã đi tới chỗ ngoẹo của lịch sử cần phải băng qua.


Trong khi thuyết vô vi của Lão Tử, thuyết tôn quân của Khổng Tử, thuyết nhân ái của Jesus, thuyết duy lực của Nietzsche, thuyết vô chính phủ của Bakounine, thuyết tương đối của Einstein cùng phân chia nhau ngự trị tư tưởng giới Việt Nam. Cho nên một người Việt Nam dầu chứa đựng và tiêu hoá được hết cả các lý thuyết này để rồi tin theo lẫn lộn cả các lý thuyết ấy cũng chỉ là một hiện tượng trí thức rất thông thường, bở nó bắt nguồn ngay trong nền kinh tế đang nằm trên cái quá tình phát triển biện chứng.